Neil Pederson và Amy Hessl, hai chuyên gia nghiên cứu lịch sử thực vật học của Đại học West Virginia đồng thời là tác giả nghiên cứu, đã tái tạo mô hình thời tiết trong 11 thế kỷ từ năm 900 đến năm 2011 qua nghiên cứu vòng tăng trưởng trên các cây thông Siberia ở miền trung Mông Cổ.
Kết quả cho thấy thời điểm hưng thịnh của Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn trùng khớp với giai đoạn khí hậu khu vực ôn hòa bất thường kéo dài hơn 1.000 năm. Nhiệt độ ấm áp với độ ẩm cao từ năm 1211 - 1225 nhiều khả năng đã thúc đẩy hoạt động sản xuất đồng cỏ, cung cấp cho đế chế của Thành Cát Tư Hãn năng lượng dồi dào và tài nguyên phong phú tạo nền tảng cho các cuộc viễn chinh.
Ảnh minh họa: gamek.vn
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng trước thời kỳ nắm quyền của Thành Cát Tư Hãn, Mông Cổ đã trải qua một giai đoạn hạn hán nặng nề kéo dài suốt 10 năm. Sự chuyển đổi từ khô hạn sang ẩm ướt cho thấy có khả năng cao là thời tiết khí hậu đóng vai trò quan trọng trong những sự vươn lên mạnh mẽ của đế chế này. Theo chuyên gia Hessl, khí hậu không phải là yếu tố duy nhất, song nó chắc chắn là một lực đẩy giúp vị thủ lĩnh tài năng phát triển quân đội, tập trung quyền lực và đưa quốc gia mình lên vị trí hàng đầu.
Trước đó giới khoa học từng có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa khí hậu với sự tồn vong của các nền văn minh. Tuy nhiên, đây là một trong những nghiên cứu hiếm hoi đi sâu vào khía cạnh tích cực khi khí hậu đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của một đế chế. Nghiên cứu mới này cũng đi ngược lại một số ý kiến trước đó cho rằng sự mở rộng của Mông Cổ bắt nguồn từ động cơ thoát khỏi điều kiện khắc nghiệt trên vùng đất quê hương.
Là người sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn được coi là một trong những nhà lãnh đạo lỗi lạc và quan trọng nhất của lịch sử thế giới. Dưới thời ông trị vì, lãnh thổ Mông Cổ trải rộng từ Á sang Âu bao gồm khu vực nay là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đông Âu, Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Đông.