Anh Giang, chủ chuỗi Chewy chewy và Otoké Chicken tại TP.HCM, cho biết trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chuỗi nhà hàng của anh có 32 điểm bán. Tuy nhiên, để cầm cự trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh, anh đã buộc phải đóng cửa 4 cửa hàng và trả lại mặt bằng kinh doanh. Từng kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu gà rán Việt Nam ra thị trường Singapore, nhưng ảnh hưởng của dịch cũng khiến anh phải đóng cửa nhà hàng này và chấp nhận một khoản lỗ lớn.
Chia sẻ về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, anh cho biết doanh số bán hàng trong 15 ngày đầu tiên của tháng 4 đã giảm 60%. Mức giảm không phanh này khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ bởi ngoài chi phí cho nhân viên phục vụ tại các điểm bán hàng, doanh nghiệp còn phải trả tiền vận hành bộ máy quản lý, kho bãi, nhân viên văn phòng và trả lãi ngân hàng.
Nhiều mặt bằng cho thuê với vị trí đẹp vẫn đang chờ đợi khách thuê mới
Tương tự, anh Khánh - chủ chuỗi cà phê và trà tại TP.HCM - cũng cho biết mình đang rao chuyển nhượng lại một mặt bằng kinh doanh tại quận 3. Đây là một quyết định khó khăn của anh Khánh bởi mặt bằng này có mặt tiền rộng và vừa được sửa lại hồi tháng 1/2020. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động của chuỗi cửa hàng, buộc anh phải thu hẹp bớt mặt bằng kinh doanh do doanh thu từ bán hàng online giờ chỉ còn khoảng 10% so với trước đây.
Một chủ mặt bằng tại đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, cũng cho biết đang rao nhượng lại mặt bằng là nhà nguyên căn 2 tầng với diện tích mỗi sàn 90m2, giá thuê 3.000 USD/tháng và trong mùa dịch được chủ nhà hỗ trợ còn 52 triệu đồng/tháng. Tiền đặt cọc cho hợp đồng thuê nhà là 9.000 USD, cửa hàng vừa làm lại toàn bộ nội thất hết hơn 400 triệu đồng. Nay muốn nhượng lại hợp đồng thuê mặt bằng với toàn bộ nội thất đã đầu tư và chỉ muốn lấy lại nửa số tiền đặt cọc nhưng cũng chưa tìm được khách thế chân.
Cuối tháng 3, anh Tuấn (chủ một mặt bằng cho thuê tại TP.HCM) đăng tin mình có căn nhà 1 trệt 3 lầu tổng diện tích sử dụng 248m2 tại phường 7, quận Phú Nhuận cho thuê với giá 55 triệu đồng/tháng. Để tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, bên anh miễn phí 1 tháng thuê đầu tiên và tặng thêm 2 tuần setup cho khách thuê.
Nhưng đến giữa tháng 4 vẫn chưa tìm được khách mới, anh cho biết tiếp tục giảm giá thuê mặt bằng của mình xuống còn 47 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây có thể vẫn chưa phải là mức giá cuối cùng khách thuê phải trả nếu tiếp tục đàm phán.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc thị trường đang dư thừa mặt bằng cho thuê hiện nay là do những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Những đơn vị kinh doanh với nguồn tài chính mỏng đã sớm phải đóng cửa, trả lại mặt bằng. Một số đơn vị kinh doanh lớn cũng đã buộc phải thu hẹp quy mô bằng việc trả bớt một mặt bằng kinh doanh không hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí để cầm cự qua mùa dịch.
Còn theo báo cáo Thị trường bán lẻ TP.HCM quý I/2020 của Savills, các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế đang cố gắng trì hoãn hợp đồng hoặc xem xét lại các điều khoản thuê. Trong ngắn hạn, diện tích mặt bằng bán lẻ trống dự kiến sẽ tăng.
Hiện giá chào thuê ở các trung tâm bán lẻ trung bình giảm 2% do các dự án ngoài trung tâm chào giá thuê giảm để thu hút các khách thuê mới. Một số đơn vị còn giảm sâu giá thuê tới 30% so với quý 4/2019.
Vào tháng 2, CTCP Vincom Retail công bố hỗ trợ trên giá thuê cho các khách thuê hiện tại với tỷ lệ hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng được xem xét, đánh giá theo mức độ bị ảnh hưởng từ các vùng và ngành kinh doanh của doanh nghiệp. Hưng Thịnh cũng đã đề nghị mức giảm từ 20% đến 40% tùy theo từng trường hợp.
Trong hai tháng cuối của quý 1, hầu hết khách thuê yêu cầu hỗ trợ tiền thuê và được chủ đầu tư tiếp nhận và giải quyết riêng lẻ. Khảo sát chủ đầu tư do Savills thực hiện gần đây cho thấy mức giảm giá thuê tháng phổ biến từ 10% đến 30% và một số trường hợp lên đến 50%.
Cũng theo Savills, nếu như tại các trung tâm mua sắm, việc cho thuê mặt bằng vẫn duy trì ở mức cao, thì đối với các chủ nhà phố cho thuê bán lẻ, Covid-19 đã có những ảnh hưởng ngay lập tức.
Kể từ đầu tháng 2, nhiều khách thuê nhà phố đã quyết định không gia hạn hợp đồng thuê. Một số khách thuê muốn giữ lại các vị trí đắc địa quyết định đóng cửa tạm thời hoặc yêu cầu giảm tiền thuê trong suốt thời gian ngừng hoạt động. Yêu cầu thuê nguyên căn và giá thuê vẫn ở mức cao cũng là những lý do khiến chủ nhà hàng đóng cửa và trả lại mặt bằng kinh doanh.