Lã Bố hay còn gọi là Lữ Bố (160 - 199) tự Phụng Tiên, người đất Cửu Nguyên (Tinh Châu) là một danh tướng thời Tam quốc. Người đời biết đến Lã Bố chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Ông được đánh giá là một trong số những vị tướng dũng mãnh nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Lã Bố là một trong số mãnh tướng kiêu dũng số một thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 193, Tào Tháo nghi ngờ châu mục Từ Châu là Đào Khiêm giết cha mình, bèn mang quân đánh Từ Châu. Không giết được Đào Khiêm, Tào Tháo sát hại rất nhiều người dân vô tội ở Từ Châu.
Năm 194, Trần Cung thất vọng về Tào Tháo khi thấy ông tàn sát người dân, nên quyết định bỏ họ Tào. Gặp lúc Lã Bố chạy ở chỗ Viên Thiệu đến Duyện Châu, Trần Cung khuyên Trương Mạc rằng:
"Ngày nay hào kiệt đều nổi dậy, thiên hạ chia lìa, ngài nắm quân trong nghìn dặm, giữ đất bốn bề tranh chiếm, giương kiếm liếc nhìn cũng đủ làm chủ của người khác; vậy mà trái lại bị người ta ngăn ép, há chẳng hèn sao! Nay quân trong châu đánh miền đông, xứ ấy bỏ trống, Lã Bố là bậc tráng sĩ, thiện chiến không ai địch nổi, nếu đến đón hắn, cùng lĩnh Duyện Châu, đứng xem hình thế trong thiên hạ, đợi sự biến thông của thời thế, vậy cũng đủ tung hoành ở một thời vậy".
Trương Mạc nghe theo, cùng em là Trương Siêu và Tòng sự trung lang Hứa Dĩ, Vương Khải đồng lòng chống Tào Tháo. Gặp lúc Tào Tháo vừa sai Trần Cung đem binh đóng đồn ở Đông Quận; Cung bèn dẫn quân sang phía đông đón Lã Bố làm thứ sử Duyện Châu, giao cho 10 vạn quân đánh Tào Tháo.
Lã Bố lấy Bộc Dương làm bản doanh, mang quân chiếm các thành trì của Tào Tháo ở Duyện Châu. Chỉ còn 3 thành còn trung thành với Tào Tháo là Yên Thành, Đông A và Phạm, Lã Bố chưa đánh chiếm được.
Trần Cung lúc đầu theo Tào Tháo nhưng bất bình vì hành động sát hại người dân vô tội mà phản Tào Tháo theo Lã Bố.
Tào Tháo phải bỏ Từ Châu, mang quân về lấy lại Duyện Châu. Hạ Hầu Đôn theo Tào Tháo đi đánh Lã Bố, bị tên lạc bắn trúng, mù mất một mắt, từ đó quân sĩ gọi ông ta là manh Hạ Hầu (Hạ Hầu đui).
Lã Bố chiếm lấy Bộc Dương mà không đóng quân ra các nơi hiểm yếu như Kháng Phụ, Tế Ninh và bến đò Hoàng Hà. Tào Tháo cho rằng Lã Bố vô mưu, có ý coi thường, dẫn quân tấn công Bộc Dương.
Quân Tào Tháo phần đông là người Thanh Châu mới theo hàng, không địch nổi quân Lã Bố. Lã Bố theo kế của Trần Cung đánh tan quân Tào ở Bộc Dương. Đại quân Tào Tháo bị thua lớn, doanh trại bị đốt cháy, bản thân Tào bị bỏng cánh tay trái và suýt bị Lã Bố bắt sống. Trong bóng đêm, quân kỵ của Lã Bố đuổi đến nơi nhưng không biết mặt ông bèn hỏi Tào Tháo ở đâu, ông nhanh trí chỉ tay phía trước bảo rằng: “Người cưỡi ngựa vàng chỗ kia là Tào Tháo”.
Quân Lã Bố tiến lên phía trước truy đuổi, nhờ vậy Tào Tháo quay đầu chạy thoát nạn.
Tào Tháo nhờ nhanh trí nên đã thoát nạn.
Sau đó Lã Bố và Tào Tháo giữ nhau hơn 100 ngày ở Bộc Dương không đánh. Đến mùa thu năm 194, ở Duyện Châu có nạn châu chấu hại lúa, cả hai bên đều bị thiếu lương. Tào Tháo phải rút quân về Yên Thành, còn Lã Bố thu quân về Sơn Dương.
Mùa đông năm 194, Tào Tháo mang quân về Đông A. Trong tình thế khó khăn, ông định phục tùng Viên Thiệu theo lời dụ nhưng mưu sĩ Trình Dục khuyên can không nên nghe theo mà nên tự lập.
Trong Tam quốc diễn nghĩa sự kiện Tào Tháo gặp nguy cấp ở Bộc Dương được La Quán Trung mô tả tương đồng với sử liệu, tuy nhiên nhưng chiến sự lại diễn ra chủ yếu trong thành khi Lã Bố dùng mưu dụ Tào Tháo tiến vào.