Ngày 20/2, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. Hiện TAND tối cao đang tổ chức lấy ý kiến cán bộ công chức ngành tòa án đối với 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND tối cao, trụ sở tòa án quân sự và tòa án các cấp. Thời gian lấy ý kiến trong 5 ngày từ 23/4 đến 28/4.
Trao đổi với PV Dân Việt về việc trên, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy Ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, ông cảm thấy “hơi lạ” khi việc TAND tối cao đã thống nhất và chọn biểu tượng vua Lý Thái Tông.
Chưa minh bạch, không ổn
Đại biểu Lê Thanh Vân phân tích: Thứ nhất, biểu tượng của ngành và biểu tượng cho công lý với việc suy tôn người thầy mẫu mực trong hoạt động xét xử gắn với hoạt động của ngành tòa án không liên kết với nhau. Biểu tượng của công lý, trên thế giới gần như các nước đều đã có và nhiều nước thừa nhận một cách mặc nhiên “cán cân là biểu tượng cho công lý”.
Nên lưu ý, pháp luật không đồng nghĩa với công lý. Công lý là biểu tượng rất thiêng liêng, tồn tại khách quan ngoài ý chí của mỗi con người; bảo vệ pháp luật nó mang ý chí chủ quan của mỗi con người. Cho nên, ý chí chủ quan của con người phải làm sao tiệm cận được với thế giới khách quan đó là công lý, chứ không phải hoạt động xét xử nào cũng đạt tới “cảnh giới” của công lý. Bởi vậy, biểu tượng công lý đó là sự cân bằng, bình đẳng, nó là các giá trị rất cao.
“Cho nên, người ta lấy biểu tượng đó là một vị thần, vị thần này bị bịt mắt nhưng cái cân vẫn công bằng và thanh gươm để trừng trị tội phạm. Giá trị của nó là như thế và được nhiều nước trên thế giới thừa nhận đây là biểu tượng của công lý. Thế nhưng tôi không biết TAND tối cao, cụ thể là Hội đồng TATC còn chọn cho Việt Nam một biểu tượng công lý để làm gì nữa. Do đó cần phải có thuyết minh cho rõ ràng”.
ĐBQH hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy Ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.
Thứ hai, về thuật ngữ, biểu tượng khác với hình tượng với lại tượng đài… và không thể gói gọn trong một nhân vật cụ thể.
Thứ ba, vua trong chế độ phong kiến thể hiện quyền lực của nhà nước, tượng trưng cho nhà nước.. mà nhà nước ở đây là nhà nước quân chủ chuyên chế, ít có ông vua đạt đến cảnh giới anh minh, thông tuệ.
Mặt khác, trong chức năng của nhà nước, vua không phải là chức năng xét xử. Để giúp cho vua xét xử các vụ án (gọi là thẩm định lại, như ta hiện nay là giám đốc thẩm, bước xử cuối cùng) thì có Đại lý tự, có Ngự xử đài… Đó là các cơ quan tối cao nhất giúp cho vua xét xử lại các vụ án chứ vua trực tiếp xét xử các vụ án là rất ít.
Cho nên, để nói một ông vua là bậc thầy của xét xử thì ít có người công nhận dù trong lịch sử nước ta vua Lý Thái Tông - tên thật là Lý Phật Mã (con của Lý Thái Tổ) là người ăn ở với dân, rất thấu hiểu đời thường của nhân dân, khi làm vua cũng rất thương dân, xét xử rất nhân văn và nhân nghĩa.
Như vậy, vua không phải là người xử án và chỉ là người xử án, hoặc chỉ xử những vụ án tày đình nhất.
Trở lại với câu chuyện TAND tối cao ngày nay, vua Lý Thái Tông là người sai đúc chuông lớn đặt ở sân chính hoàng cung để dân kêu oan - sau này chúng ta gọi là “tiếng trống đăng văn” để cho dân kêu oan. Đặc biệt ông cũng là người chỉ đạo xây dựng và ban hành luật Hình thư - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Việt Nam; ông cũng là người trực tiếp xét xử các vụ án…
“Hiểu như vậy để đề cao vị vua này là một biểu tượng của công ý, là bậc thầy của xét xử tôi thấy là không ổn. Bởi vì chức năng của nhà nước tập trung cho vua là đường lối chính trị là cách thức tổ chức bộ máy, là hệ thống pháp luật… Còn việc chức năng xét xử, điều tra, xử án thuộc về Bộ Hình, bên cạnh đó còn có Đại lý tự và Ngự xử đài. Như vậy, các vị quan của Bộ Hình mới là các vị quan án và tìm trong lịch sử Việt Nam những người làm chức quan xử án mới là người tiền bối của ngành tòa án.
Do vậy tôi thấy việc chọn biểu tượng còn lẫn lộn với việc chọn người thầy tiêu biểu nhất làm gương sáng cho muôn đời trong hoạt động xét xử là nhầm lẫn với nhau. Công lý là một chuyện còn người thầy tượng trưng điển hình nhất cho hoạt động xét xử là một việc khác nhưng gói gọn trong bức tượng - chưa biết là tượng đài, tượng thờ, tượng trưng… việc này là chưa minh bạch.
Sự chắp vá khiên cưỡng
ĐBQH Lê Thanh Vân cũng cho rằng, có sự chắp vá về ý nghĩ, ý tưởng khi “lấy một ông vua theo trật tự phong kiến phương Đông với đề cao vương quyền và thẩm quyền lại cưỡng ép, lặp ý với cân công lý của vị thần công lý ở phương Tây”. “Đây là sự chắp vá không thuyết phục, nó không thể hiện được giá trị riêng trong biểu tượng về công lý, trong sự suy tôn người thầy anh minh, công tâm, tiêu biểu cho hoạt động xét xử… như vậy là sự chắp vá khiên cưỡng”.
Khi lựa chọn được mẫu tượng vua Lý Thái Tông, dự kiến tượng vua sẽ được dựng ở trụ sở toà án tối cao, trụ sở toà án quân sự và toà án các cấp.
Đáng chú ý, vấn đề thứ 5, ông Lê Thanh Vân cho rằng: “Tâm lý thần linh của người Việt, khi đặt bức tượng ở nơi có chức năng xét xử thì sẽ dễ biến thành một tượng thờ, người ta sẽ cúi lạy, xì xụp khấn vái… Như vậy nó sẽ chi phối hoạt động tâm linh, cho nên điều này là không ổn”.
Cuối cùng, điều đại biểu Lê Thanh Vân muốn nói đến là việc xây dựng tượng đài ở khắp các trụ sở cơ quan xét xử trên cả nước thì phải tính đến bài toán đầu tư công. “Hiện nay, dư luận rất không đồng ý với việc xây dựng các tượng đài ở khắp nơi. Đấy là chưa nói đến việc thẩm định về mặt giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, tâm lý của người dân như thế nào… Tôi nghĩ việc này phải xem xét hết sức thận trọng rồi đưa ra các quyết định”.
Nên thề trước "thần minh"
Tóm lại, qua phân tích và theo dõi việc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lấy ý kiến về việc trên, ông Lê Thanh Vân nhìn nhận “hầu hết dư luận xã hội đều không tán thành”.
“Tôi cho rằng lúc này là thời điểm đề cao tinh thần tự giác của ngành tòa án nói chung và các vị thẩm phán nói riêng. Chúng ta không nhất thiết phải tách ra một hiện vật, vật chất hay một biểu tượng giá trị gì đấy. Nếu cần các vị cứ xuống Kiến Thụy (Hải Phòng) – nơi có lễ hội Minh Thệ (hay còn gọi là Hội Minh thề-PV) có từ thời Nhà Mạc. Đây là hội thề minh bạch làm sáng tỏ nhất trước nhật nguyệt, trời đất, trước thần minh, ai vi phạm lời thề sẽ bị các vị thần linh tận diệt thảm khốc”.
Phân tích rõ hơn về hội Minh Thệ, đại biểu Lê Thanh Vân cho hay, “slogan” của ngành tòa án là “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” trong hoạt động xét xử thì nên xuống nơi này.
“Hội Minh thệ này phải dành riêng cho ngành tòa án, những ai được bổ nhiệm làm thẩm phán thì đích thân đến đấy để minh thệ, phải thề trước trời đất công tâm trong xét xử, nếu như vẩn đục trong tâm của mình, xét xử nghiêng mình trục lợi tham nhũng thì thần minh sẽ trừng trị rất thảm khốc… làm như thế có dám làm không.
Cũng không chỉ riêng mình ngành tòa án, tất cả các vị quan chức từ lớn đến bé có dám đến đấy để thề trước các vị thần linh hay không. Làm được như thế có phải là tốt hơn việc đi đặt tượng”, ông Vân nói và nhấn mạnh: “Hiện nay nhiều vị thân mình nhiều tì vết nhưng lại khoác áo trơn tru đi rao giảng đạo đức cho người khác. Những vị này có dám xuống đấy lập lời thề trước các thần linh và trước các người dân hay không?”.