Để bạn biết tác giả sách là ai, tôi xin dẫn lại lời ghi trên bìa 2 (bìa gấp): “Trần Trọng Kim (1882 – 1953) người làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một học giả uyên thâm cả tân học lẫn cựu học, đã dành cả cuộc đời cho ngành giáo dục và cho nền văn hóa Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX. Khởi đầu sự nghiệp trước tác từ năm 1914 khi phụ trách mục “Học khoa” trên Đông Dương tạp chí, bên cạnh Việt Nam sử lược và Nho giáo là hai công trình đồ sộ và quan trọng nhất, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị vượt thời gian như Quốc văn giáo khoa thư, Phật lục, Việt Nam văn phạm… và Sơ học luân lý cũng là một trong số đó. Đó là cuốn sách sơ giản và cũng là một trong số những cuốn sách hiếm hoi sớm nhất bằng quốc ngữ viết về luân lý”.
Cuốn sách này bản mới in lại theo ấn bản năm 1950 của nhà Tân Việt, còn lần xuất bản đầu tiên là vào năm 1919, hơn một trăm năm trước, theo với chương trình giáo dục hồi đó. Ngay đầu lời tựa tác giả đã nói rõ: “Luân lý là một sự quan trọng hơn cả trong sự giáo dục ở sơ đẳng học đường, cho nên chương trình của chính phủ đặt ra phải để mục luân lý đứng đầu cả các mục khác. Vậy sách luân lý tất là sách thiết yếu cho học trò đi học, ngày ngày phải giở ra mà xem cho hiểu rõ những điều thầy đã giảng dụ ở học đường về những việc nhân nghĩa, đạo đức của người ta là thế nào. Những điều đó, ta có thể hiểu biết rõ ràng thì mới có thể sửa đổi được cái cách ăn ở của mình cho phải đạo thường, và mới di dưỡng được những tính tình của mình cho nên người có phẩm hạnh”. Vì vậy tác giả viết sách này cốt để trò chuyện với các học trò bậc tiểu học về bốn loại luân lý: đối với gia tộc, đối với học đường, đối với bản thân, và đối với xã hội. Trong mỗi loại ông phân ra nhiều phần, trong mỗi phần có nhiều mục nhỏ, cụ thể, và các mục được viết bằng lối văn ngắn đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thuộc. Cuối phần hoặc mục có đoạn toát yếu (tóm tắt) và đầu bài (đề bài) cho học trò nhớ bài và tập suy nghĩ. Trong sách học giả họ Trần gọi những bạn đọc nhỏ tuổi của mình bằng đại từ “Anh” một cách trân trọng.
Luân lý theo ông Trần (mạn phép dựa vào tình đồng hương dù là ở bậc con cháu gọi thế cho gần gũi) là ăn ở hợp đạo thường của người ta trong xã hội, mà đạo thường tóm lại là làm điều lành, tránh điều ác. Muốn vậy con người có các bổn phận phải thực hiện. Như trong gia tộc là các bổn phận với cha mẹ, ông bà, họ hàng, anh chị em, tổ tiên; với kẻ ăn người ở, với bạn hữu, láng giềng. Như ở học đường là các bổn phận với việc học, với người thầy, với các bạn học. Như ở bản thân mình là các bổn phận với trí tuệ, tình cảm, ý chí của mình, với những đồ vật ngoài mình (ngoại vật). Như trong xã hội là các bổn phận với tính mệnh, của cải và danh giá của người ta, với sự lễ phép, biết ơn, lòng nhân ái, lòng căm thù, với tình yêu nước, với các loài cầm thú. Ông dạy các trò đi từ những điều nghĩ việc làm nhỏ bé thường ngày ở nhà ở trường, ở những người thân người gần trong gia đình trường lớp, đi đến những điều to lớn hơn, hệ trọng hơn với xã hội, đất nước. Những điều luân lý ông nói đây là những giá trị cuộc sống và văn hóa của người Việt tự bao đời mà khi giao thời Âu-Á cho đến nay vẫn là cốt lõi giá trị sống của dân tộc Việt Nam. Một người viết sách như ông Trần thế này thời bấy giờ là một người yêu nước thương nòi, có lòng chăm lo cho lớp người sau của dân tộc, lo cho tương lai vận mệnh của nước nhà.
Ta hãy xem một vài đoạn viết luân lý của ông. Nói về sự đi học là cần thiết nhưng ông còn dạy các trò biết sự học vấn và sự giáo dục khác nhau thế nào: “Các anh phải biết rằng sự đi học là sự rất quan trọng cho người ta, nhưng học thì cần phải mở mang trí tuệ và luyện tập tính hạnh, thì mới thành được người có học vấn và có giáo dục vậy” (tr. 78). Nghĩa là chỉ học kiến thức không thôi mà không có đức hạnh thì đó là người vô giáo dục. Nói về sự tiết độ đối với bản thân, ông dặn các trò cái ăn cái uống hàng ngày và từ đó nâng rộng lên: “Có lắm người cả đời chỉ lấy miếng ăn miếng uống làm đầu, tưởng như cái mục đích của người ta ở đời là chỉ để mà ăn mà uống đó thôi, chứ không có cái gì cao xa hơn nữa. Như thế có phải là mình đem cái thân quý trọng mà làm đầy tớ cái miệng của mình không? Thậm chí có người chỉ vì miếng ăn mà quên mất cả đạo làm cha, làm con, làm vợ, làm chồng, thật là đê tiện thay!” (tr. 118). Nói về sự nói vu nói xấu trong xã hội, ông dạy các trò không được phạm đến danh giá và danh dự của người ta vì “Những đứa nói vu là đứa gian ác hèn mạt, bày đặt ra chuyện nọ trò kia để cho người ta tin lời nó nói. Những đứa ấy là đứa giết người không gươm, nó cố tình làm hại người ta, nó làm cho người ta mang tai mang tiếng, phải những điều oan ức, không mấy khi rửa sạch được” (tr. 185). Nói về việc bố thí (tức như làm việc từ thiện ngày nay) ông dặn các trò “khi mình có cứu giúp ai, mình phải giữ gìn ý tứ, đừng để cho người ta phải cực khổ về điều đó” (tr. 197). Hơn thế nữa, cái ngày nay khi làm từ thiện ta hay nói ‘cho cần câu hơn cho con cá” thì một thế kỷ trước học giả họ Trần đã dạy các trò: “Khi mình thấy ai là người lương thiện tử tế mà phải sự nghèo đói thì mình nên tìm công tìm việc cho người ta làm, còn hơn là cho tiền cho bạc” (tr. 198). Nói về lòng thí xả ông dạy học trò phải biết quên mình vì người khác: “Làm việc gì cũng cần có chút lòng thí xả thì mới là đích đáng, như ông thầy đi dạy học, không quản công lao khó nhọc, người làm thầy thuốc đi chữa những bệnh truyền nhiễm không sợ lây…” (tr. 202), đọc đến đây mới thấy ông Trần đã dạy từ lâu sự biết ơn “lòng thí xả” của các y bác sĩ, các điều dưỡng viên trong đại dịch COVID-19 hiện giờ. Nói về xã hội luân lý ông không chỉ nói người với người mà còn nói người với súc vật: “Giống cầm thú cũng biết đau biết buồn biết khổ như người, bởi vậy ta không nên làm nó phải đau đớn khổ sở” (tr. 206).
SƠ HỌC LUÂN LÝ Tác giả: Trần Trọng Kim Nhã Nam & Nhà xuất bản Hồng Đức, 2020 Số trang: 218 Số lượng: 2000 Giá bán: 68.000đ * |
Cuốn sách “Sơ học luân lý” viết đơn giản, rõ ràng, nhưng đầy sự tôn trọng bạn đọc nhỏ tuổi không chỉ ở cách xưng hô mà còn cả ở sự chú thích những chữ khó hiểu, chữ mới dùng bằng chữ nho “để ai xem không thể lầm lẫn được” như tác giả nói ở lời tựa. Vậy là độc giả đọc sách được bài học luân lý, còn được học hiểu thêm từ ngữ qua mặt chữ Hán và cách chú thích ngắn gọn, dễ hiểu của tác giả. Như ở đoạn nói về học vấn và giáo dục nêu trên ông chú: “Học vấn 學問 là nói chung cả các sự học” (tr. 78). Đọc hết sách thì các trò được ông cho biết thêm nhiều chữ nữa, ví như: “Lương tâm 良心 là lòng tự nhiên của người ta để biết điều thiện, điều ác, điều phải, điều trái” (tr. 15); “Tôn giáo 宗教 là sự sùng bái của những người có một cái tin tưởng riêng. Như là đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đều là tôn giáo cả” (tr. 33); “Giao thiệp 交涉 là sự đi lại chơi bời với nhau” (tr. 56); “Thí xả 施 捨 là bỏ thân mình hay là cái lợi của mình mà giúp người ta” (tr. 201). Ông Trần còn giải nghĩa nhiều chữ lắm. Tôi nghĩ chỉ riêng điểm này nhiều người cũng đã nên đọc sách này của ông Trần để ngoài ôn lại các bài học luân lý không bao giờ cũ còn được vỡ vạc ra nhiều chữ nghĩa mà lâu nay dùng sai không biết, nhất là các từ có gốc Hán Việt, chứ cứ lẫn lộn “điểm yếu” và “yếu điểm” thì rất buồn. Và cuốn sách của ông cũng để lại bài học cho nhiều người viết người nói hiện nay, đặc biệt là những người viết sách giáo khoa các môn nhân văn xã hội, biết mà tránh cái bệnh sính chữ, thích nói năng rườm rà lắm lời ít nghĩa.
Việc in lại cuốn “Sơ học luân lý” của học giả Trần Trọng Kim lúc này là cần thiết và bổ ích. Ở trên tôi có dẫn một số đoạn viết của ông Trần để thấy nó luôn cập nhật với cuộc sống mọi nơi mọi lúc của người ta ở đời. Đọc cuốn sách này cũng để người đọc biết thêm sự nghiệp văn hóa giáo dục của ông, một nhân vật lịch sử đáng kính của nước nhà thời hiện đại, mà những ai quan tâm đến quốc sử quốc văn không thể bỏ qua hai công trình chính ông đã viết là Việt Nam sử lược (1920) và Nho giáo (1929 – 1933). Riêng về “Sơ học luân lý” thì theo mạch viết này mấy năm sau ông Trần đã cùng mấy bạn hữu soạn nên bộ “Luân lý giáo khoa thư” (1926) rất nổi tiếng, góp phần đào luyện nên mấy lớp người sống có đạo đức trong đời. Thiết nghĩ mỗi gia đình hiện nay nên có một cuốn này cho con em, và cả người lớn, đọc. Còn như ở nhà trường thì nên dùng cuốn này làm một cuốn sách giáo khoa cho môn giáo dục công dân.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.