“Lịch mỗi ngày: 5 giờ sáng dậy, đi ngủ khi... gà lên chuồng”
Mới đây, nhìn thấy bức ảnh nghệ sĩ Giang Còi quần cộc, áo ba lỗ đang xây tường; khán giả không khỏi bất ngờ. Vốn biết anh tự trồng rau, nuôi gà, nuôi chim nhưng không nghĩ anh còn kiêm cả... thợ xây nữa?
Thời gian qua, vì dịch Covid-19, hoạt động nghệ thuật, diễn xuất tạm dừng; tôi có thời gian sống chậm lại. Mấy hôm trời mưa, tôi không tưới cây nhưng rửa cây cho sạch. Rồi cái tường rào, từ ngày tôi về vùng ngoại thành Hà Nội này xây nhà cửa đến nay cũng 17-18 năm rồi. Đợt nọ, cái tường bị đổ. Đang thời gian cách ly, khu vực Mê Linh tình hình cũng khá căng thẳng, tôi không nhờ được thợ nên đành tự xây vậy.
Tôi đi mua xi măng, gạch... ở đầu làng, về thì con gái trộn hồ, bố thì xây. Túc tắc, cũng xây xong. Trước, tôi dọn về đây cũng thuê người đến xây, rồi trong quá trình phụ người ta, mình cũng nhúc nhắc biết cầm thước, cầm dây. Ngoài bức tường rào, chuồng lợn, chuồng gà, bồn trồng cây cũng một tay tôi xây đấy (Cười).
Trong thời gian ở nhà cách ly xã hội, nghệ sĩ Giang Còi tự xây tường rào bị đổ. (Ảnh NVCC)
Anh nói, trong thời gian ở nhà phòng tránh dịch Covid-19, bản thân có thời gian sống chậm. Vậy một ngày của anh diễn ra như thế nào?
Sáng, tôi dậy từ 4h30- 5h. Việc đầu tiên là thả đàn chó cho chúng đi vệ sinh. Rồi tôi đi một vòng quanh vườn nhà, ngó nghiêng cây cối, ao cá xem công việc để làm. Trước đây, khi nhà có hai giúp việc, tôi thường ghi ra giấy các công việc cần làm trước làm sau trong ngày để họ cứ thế mà làm theo. Sau này, giúp việc đòi lương cao quá, rồi dịch bệnh, họ cũng về quê. Mọi việc trong nhà, giờ tôi quán xuyến làm cả. Tôi cứ ghi việc lên bảng, làm được việc nào thì lại gạch đi.
Sau khi đi một vòng, tôi về nhà ăn sáng con gái nấu. Rồi lại ra vườn, chuồng trại xem chỗ nào cần sửa chữa gì không.
Tôi từng nuôi đàn lợn, cứ thả rông cả ngày. Cứ đem chậu cám đổ ra bãi cỏ rậm, đàn lợn ăn cám gặm sạch, đỡ phải làm cỏ. Đàn chim bồ câu của nhà cũng phải hơn 100 con rồi. Trước, tôi nuôi nhiều chim cảnh. Sau này, tôi thả hết. Nhà vườn rộng, chim bay đến làm tổ, hót véo von cả ngày. Nghe chim sống ngoài tự nhiên hót vẫn vui hơn.
Khác với nhiều người hay ngủ muộn, cứ “gà lên chuồng” là tôi lên giường ngủ cho khỏe. (Cười lớn)
Dịch bệnh kéo dài, lĩnh vực biểu diễn ngừng trệ, không ít nghệ sĩ than thở không có show, kinh tế bị ảnh hưởng; cũng không ít nghệ sĩ lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Còn anh thì sao?
Mọi năm, sau Tết chỉ riêng đi các hội làng, biểu diễn cũng “thu hoạch” kha khá, khoảng vài trăm triệu đồng. Năm nay, từ sau Tết đến giờ, hầu như tôi không có thu nhập .Ở nhà mùa dịch, chỉ tăng cân và... giảm túi tiền. Thu nhập của mình ngày càng hạn hẹp, mà lương giúp việc ngày càng cao lên, không kham được, tôi cho nghỉ. Giờ tôi làm cả việc của “ô sin”.
Ở căn nhà vườn ngoại thành, anh tự trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm như một nông dân thứ thiệt.
“Không đóng quảng cáo, nhận nhiều con nuôi...”
Anh nghĩ sao khi nhiều người gọi Giang Còi là “tỷ phú đất” khi sở hữu nhà vườn rộng 10.000m2 ngập cây trái?
(Cười) Mọi người cứ nói vui thôi. Tôi mua mảnh đất đầu tiên từ năm 94, thời điểm đó giá trị bằng chiếc xe 81 thôi. Sau đó, tôi về ở thì mua cơi nới thêm.
Tôi không giàu vì làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, cũng không tìm mọi cách, hay cố chạy show để kiếm tiền. Tôi chọn chương trình để diễn, cũng như không bao giờ đóng quảng cáo.
Nếu nói về giàu có lẽ tôi là người giàu tình cảm, đông con. Chưa bao giờ tôi muốn ăn một mình. Có món gì ngon, tôi cũng muốn làm thiết đãi bạn bè. Thường, tôi hay gọi bạn bè sang nhà cùng thưởng thức. Bà con cả làng, cả huyện đều biết nhà tôi, và thường xuyên ghé chơi.
Vì các con, nghệ sĩ Giang Còi ít tham gia các tiểu phẩm hài nhiều như trước. Anh giờ còn đảm nhận vai trò đạo diễn, sống chỉn chu, lặng lẽ hơn...
Nam diễn viên hài (ở giữa) và hai người con trai lớn, nay đã lập gia đình.
Công việc của người nghệ sĩ tự do vốn bấp bênh, anh lại là người có quy tắc riêng. Vậy ở tuổi 60, trải qua không dưới hai đời vợ, cảnh gà trống nuôi đàn con thơ đối với anh có lẽ không đơn giản?
Thực ra, không ai muốn đổ vỡ nhiều trong hôn nhân. Tôi mong có cuộc sống êm đềm. Nhưng mỗi người một số phận, tình duyên khác nhau.
Tôi vẫn lo cho các con đầy đủ. Sau mỗi lần chuyện riêng không như mong muốn, các con đều ở lại với tôi. Có đứa mình đánh cũng... không đi.
Cũng có những đứa trẻ tôi vô tình gặp trong những chuyến đi làm từ thiện, có duyên thì tôi nhận nuôi từ ngày lớp 3, lớp 4 cho đến hết đại học. Tôi đơn giản chỉ nghĩ, thêm bát thêm đũa mà thôi, không có gì nặng nề.
Người ta cứ bảo sao, trên trang cá nhân nhiều người cứ gọi tôi là ba là vì thế!
Từ đời sống hôn nhân trắc trở của mình, anh có chia sẻ điều gì với hai người con trai đầu (đã lập gia đình) để các con có cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn?
Tôi có hai con trai với vợ đầu đã lập gia đình. Trong cuộc sống, vợ chồng “bát đũa có lúc xô” về đây mách tôi. Tôi trợn mắt, cấm tuyệt đối. Bởi tôi đã trải qua cuộc hôn nhân tan vỡ không phải một lần.
Tôi nói với các con rằng: “Các con hãy cộng lại những năm tháng ba có đủ vợ, con cái, gia đình êm ấm được bao năm trong cuộc đời, mà năm nay ba gần 60 tuổi rồi”.
Tôi nói thẳng, đừng có giẫm phải vết ba đã giẫm phải. Tôi sẽ từ mặt tất cả những đứa nào bỏ vợ, bỏ chồng.