Sau khoảng 20 phút, McMoneagle tự đưa mình vào tình trạng như bị thôi miên, như ông đã nói trước là “mở cửa tâm trí của mình”.
Những hình ảnh trong tâm trí ông rõ dần. Ông nhận ra một tòa nhà thấp, không có cửa sổ với ống khói nhô lên. Ông ngửi thấy “một mùi hôi lạ lùng”, như mùi hợp chất của sulfur và khí tự nhiên. Tại đó dường như đang diễn ra hoạt động “chưng cất hay nấu chảy gì đó”. Khi nhìn thấy rõ hình ảnh, ông phác họa hình ảnh đó lên một mẩu giấy. Còn một người nhìn xa khác mang số 29 thì “nhìn thấy” các thiết bị hạng nặng, như các đường ống dẫn “khí nóng”. Với ông, khu vực này đang phát ra một nguồn “năng lượng”.
Hình minh họa.
Nghe có vẻ hoang đường, nhưng những người có khả năng "nhìn xa" tại Fort Meade đang thực hiện một công việc cực kỳ nghiêm túc trong dự án nghiên cứu sử dụng các khả năng siêu nhiên của con người để thu thập thông tin tình báo. Tất cả những người này, từ số 1 cho tới số 29, đang nỗ lực tập trung khả năng của mình để từ Mỹ mô tả một tổ hợp hạt nhân của nước ngoài.
Dự án thử nghiệm này chỉ là một phần nhỏ trong Chương trình nghiên cứu do Cục Tình báo Quốc phòng phối hợp với CIA thực hiện trong thời gian từ năm 1972 đến 1996. Dự án ban đầu mang tên là Grill Flame, sau đó là Sun Streak và cuối cùng là Star Gate với mục tiêu nghiên cứu các hiện tượng tâm lý siêu nhiên của con người, đặc biệt là khả năng “nhìn xa”, nghĩa là một người có khả năng ngồi tại bang Maryland có thể quan sát rõ ràng một văn phòng tại nước ngoài cách nửa vòng trái đất và có thể mô tả bằng lời và bằng hình vẽ. Những siêu nhân này được sử dụng để thu thập thông tin tình báo về hàng loạt vấn đề như các khu vực chứa vũ khí hạt nhân, khủng hoảng con tin, vị trí của Muammar Qadhafi trong vụ tấn công Tripoli năm 1986 và cả trong vụ án truy lùng điệp viên Aldrich Ames.
Từ lâu công chúng cũng từng nghe nói về dự án Star Gate, nhưng mãi gần đây mới được biết chi tiết hơn khi CIA giải mật 73.000 trang hồ sơ. Theo đó, ngay từ đầu những năm 1950, tình báo Mỹ đã triển khai các chương trình nghiên cứu tâm linh với hy vọng sử dụng những người có khả năng siêu nhiên vào công tác thu thập thông tin tình báo. Thời gian đó Liên Xô cũng có những dự án kiểu này. Các quan chức Mỹ đã lo sợ Liên Xô, và sau này là Trung Quốc, vượt qua Mỹ trong cuộc chạy đua vũ khí "tâm linh".
Một trong những người tâm huyết với chương trình này là Richard Helms, sau đó đã trở thành Giám đốc CIA. Trong số tài liệu giải mật có một văn bản do chính tay Helms viết khi còn là Phó giám đốc chương trình năm 1963. Theo đó, suốt 10 năm liền, một nhóm nhỏ chuyên gia thuộc bộ phận kỹ thuật của CIA đã tiến hành nghiên cứu tìm cách sử dụng hiện tượng thôi miên và thần giao cách cảm trong các chiến dịch tình báo bí mật, nhưng rồi họ đã kết luận rằng đó là chuyện không tưởng.
Năm 1972, dự án nghiên cứu khả năng "nhìn xa" được bổ sung vào chương trình nghiên cứu các khả năng siêu nhiên khi CIA tỏ ra quan tâm tới những kết quả nghiên cứu về khả năng này, do Hal Puthoff thuộc Viện Nghiên cứu Stanford công bố. Trong năm này, CIA đã tài trợ cho Viện 50.000 USD để nghiên cứu sâu hơn về khả năng "nhìn xa".
Ông Russell Targ, tham gia dự án năm 1972, kể lại rằng một quan chức CIA đã phát biểu: "Các ông đang lãng phí thời gian và sức lực vào việc nhìn các nhà thờ và bể bơi tại Palo Alto". Hai năm sau, Viện Nghiên cứu Stanford nhận được các tọa độ địa lý của “một khu vực tại Liên Xô đang tiến hành các hoạt động đặc biệt bí mật”. Đó chính là vùng Semipalatinsk, hiện thuộc Kazakhstan. Ngoài việc nghi ngờ đó là địa điểm cực kỳ quan trọng, CIA chẳng biết gì hơn.
Dù vậy, chính cuộc thử nghiệm này đã khiến các quan chức CIA bị thuyết phục và chấp nhận thông qua chương trình huấn luyện các siêu nhân. Những người được tuyển dụng vào chương trình là những người được đánh giá là có khả năng siêu nhiên. Năm 1975, CIA ngừng chương trình này và số tiền tài trợ ban đầu được chuyển sang lực lượng không quân, sau đó tới năm 1980 được chuyển sang Cục Tình báo quân đội.
Quân đội cũng tỏ ra rất quan tâm tới những khả năng siêu nhiên của con người. Theo cựu nhân viên tình báo quân đội Paul H. Smith, từng tham gia chương trình Star Gate: “Quân đội Mỹ quan tâm tới một số khả năng đặc biệt của con người như sự sáng tạo trong âm nhạc hay nghệ thuật và khả năng học ngoại ngữ. Họ cũng tìm kiếm phát hiện những khả năng siêu nhiên tiềm ẩn trong mỗi con người”.
Trong giai đoạn 1979-1994, dự án nghiên cứu khả năng "nhìn xa" tại Fort Meade đã tiến hành khoảng 250 thí nghiệm, liên quan tới hàng ngàn sứ mệnh khác nhau. Năm 1987, các siêu nhân được lệnh tìm kiếm một điệp viên nước ngoài lẩn trốn trong đội ngũ CIA. Tất cả các siêu nhân này cùng nhau dựng lên chân dung của điệp viên là một người đàn ông sống tại Washington, đi chiếc xe đắt tiền do nước ngoài sản xuất, có thể là màu xám, sống trong một căn nhà nguy nga và có bạn gái là người châu Mỹ Latinh, có thể là người Colombia. Thực tế có Aldrich Ames sống trong một ngôi nhà sang trọng tại Washington. Ông ta lái chiếc Jaguar và có vợ là người Colombia. Chiếc xe của ông ta màu đỏ, ngôi nhà đang ở màu xám. Nhưng những thông tin của các siêu nhân không được sử dụng, nên mãi tới năm 1994 Ames mới bị bắt.
Năm 1990, Chiến tranh lạnh kết thúc, ngày càng nhiều người tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của Chương trình nghiên cứu và số người ủng hộ cũng giảm mạnh. Cuối cùng, Giám đốc CIA John Deutch khai tử cho chương trình. Tổng chi phí cho toàn chương trình lên tới 20 triệu USD. CIA tuyên bố chấm dứt tài trợ kinh phí cho chương trình nghiên cứu "nhìn xa", nhưng phía quân đội lại tỏ vẻ không thực sự muốn chấm dứt. Tuy nhiên, Tình báo quân đội Mỹ cũng phải thừa nhận những bất cập của chương trình. Có một điều nực cười là trong suốt 1/4 thế kỷ, chương trình này đã từng được coi là vũ khí bí mật của tình báo Mỹ.