Đầu giờ sáng ngày 22/4 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao trong tháng 6 giảm 2% xuống 11,3 USD/thùng. Như vậy, mặc dù tiếp đà giảm, giá dầu này đã có dấu hiệu hồi phục sau phiên lao dốc kỷ lục 43% hôm 21/4. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2020 đứng ở mức 19,61 USD/thùng, tăng 0,28 USD/thùng trong phiên nhưng giảm tới 6,1 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 21/4.
Hợp đồng dầu thô giao trong tháng 5 chính thức hết hạn vào cuối ngày 21/4 và đã phục hồi lên mức 10 USD/thùng.
Sau phiên lao dốc xuống mức giá âm của giá dầu WTI, nhà phân tích cao cấp tại Rystad Energy- Christopher Page cho rằng, kịch bản này khó có thể lặp lại. Thỏa thuận giảm sản lượng dầu của OPEC có hiệu lực từ ngày 1/5/2020 sẽ giúp ổn định giá dầu. Các nước OPEC đã đạt được một thỏa thuận vào ngày 12/4 theo đó sẽ giảm sản xuất dầu trên toàn thế giới gần 13%, tương đương 9,7 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 5 và tháng 6, và 7,7 triệu thùng trong nửa cuối năm 2020 và 5,8 triệu cho đến cuối tháng 4/2022.
Tuy nhiên, hiện tại đà giảm của giá dầu có thể vẫn tiếp tục khi mà thông tin các kho dự trữ dầu đã được lấp đầy, quá tải liên tục được phát đi trên thị trường và viễn cảnh phá sản của các doanh nghiệp dầu khí cũng được cảnh báo.
Royal Vopak - hãng dịch vụ lưu trữ dầu độc lập lớn nhất thế giới - đã bán sạch chỗ chứa dầu do lượng tồn kho tăng quá nhanh.
Giới chuyên gia cho rằng, với kịch bản giá dầu WTI xuống 20 USD chứ chưa cần tới mức âm, hàng trăm hãng dầu Mỹ đã có thể phá sản vào cuối năm sau.
Thị trường dầu thô vẫn ảm đạm trước nỗi lo thừa cung
Tại thị trường trong nước, ngày 22/4, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 11.343 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 11.939 đồng/lít;
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 10.823 đồng/lít;
- Dầu hỏa: không cao hơn 8.639 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 9.327 đồng/kg.