Nhiều lợi ích từ điện mặt trời
Nhà máy Điện mặt trời Cư Jut (thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) được xây dựng trên diện tích 62 ha, công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.367 tỷ đồng dù mới đi vào hoạt động hơn 10 tháng nhưng tổng sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia đã đạt trên 70 triệu kWh, mang lại doanh thu hơn 240 tỷ đồng. Anh Hồ Hữu Lâm - Phó Giám đốc nhà máy cho biết: “Vùng Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Đắk Nông có bức xạ tương đối cao nên đây là một lợi thế, chính sách thu hút đầu tư của các tỉnh Tây Nguyên trong lĩnh vực điện mặt trời cũng rất tốt nên đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Việc sớm đưa vào vận hành các hệ thống điện mặt trời đã giải tỏa một phần công suất điện cho tỉnh Đắk Nông cũng như toàn bộ hệ thống điện Việt Nam”.
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Hà Sơn Đắk Nông (ở tổ 4, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô) đã hòa lưới ngày 31/12/2019 với công suất 100 kWp, sản lượng điện bán cho ngành điện 3 tháng đầu năm 2020 là 26.070 kWh. Với chi phí ban đầu là 1tỷ 400 triệu đồng theo giá dự thảo thì hàng tháng thì công ty thu về được là hơn 26 triệu đồng/tháng từ việc bán điện cho ngành điện.
Không chỉ các doanh nghiệp, mà nhiều hộ gia đình ở Đắk Nông cũng đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Gia đình ông Nguyễn Văn Khiêm (ở thôn 14, xã Quãng Khê, huyện Đắk Glong) đã mạnh dạn đầu tư thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để sử dụng cho sinh hoạt, đầu năm 2020 đã hòa lưới dự án điện mặt trời trên mái nhà với công suất lắp đặt 100 kWp. Sản lượng điện bán cho ngành điện 3 tháng đầu năm 2020 là 31.650 kWh. Chia sẻ niềm vui, ông Khiêm cho biết: “Với tổng số tiền đầu tư ban đầu hơn 1 tỷ đồng, hàng tháng ngoài việc tiết kiệm số tiền điện phải trả như trước gần 1 triệu đồng thì gia đình tôi còn thu về hơn 22 triệu đồng từ việc bán điện cho ngành”.
Tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có 68 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt đặt 2 MWp. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2020, Công ty Điện lực Đắk Nông đã phát triển mới hơn 31 khách hàng với tổng công suất 14MWp điện mặt trời trên mái nhà với tổng sản lượng điện bán cho ngành điện hơn 4 triệu kWh.
Hệ thống Điện mặt trời của gia đình ông Khiêm ở huyện Đắk Glong.
Điện mặt trời có nhiều lợi thế như vừa tiết kiệm điện sinh hoạt, vừa thân thiện với môi trường, số điện dư có thể bán lại cho ngành điện, góp phần giảm áp lực về việc đầu tư nguồn điện, giảm ô nhiễm môi trường và sẽ là một khoản đầu tư phát sinh lời trong tương lai. Thực tế đã cho thấy, khi sử dụng điện mặt trời thì các hộ gia đình, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được đến 90% chi phí điện năng hàng tháng, giúp giảm bớt chi phí sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế trong cả sản xuất, kinh doanh.
Người dân có nhu cầu đầu tư điện mặt trời sẽ được ngành điện hướng dẫn cụ thể về thủ tục, thỏa thuận vị trí đấu nối công trình và phối hợp xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai. Khi công trình hoàn thành, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật theo thiết kế, sẽ được nghiệm thu, chủ đầu tư và ngành điện thực hiện ký hợp đồng mua bán điện, lắp đặt công tơ hai chiều để đo đếm sản lượng tiêu thụ, sản lượng phát lên lưới. Hàng tháng, ngành điện sẽ ghi nhận sản lượng điện giao nhận.
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại huyện Tuy Đức.
Ông Nguyễn Văn Trình - Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Điện lực Đắk Nông (PC Đắk Nông) cho biết: “Việc phát triển nguồn năng lượng mặt trời đang được Chính phủ khuyến khích. Đây là hướng đi rất cần thiết, trong bối cảnh các loại năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện ngày càng giảm sản lượng cũng như tính cạnh tranh. Tại Đắk Nông, việc xây dựng, vận hành 2 nhà máy điện mặt trời với công suất lớn tại huyện Cư Jút đã góp phần tăng thêm nguồn cung điện tại chỗ, cũng như góp phần ổn định điện áp, lưới điện của tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung. Phát triển các dự án điện mặt trời tại Đắk Nông cũng hứa hẹn giúp ngành điện Đắk Nông giảm tỷ lệ tổn thất điện nhờ gia tăng nguồn cung tại chỗ”.
Trong thời gian tới PC Đắk Nông sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của nguồn năng lượng này, giúp khách hàng thấy rõ lợi ích nhiều mặt, từ đó tham gia đầu tư phát triển.
Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới. Trong đó, các tỉnh Tây Nguyên số giờ nắng đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm. Đây là một trong những lợi thế để thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời. Do đó, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/04/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, với nhiều ưu đãi về thuế, giá bán điện mặt trời, PC Đắk Nông đã tập trung hỗ trợ để người dân và các doanh nghiệp phát triển nhiều dự án năng lượng mặt trời trên địa bàn. |