Dân Việt

Kiên Giang: Chan chứa tình người trong mùa dịch Covid -19

Thiên Thiên - Chúc Ly 25/04/2020 14:39 GMT+7
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống mưu sinh của rất nhiều người, nhất là những lao động nghèo. Xuất phát từ thực tiễn đó, với tinh thần “tương thân tương ái”, trên địa tỉnh Kiên Giang đã xuất hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ người dân nghèo vượt qua khó khăn.

3 tuần qua, kể từ ngày cách ly xã hội để tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19, quán cơm chay Âu Lạc (đường Nguyễn Hùng Sơn, phường Vĩnh Thanh Vân, TP.Rạch Giá) thực hiện chương trình “Cơm chay Gieo Duyên”, hỗ trợ hàng trăm suất cơm chay mỗi ngày cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại TP.Rạch Giá.

Theo ông Diệp Minh Hải, chủ quán Cơm chay Âu Lạc, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều người lao động, người bán vé số đã bị mất việc, gặp nhiều khó khăn do không có nguồn thu nhập.

Ông nấu cơm chay miễn phí mỗi ngày, nhằm hỗ trợ cho người nghèo khó. Quán cơm có treo băng rôn “Cơm chay Gieo Duyên miễn phí” để mọi người biết và đến nhận.

img

Mỗi ngày quán cơm Âu Lạc hỗ trợ hơn 300 phần cơm chay cho người dân. Ảnh: T.T.

Xếp hàng nhận cơm hàng ngày có rất nhiều lao động phổ thông, người bán vé số, xe ôm, người nghèo bị ảnh hưởng thu nhập do dịch Covid-19.

Cầm hộp cơm trên tay, chị Trần Thị Hạnh ngụ tại đường Trần Hưng Đạo (TP.Rạch Giá) tâm sự: “Mấy bữa không bán vé số, tôi lo lắm. Sau đó, biết có chỗ cho cơm miễn phí, nên hàng ngày tôi ghé nhận. Hiện tôi đang nuôi con nhỏ nên tốn kém nhiều chi phí mỗi tháng, được hỗ trợ cơm chay, tôi và nhiều người bán vé số không có thu nhập đều rất vui mừng, nhẹ lo cái ăn trong những ngày mất việc”.

Thấy việc làm ý nghĩa, nhiều người đến phụ ông Hải nấu nướng. Quán cơm Âu Lạc cũng thường xuyên thay đổi món ăn. Bình quân, mỗi ngày quán cơm Âu Lạc phục vụ 300 suất cơm, nhưng khi có người đến xin cơm, quán vẫn sẽ làm thêm để tặng.

Còn tại số E8 66-68, đường 3/2, phường Vĩnh Lạc, TP.Rạch Giá cũng đã xuất hiện cây “ATM gạo”, phát gạo miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn, do một doanh nghiệp và nhà hảo tâm chung tay thực hiện.

img

img

Điểm phát gạo tại "ATM gạo" miễn phí trên đường 3/2 phường Vĩnh Lạc, Tp. Rạch Giá có rất nhiều người dân đến nhận. Ảnh: T.T.

Bà Huỳnh Thị Phương (68 tuổi, ngụ phường An Hòa, TP.Rạch Giá), cho biết: “Công việc chính của hai vợ chồng tôi là bán vé số, kể từ ngày cách ly đến nay không có nguồn thu nhập, lại phải nuôi thêm đứa con gái 40 tuổi bị bệnh tâm thần, nên gặp rất nhiều khó khăn. Vừa hay tin được phát gạo miễn phí là tôi đi liền, nhận được gạo tôi rất vui mừng, gia đình tôi cũng bớt lo được phần nào”.

Theo ông Trần Bá Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Thắng, đơn vị làm “ATM gạo”, trong tình cảnh cả nước cùng nhau chống dịch, mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn cố gắng chia sẻ phần nào vất vả của người dân trong mùa dịch.

Trước tiên, công ty hỗ trợ 30 tấn gạo để phát cho người dân. Thời gian tới, đơn vị mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

Với thiết kế đơn giản, dễ sử dụng, người đến nhận gạo chỉ cần ấn nút, gạo từ trụ chảy ra đủ số lượng sẽ tự động ngưng.

img

Đối với những lao động nghèo, những phần cơm, gạo miễn phí trong mùa dịch Covid-19 có ý nghĩa rất lớn. Ảnh: T.T.

Ngoài ra, trên địa bàn TP.Rạch Giá còn có điểm phát gạo tự động cho người nghèo tại công viên Lạc Hồng, đường Nguyễn Trung Trực. Điểm phát gạo tự động do tỉnh và TP.Rạch Giá kêu gọi doanh nghiệp tại TP. Hồ Chi Minh tài trợ thiết bị và 10 tấn gạo; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP.Rạch Giá quản lý và tổ chức cho người dân đến nhận gạo.

Người dân đến nhận gạo xếp hàng, giữ khoảng cách an toàn 2m, đeo khẩu trang và xịt khử trùng tay trước khi bấm nút nhận gạo tại cây ATM. Mỗi người được nhận 2kg gạo/lần/ngày; riêng trường hợp người già, người ngồi xe lăn sẽ được nhân viên phát tận tay và ưu tiên phát trước.

Bình quân mỗi buổi có khoảng 650 phần gạo từ cây ATM sẽ đến tay người dân, ước tính cây “ATM gạo” này sẽ phục vụ từ 3 - 3,5 tấn/ngày.

Ông Trần Kim Quới - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP.Rạch Giá, cho biết: “Để giúp người dân không thu nhập trong lúc dịch bệnh, TP.Rạch Giá mong nhận được sự hỗ trợ gạo từ các doanh nghiệp và nhà hảo tâm, để cây “ATM gạo” hoạt động hết tháng 4 và sẽ tiếp tục hoạt động nếu người dân có nhu cầu”.