Thanh tra Chính phủ vừa ban hành quyết định thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.
Ngày 24/4, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 305 thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.
Theo quyết định, Đoàn thanh tra có 7 thành viên, do ông Lê Quang Tiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo kinh tế ngành (Vụ I), làm trưởng đoàn.
Cơ quan chức năng sẽ thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.
Thời gian tiến hành thanh tra là 35 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra. Dự kiến trong tuần tới quyết định thanh tra sẽ được công bố để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2020.
Đoàn thanh tra sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua theo nghị định 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Đồng thời, thanh tra việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 121 ngày 23/3 và văn bản số 2827 ngày 10/4 của Văn phòng Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2020, khi cần thiết có thể mở rộng phạm vi thanh tra trước hoặc sau thời kỳ này.
Trước đó, ngày 20/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ và Bộ Công thương về hoạt động xuất khẩu gạo thời gian qua.
Văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.
Mục đích thanh tra làm rõ: Có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; Làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo.
Như đã phản ánh, thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp đã có đơn kêu cứu Thủ tướng về chính sách cấp hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 4.
Chính sách này quá nhanh và đột ngột, ngoài ra việc hải quan mở tờ khai tự động trong đêm khiến doanh nghiệp không kịp trở tay, có nhiều dấu hiệu tiêu cực, không minh bạch.
Nhiều doanh nghiệp đang bị “kẹt” gạo tại các cảng biển, trên đường vận chuyển… chịu thiệt hại nặng nề.