UBND cấp tỉnh có quyền quyết định lựa chọn SGK
Dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông căn cứ vào Luật Giáo dục năm 2019 vừa được Bộ GDĐT công bố xin ý kiến góp ý quy định về nguyên tắc, tiêu chí, Hội đồng, quy trình lựa chọn SGK, trách nhiệm của các cấp quản lí trong việc tổ chức lựa chọn SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT).
Điểm mới căn bản của dự thảo Thông tư này so với Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT là UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn SGK, không phải các cơ sở giáo dục.
Điều này thực hiện đúng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 (sách giáo khoa GDPT) Luật Giáo dục 2019: "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Hội đồng này bao gồm: Lãnh đạo, chuyên viên của Sở GDĐT, Sở Giáo dục, Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng GDĐT; cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở GDPT. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang giảng dạy.
Chủ tịch Hội đồng này là Giám đốc Sở GDĐT. Nếu Giám đốc Sở vắng mặt vì lý do bất khả kháng, Phó giám đốc Sở GDĐT sẽ là Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng có 3 trách nhiệm chính. Thứ nhất là lựa chọn SGK theo quy định tại Thông tư này và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh quy định. Thứ hai là đề xuất với UBND cấp tỉnh danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở GDPT. Thứ ba là giải trình trước UBND cấp tỉnh về danh mục SGK được lựa chọn, việc tiếp thu ý kiến góp ý về việc lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT.
Đặc biệt, người đã tham gia biên soạn, thẩm định, chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in SGK thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt không được tham gia Hội đồng.
Sách giáo khoa sẽ được UBND tỉnh quyết định.
Công khai danh mục SGK được phê duyệt
Quy trình lựa chọn SGK được quy định tại dự thảo như sau: Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Báo cáo với người đứng đầu cơ sở GDPT danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục SGK được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn.
Cơ sở GDPT tổ chức nghiên cứu, thảo luận kết quả lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn theo tiêu chí lựa chọn SGK; tham khảo ý kiến của học sinh, cha mẹ học sinh về việc lựa chọn SGK; đề xuất danh mục SGK các môn học được lựa chọn, xếp theo thứ tự từ cao đến thấp; báo cáo danh mục SGK được cơ sở GDPT đề xuất về Sở GDĐT (đối với cấp THPT) và Phòng GDĐT (đối với cấp tiểu học và cấp THCS).
Chủ tịch Hội đồng phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá SGK theo các tiêu chí lựa chọn trong thời gian 7 ngày; tổ chức họp Hội đồng, thảo luận, đánh giá SGK. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn SGK. SGK được lựa chọn phải đạt 2/3 (hai phần ba) số phiếu đồng ý lựa chọn trở lên.
Sở GDĐT tổng hợp kết quả lựa chọn của các Hội đồng, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Căn cứ vào kết quả lựa chọn của các Hội đồng và hồ sơ trình của Sở GDĐT, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở GDPT trên địa bàn.
UBND cấp tỉnh đăng tải danh mục SGK được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở GDPT trên địa bàn lên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo Sở GDĐT thông báo danh mục SGK được phê duyệt đến Phòng GDĐT, cơ sở GDPT trên toàn tỉnh; đồng thời báo cáo về Bộ GDĐT trước thời điểm bắt đầu năm học mới 6 tháng.