Margarita Konekova tới Mỹ vào năm 1923 nhân dịp một cuộc triển lãm nghệ thuật của Nga và ở lại đây cho tới năm 1945. Trong thời gian chiến tranh, bà đã đứng ra lãnh đạo một ủy ban hỗ trợ nước Nga. Ngoài ra, Konekova còn đảm nhiệm một loạt các công việc khác từ việc thu mua thuốc men, lương thực, vũ khí và quần áo để gửi về Liên Xô. Dần dần, Konekova đã trở thành một nhân vật quen thuộc trong giới thượng lưu tại Mỹ. Bà còn quen biết cả với đệ nhất phu nhân Elennoir Roosevelt.
Margarita Konekova và Albert Einstein.
Konekova và Einstein quen nhau trong một xưởng nghệ thuật tại Mỹ. Cuộc gặp gỡ này đã đặt tiền đề cho một chuyện tình rất lâu dài - họ vẫn trao đổi thư từ cho nhau ngay cả khi Konekova đã trở về Moskva. Chính nhờ tình yêu này, Einstein đã sẵn sàng tiếp xúc với tình báo Xôviết, giúp đỡ họ một số bí mật về công trình chế tạo bom nguyên tử. Tuy không trực tiếp cộng tác với tình báo Xôviết nhưng Einstein gần như đã làm theo tất cả những yêu cầu của Konekova. Ông cũng hình dung ra được công việc mà người yêu của mình đang làm nhưng không bao giờ gặng hỏi.
Vào thời điểm bắt đầu quen biết nhau, Albert Einstein đã ở cái tuổi 56, còn Konekova 39. Tuy nhiên, tình yêu của cả hai lại không già chút nào. Điều này được chứng minh qua nội dung những lá thư của Einstein gửi cho Konekova, trong đó có cả một bức chân dung của cả hai người được ký tên ghép là Alma - Albert và Margarita.
Ngày 16/7/1945, người Mỹ đã thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên tại bang New Mexico. Những thông số về quả bom này cùng với mốc thời gian cụ thể đã được bộ phận tình báo Xôviết ở New York chuyển về Moskva từ hai tuần trước đó. Đến ngày 18/8, Hội đồng Quốc phòng Nhà nước Liên Xô đã ra chỉ thị, trong đó có đoạn: “Giao cho đồng chí Beria áp dụng mọi hình thức hoạt động tình báo để nhận được những thông tin chi tiết hơn về bom nguyên tử”.
Tình báo Xô-viết đã triển khai ngay một loạt các biện pháp cấp thiết, một trong số đó có liên quan tới Konekova. Bà được giao nhiệm vụ tổ chức cuộc gặp giữa lãnh sự Xôviết Mikhailov (thực chất là điệp viên Tổng cục Tình báo tại New York) với Albert Einstein. Vài năm sau đó, Einstein đã đích thân thừa nhận về cuộc gặp gỡ này, nhưng không cho biết những chi tiết cụ thể. Một số nguồn tin cho biết, Einstein đã được đề nghị tới sống tại Liên Xô nhưng ông đã từ chối.
Những chiến công của Konekova đối với tình báo Xô-viết sau này đã được đánh giá rất cao. Từ thời điểm đó cho đến cuối đời, Konekova gần như sống ẩn dật giữa bốn bức tường. Bà mất năm 1980 tại Moskva, nhiều năm sau cái chết của Einstein.