Ngày 20/4, một số báo đưa tin, Ban Điều hành dự án Trung Lương - Mỹ Thuận vừa có văn bản gửi HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị tạm dừng thi công dự án vì cho rằng, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã không có sự phối hợp với chủ đầu tư. Trái lại, Bộ còn ra văn bản số 3281/BGTVT-CQLXD ngày 8/4 gửi Thủ tướng Chính phủ nêu nội dung báo cáo không đúng với thực tế vấn đề vật liệu, tại gói thầu XL10 của dự án.
Theo Bộ GTVT, văn bản Bộ báo cáo Chính phủ là phản ánh đúng bản chất sự việc.
Việc này gây hiểu lầm về chất lượng, không có cơ sở để chủ đầu tư tiếp tục triển khai làm rõ các vi phạm, dẫn đến nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu không thể tiếp tục thi công các bước tiếp theo.
Công ty đề nghị Bộ GTVT chỉ rõ việc vi phạm và hướng dẫn, để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Khi các bên liên quan báo cáo thực trạng liên quan đến dự án cần xác minh làm rõ với chủ đầu tư.
Sau khi kiểm tra, vẫn chưa xác định trong thời gian qua đã để xảy ra vi phạm nào, như ý kiến của Bộ GTVT. Ban điều hành đã báo cáo HĐQT xin "tạm dừng thi công dự án" để tìm hiểu rõ vi phạm ở khâu nào, xác minh lại tính đúng đắn của chỉ dẫn kỹ thuật đã được Bộ GTVT thẩm định.
Liên quan đến vụ việc này, chiều 20/4, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ GTVT cho biết, đã nắm được thông tin. Theo đại diện Bộ GTVT, văn bản Bộ báo cáo Chính phủ là phản ánh đúng bản chất sự việc, dựa theo việc kiểm tra thực tế ở hiện trường, báo cáo của chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có những bước xử lý đơn vị tư vấn giám sát, giám đốc điều hành, nhân viên tư vấn quản lý dự án, chuyên viên BQLDA BOT Trung Lương – Mỹ Thuận phụ trách gói thầu XL10...trên cơ sở những sai phạm trên.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ chưa có ý kiến về văn bản xin tạm dừng triển khai dự án của BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, cho đến khi nhận được những đề nghị trực tiếp từ các đơn vị liên quan.
Đại diện Bộ GTVT cũng nói thêm, thời gian qua rất ghi nhận nỗ lực của BOT Trung Lương – Mỹ Thuận trong việc tháo gỡ những nút thắt để thúc đẩy tiến độ dự án. Đây là mong muốn của người dân và Chính phủ ở công trình quan trọng này. Việc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình luôn là sự quan tâm hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân.
Bộ GTVT cho biết, luôn muốn Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ là cơ quản lý chuyên ngành phối hợp với nhau, kịp thời giám sát, thúc đẩy và tháo gỡ ngay những vướng mắc nếu có, để đảm bảo công trình về đích đúng hẹn vào cuối năm 2020 và đưa vào sử dụng vào giữa năm 2021.
Chủ đầu tư đã đình chỉ nhà cung cấp vật liệu này và xử lý hàng loạt cá nhân liên quan.
Trước đó, ngày 8/4, Bộ này đã có văn bản số 3281/BGTVT-CQLXD báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề nêu trên.
Bộ GTVT cho biết, ngày 5/4 sau khi nhận thông tin của Thủ tướng về vấn đề chất lượng thi công dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ngày 6/4, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan của Bộ làm việc với Sở GTVT Tiền Giang, Ban QLDA đầu tư XDCT Dân dụng và Công nghiệp Tiền Giang phối hợp tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, chất lượng cấp phối đá dăm (CPĐD) ở mỏ đá Thạch Phú 2 là đảm bảo yêu cầu xây dựng công trình, được Chủ đầu tư, Tư vấn giảm sát chấp thuận làm nguồn cung ứng cho dự án.
Tuy nhiên, nhà cung ứng đã sử dụng giải pháp trộn các loại đá với phương pháp, dây chuyền thiết bị chưa được Tư vấn giám sát chấp thuận.
Ngày 13/3 nhà cung ứng vật liệu chuyển 310m3 CPĐD đến công trường gói thầu XL10, Tư vấn giám sát tạm cho phép sử dụng làm vật liệu gia tải xử lý nền đất yếu thay cho cát.
Ngay sau khi nhận được thông tin phán ánh, Sở GTVT Tiền Giang và Ban QLDA đầu tư XDCT Dân dụng và Công nghiệp Tiền Giang đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp dự án kiểm tra, đảm bảo nguồn gốc vật liệu sử dụng dự án, đồng thời tổ chức lấy mẫu thí nghiệm để có cơ sở đánh giá, xử lý.
Doanh nghiệp dự án đã tổ chức kiểm tra và xác nhận có sự việc nêu trên, đồng thời đã kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan, xử lý nhà thầu cung ứng vật liệu và chỉ đạo khoanh vùng khối lượng đã sử dụng để loại bỏ sau khi gia tải.
Bộ GTVT đánh giá, việc đưa vật liệu CPĐD sản xuất theo phương pháp, dây chuyền chưa được Tư vấn chấp thuận và chưa có kết quả thí nghiệm vào công trình là chưa đúng quy định.
Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị tư vấn, nhà thầu chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng thi công công trình. Đến nay Chủ đầu tư đã chỉ đạo thực hiện loại bỏ toàn bộ khối lượng CPĐD chưa đảm bảo yêu cầu ra khỏi công trình.