Tôm hùm ngộp giảm giá mạnh, cá hồi lao đao tìm đầu ra
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tôm hùm không xuất khẩu được, giá tôm lên xuống thất thường dựa vào sức mua của người tiêu dùng trong nước. Sau đợt xuống giá rẻ hơn cả “giá giải cứu” vào cuối tháng 2, vài ngày gần đây, giá tôm hùm đang có dấu hiệu tăng trở lại nhưng tiêu thụ chậm. Giá tôm tăng từ 50-100.000 đồng/kg, lên mức 550 - 600.000 đồng/kg khi thu mua cả lồng. Trong khi đó, tôm hùm ngộp lại có dấu hiệu giảm mạnh chỉ còn 290.000- 450.000 đồng/kg.
Đặc sản “nhà giàu” giảm giá vẫn khó bán
Trong khi đó, người nuôi cá hồi tại Sa Pa cũng đứng ngồi không yên khi hàng chục tấn cá không tìm được đầu ra, nhưng người tiêu dùng tại Hà Nội muốn “giải cứu” cá hồi Sa Pa cũng không biết mua ở đâu vì đa số siêu thị, cửa hàng hiện mới chỉ bán cá hồi Na-Uy.
Trên mạng xã hội có rất nhiều bài viết đăng bán cá hồi Sa Pa theo giá “giải cứu” chỉ từ 200-250.000 đồng/kg với số lượng đặt hàng tương đối nhiều. Tuy nhiên, cũng không ít người bán phải đứng ra “xin lỗi” khách hàng vì khó khăn trong việc vận chuyển.
Giá xăng tại Việt Nam có cơ hội giảm xuống dưới 10 nghìn đồng/lít?
15h chiều 13/4, Liên Bộ Công thương tiếp tục điều chỉnh giảm giá xăng. Theo đó, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 11.343 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 11.939 đồng/lít. Có thể nói, so với mặt bằng giá 10 năm qua, đây là mức giá rẻ của xăng dầu tại thị trường Việt Nam.
Xăng dầu giảm giá mạnh tại Việt Nam
Bộ Công thương kiến nghị cần cân nhắc đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng E5RON92 dựa theo mức độ phát thải (75 - 80%) so với xăng khoáng. Nếu đề xuất của Bộ Công thương được chấp thuận, thuế BVMT đối với mặt hàng xăng tại Việt Nam giảm 50% so với mức hiện nay, giá xăng E5RON92 đến tay người tiêu dùng chỉ còn 9.343 đồng/lít, nếu bỏ hẳn 100% thuế này luôn, giá xăng E5RON92 còn 7.343 đồng/lít.
Tương tự với xăng RON95, giả sử giảm thuế BVMT 50% hoặc bỏ hẳn thì mức giá bán lẻ lần lượt là 9.939 đồng/lít và 7.939 đồng/lít.
Chính thức giảm giá điện cho người dân, doanh nghiệp từ tháng 4 đến tháng 6/2020
Chiều 12/4, Bộ Công Thương đã chính thức thông tin về việc giảm giá điện và giảm tiền điện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chống dịch COVID-19 trong ba tháng, bắt đầu từ tháng 4 - 6/2020. Tổng số tiền điện được giảm theo đề xuất của Bộ Công Thương lên tới gần 11.000 tỷ đồng. Hàng triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt dưới 300 kWh/tháng sẽ được giảm 10% giá điện bậc thang trong 3 tháng.
Với các cơ sở lưu trú du lịch được điều chỉnh giảm từ mức giá điện áp dụng cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống mức giá điện áp dụng cho các hộ sản xuất.
Các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được giảm 100% tiền điện.
Các cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được giảm 20% tiền điện.
Giảm 20% tiền điện cũng là mức áp dụng cho các khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.
Bất ngờ giá lợn hơi và thịt lợn tại chợ dân sinh quay đầu tăng sốc
Dù các doanh nghiệp cam kết đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg, nhưng mấy ngày vừa qua, giá lợn hơi vẫn tiếp đà tăng mạnh tại nhiều địa phương. Tại Hà Nội đã tăng lên 89.000 đồng, đây là mức giá cao nhất nước tính đến thời điểm hiện tại; trong khi đó giá lợn hơi ở Thái Nguyên, Hưng Yên và một số tỉnh khác đạt 88.000 đồng/kg. Thanh Hóa, Nghệ An lên đỉnh 83.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng tăng mạnh.
Thịt lợn giá rẻ vẫn chỉ là trong mơ
Khảo sát tại các chợ dân sinh, giá thịt lợn bán ra ở mức cao. Thịt ba chỉ khoảng 170 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, nạc vai 180 nghìn đồng/kg, sườn non 180 nghìn đồng/kg, móng giò 130 nghìn đồng/kg,…Trước thực tế này, một số doanh nghiệp chăn nuôi cho biết, mặc dù các công ty lớn đã báo giá lợn hơi 70.000 đồng/kg, nhưng lượng lợn cung cấp ra thị trường chỉ đạt 30 - 35% nhu cầu thương lái đặt mua. Số còn lại phải mua ngoài thị trường tự do với giá cao hơn, chênh hơn 10.000 đồng/kg.
'Xù' bán gạo cho dự trữ nhà nước, tranh nhau xuất đi nước ngoài
Bộ Tài chính cho biết tính đến thời điểm hiện tại, có 170.300 tấn gạo trúng thầu trong các đợt đấu thầu vừa qua nhưng doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng, nên Cục Dữ trữ Nhà nước các khu vực chỉ mới mua được 7.700 tấn trên tổng số 190.000 tấn theo kế hoạch của năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Có hiện tượng doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ gạo quốc gia nhưng không đến ký hợp đồng, khi cơ quan Hải quan rà soát thì lại xuất hiện trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, các doanh nghiệp hủy bỏ kết quả trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Đấu thầu. Về việc 40 doanh nghiệp nhanh tay mở tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo thành công, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, phát hiện nhiều bất thường, song chưa có chế tài để xử lý.