Dân Việt

“Sắc màu” sông nước miền Tây trong phim Việt

Thủy Tiên 03/05/2020 07:29 GMT+7
Có thể nói rằng, nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử chính là một phần trong cuộc sống đời thường cũng như văn hóa của người miền Nam. Và khi hai yếu tố này xuất hiện trong phim đã đem đến hương vị và màu sắc sông nước miền Tây Nam Bộ một cách rõ nét cho các tác phẩm. Qua đó, các nhà làm phim chuyển tải những tâm tư, tình cảm của mình một cách vừa dễ dàng, vừa ý nhị.

Nét văn hóa đặc trưng Nam Bộ

Nhìn lại lịch sử, việc đưa nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử lên phim đã được nhiều đạo diễn thực hiện. Năm 1961, đạo diễn Thái Thúc Nha thực hiện bộ phim nhựa đen trắng 35mm “Bẽ bàng” chuyển thể từ vở cải lương nổi tiếng “Nửa đời hương phấn”. Phim tuy không mấy thành công do trình độ kỹ thuật làm phim còn yếu kém nhưng là tiền đề cho thấy nghệ thuật cải lương đã trở thành đề tài được các nhà đạo diễn điện ảnh quan tâm.

img

Cảnh trong phim “Song Lang” - một bộ phim có nội dung về nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử”... Ảnh: T.L

Khi điện ảnh Việt Nam bước sang thời kỳ đổi mới, bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam lấy chủ đề về nghệ thuật cải lương Nam Bộ là phim “Đoạn cuối thiên đường” dựa theo truyện “Bàn thờ tổ của một cô đào”, do NSND Hồng Sến thực hiện. Trước đó, ông đã luôn cài cắm, điểm xuyết các trường đoạn biểu diễn đờn ca tài tử trong các phim “Mùa gió chướng”, “Cánh đồng hoang”, “Vùng gió xoáy”, “Hòn đất”… như một cách thể hiện sự đam mê của mình về bộ môn nghệ thuật này và khiến cho các bộ phim trên mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa, con người miền Tây Nam Bộ...

Với phim truyền hình, nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử manh nha xuất hiện sớm hơn, từ ngay sau ngày miền Nam giải phóng và chủ yếu xuất hiện trong những bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Năm 1989, khi làm phim điện ảnh “Ngọn cỏ gió đùa” (kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh), đạo diễn Hồ Ngọc Xum đã đưa đờn ca tài tử - nét văn hóa đặc trưng của Nam Bộ vào phim. Sau đó hầu như các phim của ông đều điểm xuyến những cảnh, trường đoạn đờn ca tài tử. “Nợ đời” là phim truyền hình đầu tiên của Hồ Ngọc Xum - vốn được mệnh danh là đạo diễn gắn bó với những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, có yếu tố cải lương. Trong bộ phim này, để trích đoạn tuồng xưa, đạo diễn Hồ Ngọc Xum đã đặt nghệ sĩ Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu) viết bài hát tổng kết toàn bộ cuộc đời nhân vật trong phim. Khi thực hiện phim “Cay đắng mùi đời” (nói về ông thầy dạy đờn/đàn), đạo diễn Hồ Ngọc Xum đã phải đặt viết tới 26 điệu cải lương cho phim dựa trên 3 nhạc cụ bắt buộc phải sử dụng khi sáng tác là đờn/đàn kìm, đờn/đàn cò và đàn tranh.

“Món mới” của nhiều nhà làm phim trẻ

Đất nước bước vào giai đoạn mở cửa và hội nhập, lĩnh vực sản xuất phim đang từng bước trở thành ngành công nghiệp với các thiết bị máy móc làm phim ngày càng hiện đại, đã xuất hiện các phim có sử dụng kỹ xảo, phim có hiệu ứng đặc biệt… Trong bối cảnh đó, vẫn có nhiều nhà làm phim trẻ, mới vào nghề đã mạnh dạn chọn đề tài truyền thống khi để nghệ thuật cải lương xuất hiện như là một phần quan trọng tạo nên đứa con tinh thần của họ.

Khi thực hiện phim “Cay đắng mùi đời” (nói về ông thầy dạy đờn/đàn), đạo diễn Hồ Ngọc Xum đã phải đặt viết tới 26 điệu cải lương cho phim dựa trên 3 nhạc cụ bắt buộc phải sử dụng khi sáng tác là đờn/đàn kìm, đờn/đàn cò và đàn tranh.

Bộ phim “Sài Gòn anh yêu em” (2016) của đạo diễn Lý Minh Thắng đề cập đến 5 câu chuyện đặc trưng Sài Gòn, trong đó có câu chuyện về một cặp vợ chồng nghệ sĩ cải lương gạo cội luôn vun vén và giữ gìn bộ môn nghệ thuật này trong dòng chảy xô bồ của cuộc sống. Một phần đời sống cải lương đã được phục dựng và tái hiện trên phim tinh tế tới từng chi tiết từ cách người nghệ sĩ chuẩn bị hóa trang, phục trang cho tới cách họ luyện thanh và trình diễn… đã giúp cho “Sài Gòn anh yêu em” có màu sắc rất riêng, độc đáo và mang dấu ấn rất… Sài Gòn.

Năm 2018 có tới 3 dự án điện ảnh về đề tài cải lương được giới thiệu đến công chúng gồm: “Gạo chợ nước sông” (đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn), “Song lang” (đạo diễn Leon Quang Lê) và “Nửa đời hương phấn” của đạo diễn Đỗ Thành An. Trong đó phim “Song Lang” đã công chiếu, hai phim còn lại đang trong quá trình sản xuất. Cả ba bộ phim được thực hiện nhân kỷ niệm 100 năm bộ môn nghệ thuật cải lương hình thành và phát triển.

img

Cảnh đờn ca tài tử trong phim “Cay đắng mùi đời”. Ảnh: T.L

Nội dung vở “Nửa đời hương phấn” của hai soạn giả nổi tiếng Hà Triều - Hoa Phượng viết vào cuối thập niên 1950 tại Sài Gòn sẽ được đưa lên màn ảnh một cách trọn vẹn như tác phẩm gốc, trong khi đó phim “Gạo chợ nước sông: Được chuyển thể từ truyện ngắn “Cuối mùa nhan sắc” của nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư, lấy bối cảnh những năm 1970, thời kỳ hoàng kim của cải lương Việt Nam, kể về một cô đào làm nghề hát cải lương. Cũng như vậy, phim “Song Lang” xoay quanh câu chuyện về hai nghệ sĩ trẻ nhờ có chung niềm đam mê với nghệ thuật cải lương nên đã tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn, cảm xúc. Phim công chiếu đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả và giới mộ điệu. Tuy vậy, đạo diễn Leon Quang Lê khẳng định “Song Lang” không phải là một bộ phim “về cải lương”, hoặc về “sự tích cái song lang” mà 2 yếu tố này chỉ là cái tứ được mượn để truyền tải nội dung câu chuyện, bản thân anh cũng không ôm đồm, mong truyền tải kiến thức, giáo dục, hoặc kêu gọi sự cần thiết phải bảo tồn bộ môn nghệ thuật cải lương… Điều này giúp giảm bớt cảm giác “giáo huấn” cho khán giả khi xem phim.

Việc khai thác chất liệu truyền thống dân tộc, cụ thể là cải lương, loại hình ca nhạc cổ truyền của người dân Nam bộ trong lĩnh vực điện ảnh phục vụ khán giả, đặc biệt là giới trẻ có một ý nghĩa lớn. Và cá nhân những người làm phim đã tìm thấy sự đồng cảm với chủ đề này chính là Tình yêu và niềm đam mê thực sự. 

Leon cũng chọn phục dựng cải lương của thập niên 1980, được xem là thời vàng son sau cùng của cải lương, cũng là thời điểm của môn nghệ thuật mà bản thân anh đã được xem tận mắt, nghe bằng chính tai mình và bị say mê thực sự. Nhờ thế “Song Lang” trở thành tác phẩm điện ảnh có màu sắc truyền thống độc đáo trong số các bộ phim đề tài hiện đại ra mắt cùng thời điểm.

Để yếu tố cải lương trong phim vừa mang dấu ấn văn hóa đặc trưng vừa đảm bảo tinh thần của câu chuyện phim, có thể nói, các đạo diễn đã biết cách phối hợp nhuần nhuyễn các yếu tố: Nội dung - cấu trúc phim có sự liên kết hợp lý với yếu tố cải lương; Các ca từ, bài bản, giai điệu… phù hợp với bối cảnh, phục trang, câu chuyện đúng giai đoạn lịch sử; và dĩ nhiên, lời ca - linh hồn của nghệ thuật cải lương - giàu cảm xúc. Ngoài ra, người làm phim cũng đã kết hợp yếu tố cải lương với yếu tố hiện đại để người xem dễ tiếp cận. Chẳng hạn, nếu bối cảnh phim diễn ra ở thời điểm trước năm 1945 thì không thể có những bài vọng cổ và tân cổ giao duyên mà phải dùng những bài bản tổ như: Dạ cổ hoài lang, Trường tương tư, Phụng cầu hoàng... Cuối cùng việc cài cắm yếu tố cải lương cần vừa đủ để khán giả dễ cảm thụ, tránh rườm rà bi ai dễ bội thực, nhàm chán.

Là một đề tài giàu chất liệu, nhưng cải lương được đánh giá là khó khai thác khi đưa vào phim vì thế mỗi đạo diễn, khi bắt tay vào làm phim, đều trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng và có những cách thức riêng để điện ảnh hóa cải lương qua câu chuyện cũng như việc thực hiện các khâu phục trang, đạo cụ, bối cảnh… một cách hợp lý, thuyết phục.