Dân Việt

Nóng: Chiều nay một tiểu hành tinh lớn lao ngang qua Trái đất

Sputnik 29/04/2020 12:49 GMT+7
Tiểu hành tinh số 52768 (1998 OR2) có đường kính từ 1,8 đến 4 km sẽ tiếp cận Trái đất ở khoảng cách tối thiểu vào ngày 29/4 lúc 16h56 phút (theo giờ Hà Nội).

img

Các nhà thiên văn học lên kế hoạch theo dõi một tiểu hành tinh lớn bay ngang qua Trái đất tuy nó không gây nguy hiểm cho hành tinh chúng ta, ông Vladimir Shustov, giám đốc khoa học của Viện Thiên văn học trực thuộc Viện HLKH Nga cho biết.

Tiểu hành tinh số 52768 (1998 OR2) có đường kính từ 1,8 đến 4 km sẽ tiếp cận Trái đất ở khoảng cách tối thiểu vào ngày 29/4 lúc 16h56 phút (theo giờ Hà Nội). Khoảng cách giữa nó và Trái đất sẽ vào khoảng 6,29 triệu km, xa hơn 16 lần so với khoảng cách tới Mặt trăng. Tiểu hành tinh này chỉ được coi là có khả năng nguy cơ vì đường bay của nó cắt ngang qua quỹ đạo Trái đất.

"Mọi thiên thể bay đến gần đều đáng chú ý đối với khoa học, không cần phải quan sát nó từ khoảng cách hàng trăm triệu km, mà nó sẽ tới gần đây, dĩ nhiên sẽ có một chương trình quan sát cả bằng kính viễn vọng lẫn sóng vô tuyến", ông nói.

Theo ông Shustov, với sự trợ giúp của kính viễn vọng vô tuyến có thể xác định tốc độ di chuyển của tiểu hành tinh chính xác đến từng milimet trong từng giây, xây dựng được hình ảnh chính xác của nó và quan sát phía dưới bề mặt, nghiên cứu cấu trúc của nó.

"Những "quái vật" này đến từ đâu? Chúng bay từ vành đai tiểu hành tinh do hiện tượng gọi là sự cộng hưởng với Sao Mộc", nhà khoa học giải thích.

Ở đây nói đến “cú va chạm” lực hấp dẫn của Sao Mộc, khi quỹ đạo của hành tinh này và các tiểu hành tinh rơi vào vùng cộng hưởng. Nếu không phải do nhiễu lực hấp dẫn từ Sao Mộc, thì các tiểu hành tinh bay bên trong Hệ Mặt trời cũng sẽ không tồn tại nổi 10 triệu năm. Nhưng trong 2 tỷ năm qua, tốc độ "bắn phá" của chúng lên Mặt trăng, theo đánh giá của các nhà khoa học căn cứ vào các hố va chạm hình thành trên Mặt trăng, thực tế không thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể, ông Shustov nhận xét.

"Làm thế nào mà các thiên thể rơi vào vùng cộng hưởng? Khoa học đang nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi đang tìm hiểu và nghiên cứu", nhà khoa học nói."Tiểu hành tinh này cũng bay ra từ đó. Nó khá lớn - 4 km. Làm thế nào mà nó chuyển từ quỹ đạo tròn sang quỹ đạo dài là một đề tài rất thú vị đối với khoa học", ông Shustov cho biết.

Tuy nhiên, nhà khoa học lưu ý rằng tiểu hành tinh này không gây nguy hiểm gì cho Trái đất. “Đó là khoảng cách rất xa”, ông nói.