1. Thằng Jimi Đông mấy lần đến gạ lão Ễnh bán mảnh đất ven hồ của lão từ hồi thấy dân làng rục rịch bàn tán về chuyện làng sắp lên phường, đầm Vạc sắp nằm trong địa phận thành phố. Mấy lần ấy lão nhẹ nhàng lắc đầu, từ chối. Đến lần thứ tư hay thứ năm này, nó lại đến với vẻ nhất quyết mua bằng được. Khi mới vào, nó đảo mắt nhìn quanh nhà như có ý tìm ai. Mãi sau thấy nó tặc lưỡi “thằng Tép lại nhảo chân đi chơi rồi. Chắc nó khoái cái điện thoại ấy nhỉ”.
Nghe nó nói, lão Ễnh định toát cho nó một hồi vì chuyện cái điện thoại thằng Jimi Đông cho thằng Tép. Nhưng vốn là đứa láu tôm, khi nhận ra vẻ mặt lì lợm của lão Ễnh, nó chuyển ngay sang chuyện khác. Thoạt đầu, Jimi Đông luyên thuyên bát xát một hồi về tương lai phường này nhờ đầm Chim sẽ thành trung tâm của thành phố, có khi còn hơn cả Hà Nội vì khí hậu, đặc sản của đầm. Nói một hồi, nó hạ giọng thầm thì vẻ quan trọng bảo “đất làng ta giờ là đất vàng nên bố già cần nhớ. Nước mầu không để chảy ra ruộng nhà khác, vì thế hôm nay con mới thưa chuyện với bố già”. Lão Ễnh nghe chưa hết câu, bật ngay, giọng gay gắt có phần giận dữ:
- Thứ nhất, mày không phải người làng này mà mày nói làng ta. Tao từng là bộ đội nên tao nói thẳng.
Thằng Jimi Đông cười hì hì:
- Con tuy người thiên hạ nhưng nhận là người làng này cũng không sai. Một, con là rể làng. Rể thời đổi mới này cũng như con chứ không phải là khách. Ví thử ông già vợ con, cụ Hai Ổi nằm xuống thì con không thể chỉ vác mồm đến ăn mà phải lo từ việc đầu cho đến việc cuối cùng. Con lại là rể trưởng nữa. Hai, con lại chơi thân với thằng Đễnh - con trai bố từ vài chục năm nay. Nhà con lại toàn hĩm nên con nhận thằng Tép là con nuôi… Nhiều lẽ thế, chả nhẽ con lại là người thiên hạ.
- Mày đến làng này chưa được hai mươi năm, nên chỉ là thằng ngụ cư thôi. Đừng tầm phào.
Thằng Đễnh, con lão chen ngang:
- Thôi mày có chuyện gì với ông già thì nói trắng phớ ra đi.
- Được rồi. Vậy thì con xin nói luôn. Con muốn bố già bán cho con mảnh đất ven đầm của bố. Nếu của người ta, kể cả chỗ đất ruộng ngon nhất con cũng chỉ giả cộc giá là 10, riêng bố già con tiến lên hẳn 5 giá tức là 15. Hôm qua, con cùng thằng Đễnh ra ướm thử là hơn hai sào một tý. Quy ra làm tròn có lợi cho bố già là 800m, tức là chỗ ấy tròn 12 tỷ đấy ạ.
Gã rể làng nói vừa dứt, lão Ễnh vằn mắt, tay chỉ ra cửa, nói như quát:
- Mày cút ngay, đừng để tao điên lên thì đừng trách. Mày đã tam phen tứ phen làm mất danh mất giá cái làng này rồi, giờ mày định đến rủ tao tiếp tay cho sự hư đốn của mày hả.
Thằng Đễnh nhăn mặt:
- Kìa bố. Bố nên nhớ nó trả 12 tỷ là hời rồi đấy. Mà miếng đất ấy từ lâu lắm rồi nhà mình có trồng trọt gì đâu. Bỏ hoang như thế, nay được món tiền lớn làm cả đời chắc không nổi phần mười, tội gì.
Nghe thằng con nói, lão giận tím người. Mặt đỏ hắt lên vì cáu. Lão không ngờ thằng Đễnh biết tỏng những thói hư tật xấu của thằng Đông, thế mà… Đồng tiền làm mờ mắt khiến nó quên đi tất cả. Lão thở gấp, lắp bắp chưa kịp nói câu gì thì Jimi Đông xòe cái cười nịnh bợ, xí xóa:
- Thằng Đễnh nói đúng đấy bố già ạ. Đất bố để không thế, chẳng chóng thì chầy khi làng mình thành phường, thị xã lên thành phố, thì Nhà nước cũng lấy chỗ đất ấy mà chỉ thí cho bố số tiền gọi là có… Bố thấy rẻ không chịu, người ta cưỡng chế. Con và thằng Đễnh tăm tia hết cả rồi, nên quý bạn, con quý bố già, con mới mua với giá ấy. Có món tiền đó, kể cả khi bố cho con cái đồng nào thì số tiền còn lại vẫn là món tiền to, bố muốn làm gì cho sướng, cho danh giá cái đời bố cũng thừa sức làm. Như xây lại nhà, đi du lịch kể cả đi Mỹ con cũng giúp được bố. Con quen mấy đứa làm du lịch hay lắm…
- Tao đã quyết rồi. Mày có nói rã bọt mép ra tao cũng không bán. Bán cho mày để mày có cơ phá nát cái đầm Chim ra à?
- Nhưng đầm này có phải của riêng bố đâu.
- Không phải của tao nhưng tao quen nhìn thấy đầm Chim từ hồi tao bé, nó đẹp đẽ, phân miêng chứ không phải lổn nhổn, bừa bãi như bây giờ, đến chim chóc và ngay cả con tép rồi cũng không sống nổi. Mà mày có chôn rau cắt rốn ở đây đâu mà xót, mà thương tiếc con cò, con vạc ở đây.
- Ối dào. Bố toàn nói những điều đâu đâu ấy - Thằng Đễnh làu bàu.
- Câm mồm! Lão chỉ tay vào mặt thằng con quát to. Quát xong, lão nhìn quanh như có ý nhìn xem thằng đích tôn có đấy không. Trong thâm tâm lão không muốn thằng cháu lão buồn và sợ.
Jimi Đông vẫn tươi cười:
- Con công nhận bố yêu đầm Chim, yêu làng thật, nhưng đấy rồi bố xem. Nhà nước sẽ quy hoạch, lúc đó có khi bố còn buồn hơn nữa ấy chứ .
- Mày cút đi. Mày không phải dọa tao. Tao biết hết chủ trương ở trên rồi.
2. Lão Ễnh đẩy cửa bước vào lều. Lão thấy đầu óc đang chất tảng nặng nề, bởi sự ân hận vì việc xảy ra trước khi rời nhà ra đầm dường như có nhẹ nhàng hơn. Phần vì chặng đường từ nhà ra đến lều có tới hơn cây số, lão cố gắng làm như lơ đi không nhìn những gì xảy ra trên đường. Những mảnh đất với những cọc làm bằng đủ mọi vật liệu nhô cao, trên đó có mảnh gỗ sứt sẹo hoặc vuông thành sắc cạnh với dòng chữ nghuệch ngoạc hay gọn nét “bán đất” kèm theo số điện thoại dài ngoằng. Những chiếc máy xúc nằm im lìm hay động đậy vô lý giữa những công trình đa phần là nhà ở đang làm dở bên đầm nước. Tất cả bị dừng lại bởi một mệnh lệnh nào đó. Mặt nước gần bờ lộ rõ sự nhăn nhúm bởi những đợt sóng nhỏ như khuôn mặt đang bị đau, mặt nước xa bờ lăn tăn, sự phẳng phiu chớm xô động như bản mặt người nào đó đờ đẫn bởi nỗi băn khoăn triền miên. Đầu lão thoáng đi cũng phần vì làn không khí thoáng đãng hơi nước và nhàn nhạt mùi những cây sậy khô lát vào vách lều.
Lão Ễnh ngồi xuống cái chõng tre loay hoay tìm cái điếu cầy quen thuộc. Vừa đưa tay định với điếu, thì ngay lập tức lão rụt ngay lại khi nhìn thấy ngang cạnh ống điếu đã ngả màu vàng nhạt là cây cần câu của thằng đích tôn. Tự nhiên lão đứng lên, rồi lại ngồi phịch xuống, lòng tràn đầy hối hận. Đúng rồi. Bây giờ thì lão nhận ra sự nặng nề từ nhà ra đến lều đúng là sự nửa sám hối nửa bức bối khi nhận ra sự vô lý bởi cơn nổi giận vô cớ với thằng cháu nội mà lão yêu quý nhất nhà.
- Chiều nay con được nghỉ, con ra lều ông câu cá nhé.
Ông quay lại về phía thằng cháu, thấy nó đang nhìn chăm chú vào chiếc điện thoại mà tay Jimi Đông luôn nhận là bạn bố nó, mà cũng là kẻ đang gạ mua mảnh đất ven hồ của lão, với lý do thưởng cho thằng bé khi kết thúc năm học nó là đứa học trò đứng đầu lớp. Cho đến bây giờ lão còn nhớ tiếng cười hềnh hệch của Jimi Đông cùng câu nói cố tình hể hả khi đưa chếc máy cho thằng bé: “Tặng cho con trai của bố Đễnh. Ước gì bác cũng có được cái ngẩu học giỏi như mày nhỉ. Nhà toàn tẹt vô duyên quá thể”.
- Ở nhà không đi đâu hết.
Lão nghĩ đến cái giận vô lý khi thấy thằng bé nói chuyện với ông mà mắt không rời khỏi điện thoại. Nhìn thấy tay Jimi Đông cho thằng bé cái điện thoại, lão đã nói oang oang: “Anh mang về chứ cháu tôi không lấy đâu”. Thằng Kễnh con trai ông lại gạt đi: “Bố rõ thật là. Jimi Đông là bố nuôi thằng Tép đấy. Mai kia ba đứa con gái nhà nó vù đi lấy chồng thì thằng Tép phải trông bố nuôi đấy. Hề hề”.
Nói mãi thằng con mình về chuyện này không được, lão chán ngán, giở đi không thèm nói nữa. Còn lúc này… Hóa ra thằng Tép nứt mắt kia vì cái điện thoại thiên hạ cho mà xem thường người đẻ ra bố nó à. Bằng mắt muỗi mà đã quệt mỏ thế, mai kia lớn lên…
Lạ thật, chả biết chiếc điện thoại có ma lực gì hấp dẫn mà từ khi căn làng ven hồ của lão lên phường, cái thị xã loe hoe này lên thành phố, thì cái cục điện thoại bé tý, mỏng dính ấy như hút hết hồn người từ bé đến lớn, từ đàn ông đến đàn bà. Hầu như cả ngày lẫn đêm, hở ra một cái là người ta cắm mặt vào cái điện thoại loang loáng, nhoay nhoáy bấm, nhoay nhoáy vuốt trượt. Nay đến lượt thằng đít nhôm của lão. Chính thằng bố nó sau lần ông ca cẩm vì sự suốt ngày thằng Tép cắm mặt vào chiếc điện thoại, tay Jimi Đông đã đánh tiếng sẽ mua cho lão cái thứ tử tiệt mà nó gọi là điện thoại thông minh ấy để “ông đi đâu còn biết”. Khi thấy lão gạt đi, thì thằng bố làu bàu vẻ phật ý: “Bố từng đi bộ đội, vào tận Sài Gòn mà lạc hậu thế”. “Thằng kia, nói toạc ra đi, tao đẻ ra mày mà mày dám ăn nói thế hả? Tao lạc hậu ở chỗ nào?”. Thằng con làm mặt vui vẻ, pha trò, nói một thôi một hồi rằng, đây là sự tiến bộ của kỹ thuật trong thời buổi văn minh. Nó chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay thôi mà, chuyện xa chuyện gần, chả cứ của phường mình, thành phố mình mà của cả thế giới đều có thể biết. Thời buổi văn minh này, cụ bảo thủ, không chấp nhận sự văn minh thì cụ sẽ lạc lõng cho mà xem. Ngay như cái đầm Chim hoang sơ trước chỉ là nơi ở của chim, cò, le le thì nay…
- Câm ngay đi!
Vừa nghe thằng con nhắc đến đầm Chim là lão nổi đóa lên. Mặt lão đỏ tưng bừng, lão lắp bắp một tràng những tiếng không rõ nghĩa như để lấy đà. Sau đó, lão trút một hơi như rút ruột: “Văn minh tức là chúng mày lấp dần đầm Vạc đi, làm chim chóc cũng không có chỗ làm tổ? Là xây đủ thứ nhà bêtông lòe loẹt để đêm ngày ầm ĩ nhạc nhẽo, đèn xanh, đèn đỏ cho lũ đàn ông, đàn bà động cỡn hú hí lăng loàn với nhau hả? Là khoét những cái lỗ, đắp những bờ nọ bờ kia lăng nhăng để cho đám ăn no rửng mỡ cầm gậy đi vật vờ đánh bóng lên trời, qua đầm, qua gò vớ vẩn hả? Văn minh là… đầm Chim sẽ thu hẹp lại rồi biến mất chứ gì…?”.
3. Điếu thuốc lào lão Ễnh ve hơi nặng tay đã làm lão say ngất ngư. Lão ngó ra cửa, rồi ngả người, vươn tay nằm ệch ra mặt chõng tre đực ngâm ở chính chỗ rìa đầm Chim trước cửa lều. Mắt lão Ễnh mở trừng trừng nhìn lên mái lều. Trời cuối tháng Hai ta se lạnh, luồng ánh sáng lọt qua vách lều xam xám.
Có lẽ lúc này đã gần chiều rồi đây. Lão nằm nghiêng, khum mu bàn tay lại kề bên tai cố lắng nghe. Phải rồi, có nhẽ chỉ hơn chục năm trước chứ mấy, khi thằng bố cả lấy vợ thì vào giờ này, đận này, nằm trong lều dứt khoát phải nghe tiếng vạc đàn bay về. Tiếng vạc đực líu ríu từ trên cao hạ xuống nghe rõ dần như tấm lưới có thể sờ được.
Có lần nghe tiếng vạc kêu lão bật cười thành tiếng khi nghĩ đến giống đực đi kiếm ăn vất vả, chưa về đến cổng nhà đã tếu táo oang oang như muốn khoe công trạng với vợ. Vạc đực cũng thế thôi. Con vạc cái đang lấp ló đứng kề bên tổ, ra vẻ thờ ơ vừa nhìn vạc chồng đang chấp chới đôi cánh sà xuống tổ vừa liếc nhìn đám vạc con lít nhít há rộng những cặp mỏ non mềm đón con cá trắng xóa, mềm oặt đang cặp ở mỏ vạc đực. Mấy con le le đang bơi yên lành, thấy vạc đực hạ xuống tự nhiên hoảng hốt, giật mình chồm lên, con thì vỗ cánh bay lên, con thì trượt lết một quãng dài trên mặt nước. Le le, mòng hay két và đến ngay cả con bồ nông to tướng nặng nề, lộ rõ sự cục mịch cũng giật mình đưa cái mỏ to tướng đảo quanh. Giống vạc là loài chim hiền lành, chẳng hại loài vật nào, nhưng dường như mọi loài chim đều e ngại con chim mầu lông xam xám dễ lẫn với bụi sậy khô. Hình như khu đầm này sinh ra chỉ dành cho bầy đàn của các loại chim ưa nước. Ngay giống người quanh cái khu đầm này từ ngàn xưa cũng nhận ra điều này, nên cái đầm này mới mang tên của Chim. Là các giống biết bay mà hiền lành chỉ biết sinh ra, cặp đôi sinh trứng, ấp thành con, nuôi con mà chẳng hề tranh chấp, làm hại giống khác…
Vậy mà… Lão Ễnh chau mày. Vẫn như mọi chiều lão cố ý lắng nghe mà tịnh không thấy một tiếng vạc đêm nào buông lẻ trên mặt hồ, huống chi tiếng lao xao của cả đàn vạc hàng trăm, hàng nghìn con như thuở nào.
Quạnh tiếng vạc trên mặt hồ, vài năm trước trong mơ hồ của thinh không thi thoảng còn tiếng rít lên của giống chim két, tiếng trầm đục của bồ nông, tiếng kíu kíu lẻ loi của con ngỗng giời lẻ gọi bạn. Rồi có một buổi xẩm tối, như một người nghiện nhớ tiếng loài chim quen thuộc, lão Ễnh bỗng run người, bực bội khi nghe từ bờ bên kia bỗng rội lên tiếng nhạc dập dồn, thì thùng như trêu ngươi. Lão Ễnh bật dậy nghiến răng tức tối. Lão tuông ra ngoài. Trời đã buông màn đêm, bên kia bờ đầm, đèn đủ thứ màu của hàng loạt nhà hàng bật sáng tỏa ra thành một tấm màn mỏng chụp lấy mặt hồ. Đôi ba luồng ánh sáng lẻ của những tòa nhà biệt lập lại tóe dài ngút ngát như những thanh gươm mỏng mà sắc lẹm cắt mặt hồ đêm thành những miếng nham nhở.
Lão cố nén tiếng thở dài, chợt nghĩ mà thương thằng đích tôn. Nó có tội gì đâu mà ông nội tự nhiên lại giận dữ, nổi cáu với nó nhỉ. Nó chỉ là đứa trẻ vô tư tìm đến thú vui, sự thích thú thế thôi… Nó đâu phải như thằng bố nó hình như ngày càng thân thiết với thằng Jimi Đông trong công việc làm ăn, như cũng để chứng minh cho lão hiểu rằng, mọi sự chống cự lẻ loi, vô lý của lão trước mọi thứ đang xảy ra nơi làng xóm mà nay người ta gọi nó thành những tiếng lạ hoắc là phường, thành phố, rồi quận, tổ dân phố, sẽ chẳng đi tới đâu… Chả thế mà nó cứ bền bỉ khi thì trợn trạo, táo tác láo lếu, khi thì rủ rỉ bảo bố bán đi mảnh đất hơn hai sào ven đầm Chim để nó lấy tiền mở, góp… làm gì nhỉ… À phải rồi, nó gọi là góp cổ phần cho cái công ty có cái tên giống như ở ngoài Hà Nội Lãng Bạc hay Dâm Đàm gì đó mà thằng giám đốc bạn nó có cái tên nửa tây nửa ta chả hiểu thế nào - Jimi Đông.
Nhớ đến thằng Jimi Đông, lão Ễnh lại thấy mình như bị ngứa ran lên như kiểu hồi bé cởi trần chạm phải lá cỏ lác khi lội xuống những chỗ nước rút xa chỉ còn lệt xệt lớp bùn để bắt ba ba.
Thằng Jimi Đông này cả làng này đều biết nó là dân ngụ cư. Lối độ gần hai chục năm trước, nó làm công nhân cho trạm bơm thủy nông ở Tam Dương thì phải. Nghe nói nó quê đâu như mạn Chiện, Vệ bên kia sông Cái. Có vợ con đề huề rồi mà lại động cỡn đi tằng tịu với con bé cái Nhãn mặt rỗ hoa, da thất bì, con ông Hai Ổi sống bằng nghề cất vó bè trên đầm Vạc và có một cửa hàng bán vàng bạc ở ngoài thị xã mà ông Hai cho con Nhãn trông nom. Vì chuyện đó, Jimi Đông bị cơ quan đuổi. Nó lì mặt bỏ vợ ở quê tá túc nhà con Nhãn. Thoạt đầu, nó ra vó bè giúp ông Hai. Chả hiểu, nó láu cá làm ăn thế nào mà gần chục năm trước đây nó bảo vợ bỏ vốn ra mua mấy mảnh đất của mấy nhà ven bờ đầm. Dạo ấy đất làng này rẻ thối, mấy ai để ý đến việc mua bán của vợ chồng thằng Đông. Có đất rồi, nó cho xây nhà mở nhà nghỉ, quán karaoke. Được đôi ba năm, nhà đang xang xác nó đập đi, xây nhà to tướng gọi là khách sạn, quán ăn gì. Tệ nhất là trong quán ăn của nó luôn quảng cáo có món tép dầu đầm Vạc. Nó còn cho người đi thu mua đủ thứ tôm, tép tận đẩu tận đâu về chế biến đóng chai dán nhãn có dòng chữ “cỗ chín lợn, mười trâu không bằng tép dầu đầm Chim”. Chai “tép dầu đầm Chim” bán được đâu hơn một năm thì có người tận Thanh Hóa ra kiện vì ăn tép dầu của hắn mà sinh ngộ độc. Cũng nghe nói để yên vụ này, hắn cũng mất khối tiền lo lót. Lão Ễnh bực lắm, một lần lão ra ủy ban nói về chuyện con rể ông Hai Ổi làm ăn gian dối, làm mất uy tín đặc sản của đầm Vạc quê hương. Tay chủ tịch xã giải thích: “Việc này đã có cơ quan pháp luật làm việc rồi, cụ không phải lo”.
Sau vụ ầm ĩ về chai tép dầu đầm Vạc yên yên thì vợ chồng thằng Đông lại mở quán ăn có cái tên có vẻ tục tĩu, khó nghe “Quán chim to dần“. Tên quán khó nghe thế, song thực ra chỉ là khách vào quán có thể bắt đầu gọi món từ loại chim nhỏ như sẻ, bông lau, rồi lần lượt các chim lớn hơn như chim cu, vịt trời, vạc, gà lôi, bìm bịp, bồ nông… Để phục vụ cho khách hàng, vợ chồng tay Đông dán thông báo trên tường khắp làng là “thu mua giá cao mọi loại chim đầm Chim”.
Nhìn đám người làng lão và mấy làng lân cận đổ xô đi săn, đánh bẫy các loại chim trời tội nghiệp ở đầm, lão Ễnh xót xa quá, lại lọ mọ ra ủy ban đề nghị phải có biện pháp ngăn chặn chứ không đà này đầm Vạc chẳng có giống chim nào bay về. Tay chủ tịch của nhiệm kỳ mới lại thủng thẳng giải thích với lão: “Cụ ơi, luật pháp chỉ cấm săn bắn chim trong Sách đỏ thôi. Còn những thứ chim nhà Đông nó mua là chim thường, Nhà nước cho phép. Mà giờ già rồi, cụ nghỉ cho sướng, hơi đâu lo việc thiên hạ cho nặng đầu, giảm thọ. Mà cụ từng là bộ đội nên tôi cũng không giấu cụ, làng ta và cả đầm Chim sắp thuộc vào thành phố rồi. Mà đã là thành phố thì sớm muộn lau lách, chim chóc cũng phải dọn hết nó mới xứng tầm văn minh cụ ạ”. Lão Ễnh chán nản về nhà, vài ngày sau lão nghe nói tay Đông này rộng bụng quà cáp cho dân làng lắm, nhất là cánh ủy ban xã.
Quán “Chim to dần - đặc sản chim đầm Vạc” của vợ chồng tay Đông làm ăn phát đạt đâu được hơn hai năm thì xảy ra vụ liên quan đến nhà nó. Công an môi trường ập đến truy tìm chủ quán buôn bán, giết thịt cò nhạn - một giống chim nằm trong Sách Đỏ. Nghe nói, một tay cùng nghề mở quán thịt chim ở tận Bạc Liêu bán cho tay Đông hai con cò nhạn. Một con Đông bán và làm thịt ngay cho một đại gia bất động sản từ Hà Nội về ăn với giá 10 triệu/con cò chỉ nặng kí rưỡi với 7 món từ tiết canh cò nhạn. Một con tay Đông làm thành tiêu bản để trong lồng kính với dòng đề “Cò nhạn quý hiếm bổ, tăng sinh lực không kém sâm Cao Ly chỉ có ở đầm Vạc. Vì quý, hiếm nên khách muốn thưởng thức xin đặt trước 5 ngày”. Nghe nói để giải quyết ổn thỏa vụ đó, nhà Đông tốn hơn trăm triệu. Sau đó hắn cho đóng cửa quán “Chim to dần - đặc sản chim đầm Vạc” và trở về việc mua bán đất và xây khách sạn. Khi hai khách sạn có tên tây là “Vê Nuýt” và “Bác ca” của vợ chồng Đông đón khách thì thằng chồng thêm tên tây vào tên hắn thành Jimi Đông.
4. Lão Ễnh lại thấy thèm thuốc lào. Lão rút cây điếu, thận trọng vê điêu thuốc vừa phải để tránh say đứ đừ. Rít xong, lão thấy đầu óc như khoáng đạt hơn. Đúng rồi. Tuy lão nói là lão buột miệng bảo: “Biết rồi, biết hết chủ trương của trên” về những gì liên quan đến đầm Chim, đến làng lão mà giờ gọi là phường rồi, nhưng giả dụ lúc đó thằng con lão hay nhất là thằng rể lão hai Ổi có hỏi kỹ càng thì lão cũng chịu chả biết nói năng sao. Nay một mình trong lều lão thấy nhẹ nhõm thư thái vì lão chợt nghĩ đến gã Tiến bạn lão ở vùng Chiện, Vệ.
Chả biết có cùng làng, cùng quê với thằng Đông không. Lão chỉ nhớ tay Tiến này làm báo. Hồi năm 81, 82 trong lần lên viết về thủy lợi Tam Dương có vào nhà lão chơi. Tay Tiến này nói bô bô rằng, Tiến từng đạp xe đạp từ làng hắn lên khu sơ tán của trường phải qua bến phà, đạp qua Rõm Rẽm, dừng chân ăn quả trứng vịt luộc ở hàng nước dưới gốc đa, trước khi đến Phúc Yên rồi lên cầu Đa Phúc túi bom. Gã tên cũ là Tiến kèm biệt danh Nhẩu, cùng tiểu đội với lão hồi đánh Quảng Trị năm 72. Nhớ lại lời hắn kể, lão Ễnh đoán quê Tiến đúng là ở vùng Chiện, Vệ thật. Sở dĩ tay Tiến có biệt hiệu kỳ quặc ấy sau tên vì bất kỳ trong lĩnh vực nào Tiến cũng bộc lộ sự nhanh nhẹn đến lạ lùng của hắn. Chính sự nhanh nhẹn đó đã khiến hắn thoát chết trong trận đánh ở thành Quảng Trị khi một quả lựu đạn Mỹ ném trúng balô của hắn. Lựu đạn xì khói xanh lè cũng không nổ kịp bởi cái xoay người để hất tung quả lựu đạn rồi ngay lập tức nằm rạp xuống để tránh những mảnh văng ra. Nó nhanh ngay cả việc sau khi được ra khỏi quân ngũ, khi mà các đồng đội, trong đó có lão, về ngay quê tìm việc, lấy vợ đẻ con, thì nó quyết định về thẳng trường đại học để hoàn thành nốt chương trình. Học hành tử tế thế nên hắn mới trở thành nhà báo. Nghe đâu lên đến chức vị lãnh đạo mà lão Ễnh có lần thấy Tiến Nhẩu bảo là Trưởng ban biên tập gì gì ấy ở Đài Phát thanh.
Tuy làm to thế nhưng mỗi khi có dịp gặp nhau, dạo còn đi làm Tiến vẫn nồng nã thân mật, gần gũi như hồi còn trong quân ngũ. Tiến Nhẩu còn khoe, hắn còn làm bao nhiêu việc tày đình để trả lại sự công bằng cho không ít người.
Nghĩ đến đây, lão Ễnh bỗng ngẩn người ra, chìa tay lẩn mẩn tính… Đến năm nay thằng Tiến kém lão hai tuổi thì nó cũng 67, 68 rồi còn gì. Nghĩa là nó đã về hưu. Nhưng nhà báo về hưu thì nó vẫn là nhà báo, am hiểu chủ trương chính sách của Nhà nước chứ. Mà còn mối quan hệ với cánh nhà báo thế hệ sau Tiến Nhẩu trong tòa soạn, thế nào chả giúp được lão hiểu những điều liên quan đến cái đầm Vạc này. Chả lẽ, cái đầm đẹp thế, rộng thế mà người nhà nước không hiểu giá trị để giữ gìn hay sao, lại cứ để những đứa xấu như thằng Jimi Đông mượn hết cớ này đến cớ khác, núp đủ dưới công ty, dự án này nọ để kiếm lợi cho cá nhân mình bằng cách phá cho hết mọi cái quen thân, đẹp đẽ của đầm Chim, của dân mấy làng này… Phải hỏi bằng được. Chắc tay Tiến Nhẩu với sự lọc lõi quen thuộc trong nghề báo chí sẽ giúp được lão thôi…
Lão Ễnh thở dài bước ra ngoài lều. Lão đứng im phăng phắc, bất động giữa khoảng trời đêm bao la của khoảng đầm thân quen. Người ta nếu lúc đó nhìn lão từ phía sau, thấy y hệt bức tượng cô đơn, đen kịt được viền bằng đủ thứ ánh sáng mầu lập lòe tỏa ra từ bên dẫy nhà cao thấp, lô nhô bên kia hồ. Một tay bức tượng khum khum kề bên vành tai.
Hình như lão Ễnh lại đang cố lắng nghe tiếng đàn vạc kêu ngang trời khi vào khuya. Nhưng rồi lão chau mày khi nghe thấy tiếng nhạc rồ lên cùng ánh đèn nhấp nháy bên kia bờ đầm Vạc.