Ngày 21/4, Bộ GDĐT đề xuất lên Chính phủ phương án năm 2020 Bộ chỉ đứng ra tổ chức một kỳ thi có tên "Kỳ thi tốt nghiệp THPT" với mục tiêu duy nhất là xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12. Các năm về trước, kỳ thi do Bộ GDĐT tổ chức có tên "Kỳ thi THPT Quốc gia" mang hai mục tiêu chính là xét tốt nghiệp và là cơ sở cho các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước dựa vào điểm số của thí sinh để tuyển sinh.
Bộ GDĐT đề xuất phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ mang mục đích xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12.
Học sinh dự thi trường top đầu lo lắng
Nếu như các trường ĐH ở top dưới, top giữa đã "rục rịch" chuẩn bị phương án tuyển sinh bằng học bạ, có trường vẫn kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT để đánh giá chất lượng của học sinh, thì phần lớn các trường top đầu đều "nhắm" tới việc tự tổ chức kỳ thi riêng để đảm bảo chất lượng sinh viên đầu vào.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có phương án tuyển sinh năm 2020 - 2021 từ khá sớm. Theo đó, thời điểm tổ chức kỳ thi riêng dự kiến trong khoảng 20/7 đến 26/7. Thí sinh là học sinh THPT trên toàn quốc dự vòng sơ tuyển theo kết quả học tập tại bậc phổ thông trung học. Sau đó thí sinh làm bài thi kiểm tra kiến thức, năng lực của ĐH Bách Khoa.
Trường ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi riêng trên giấy để phục vụ công tác tuyển sinh. Theo lãnh đạo nhà trường, phương án tuyển sinh đã phải thay đổi so với dự kiến trước đó là dựa vào kỳ thi THPT Quốc gia, nếu kỳ thi này không tổ chức thì nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi riêng đánh giá năng lực rút gọn.
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt học sinh lớp 12 đều có chung nỗi lo đối với công tác tuyển sinh ĐH năm nay, đặc biệt là nhóm học sinh khá, giỏi muốn bước vào các trường ĐH top đầu.
Em NT.T, học sinh lớp 12, THPT Cầu Giấy cho biết, em và các bạn khá "sốc" trước thông tin Bộ GDĐT mới đưa ra. "Sau khi Bộ công bố đề thi THPT Quốc gia tham khảo khá nhẹ nhàng thì chúng em rất yên tâm. Bởi ngay từ đầu năm em đã tập trung ôn thi với đề thi THPT Quốc gia các năm trước, nên việc thay đổi đột ngột trong thời điểm sát sườn thế này khiến cho em và các bạn rất lo lắng. Nếu như các trường top dưới và top giữa có thể chuyển sang xét học bạ, thì các trường ĐH top đầu sẽ tổ chức thi riêng với đề thi không có sự thống nhất chung sẽ làm khó cho thí sinh vốn đã ôn luyện để phục vụ kỳ thi THPT Quốc gia" - Em N.T.T bày tỏ.
Một giáo viên cấp 3 tại Hà Nội chia sẻ: "Nếu phương án thi này được quyết định diễn ra trong năm nay thì sẽ rất khó khăn, căng thẳng và tốn kém vì hầu hết các thí sinh có nguyện vọng thi đại học. Như thế, các em có thể phải thi thêm nhiều đợt khác. Với các trường đại học khác nhau, có thể có các phương án thi, tuyển sinh khác nhau. Thời gian còn lại quá ít để các em thích ứng với các thay đổi đó".
Học sinh khó giấu được nỗi lo lắng khi có thể phải tham dự 2 kỳ thi nếu muốn vào đại học.
Tăng áp lực thi cử liệu có cần thiết?
Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện tại vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt tại Hà Nội vẫn thuộc nhóm nguy cơ cao và được đề xuất tiếp tục giãn cách xã hội tới ngày 30/4. Việc chọn phương án thêm một cho tới "nhiều" kỳ thi đối với thí sinh là chưa thực sự hợp lý trong bối cảnh thực tại.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, nếu kỳ thi không còn phục vụ mục đích xét tuyển đại học, mỗi trường hay nhóm trường sẽ tổ chức thi và có cách ra đề riêng. Dù dựa trên những kiến thức chung, nhưng vẫn sẽ gây ra những xáo trộn lớn với học sinh.
Có cần tăng áp lực thi cử trong thời điểm hiện tại?
“Trong thời điểm dịch bệnh, chúng ta đang tính đến một kỳ thi giúp giảm áp lực cho học sinh, nhưng thực chất lại không hề giảm, mà dường như đang tạo thêm áp lực cho các em. Nếu kỳ thi này phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp, việc tuyển sinh do các trường đại học tự chủ, học sinh sẽ phải trải qua 2 kỳ thi thay vì 1 kỳ thi như trước kia.
Dù dễ hay khó, đây cũng là một kỳ thi, yêu cầu có khác nhau, các môn thi khác nhau, nhưng áp lực của học sinh không hề giảm mà còn tăng” - thầy Bình nhấn mạnh rằng, đề thi minh họa mà Bộ đã công bố trước đó hoàn toàn đáp ứng được cả mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.