Theo nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường - nguyên Cục phó Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), chiều 28/4, Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức phiên họp Hội đồng Nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông – nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam và quyết định chọn phương án 1 làm biểu tượng.
Trước câu hỏi về việc các chuyên gia đưa ra ý kiến thay đổi về bố cục để khỏi trùng lặp với tượng vua Lý Thái Tổ đang được đặt tại Bờ Hồ, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cho biết: “Chiều 28/4, tại Hội đồng nghệ thuật, tôi cũng đã được nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia về bố cục phương án 1 của bức tượng vua Lý Thái Tông. Tất cả các ý kiến của các chuyên gia tôi đều lắng nghe và xem xét, trong đó ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, có thể bổ sung tạo hình chiếc giá treo chuông, là chiếc chuông vua Lý Thái Tông đã cho đúc để dân tới đánh kêu oan".
"Ý tưởng của nhà sử học Dương Trung Quốc rất hay, nhưng nếu bên cạnh bức tượng mà làm giá treo chuông thì sẽ dễ hiểu như ở chùa, vậy nên tôi nghĩ mình sẽ làm phù điêu gắn ở kệ bên dưới bức tượng. Cái kệ này cao 1,9m gồm 4 mặt, mặt chính sẽ khắc tên vua Lý Thái Tông, mặt trái sẽ là bức phù điêu của chiếc chuông, mặt phải sẽ là cán cân công lý. Đằng sau của bức tượng sẽ có một tấm biển đồng để có thể đưa thêm những dòng ghi chú lịch sử của bức tượng, để mọi người có thể hiểu hơn về bức tượng” nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường nói.
Theo nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, mỗi một loại hình nghệ thuật có một ngôn ngữ khác nhau, với loại hình điêu khắc sẽ mang tính khái quát không thể minh hoạ cho lịch sử. Điêu khắc chỉ có thể dựa vào lịch sử để làm tư liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật cho nên không thể đòi hỏi điêu khắc có thể truyền tải hết được lịch sử. Điêu khắc là một loại nghệ thuật mang tính hình khối, là thị giác, không thể sáng tạo giống như làm thơ, nhạc…
Nói về việc gặp khó khăn và áp lực khi nhận sáng tác phác thảo bức tượng vua Lý Thái Tông, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cho biết: “Áp lực nhất với tôi là dư luận. Tôi choáng trước dư luận, khi mọi người cứ nghĩ việc đúc bức tượng này là tiền của Nhà nước, là lấy tiền của Nhà nước nên mọi người phản đối. Nhưng thực tế không phải như vậy, bức tượng được đúc không quá lớn, chỉ với chiều cao 3m và lại không phải kinh phí của Nhà nước.
Về ý kiến cho rằng mẫu 1 tượng vua Lý Thái Tông có nhiều sự trùng lặp giống với tượng vua Lý Thái Tổ, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cho hay: “Trước hết vua Lý Thái Tổ và vua Lý Thái Tông cùng một triều đại nhà Lý, vua Lý Thái Tông lại là con của vua Lý Thái Tổ nên việc long bào, mũ Bình Thiên giống nhau là điều bình thường. Đời cha truyền quần áo cho đời con không có gì lạ.
Hơn nữa, tư liệu lịch sử của Việt Nam lâu nay không nhiều, với vua Lý Thái Tổ hay vua Lý Thái Tông, chỉ có 3 thứ rõ nét đó là mũ Bình Thiên, long bào có hình tượng con rồng. Tuy nhiên, nếu nói làm tượng vua Lý Thái Tông giống hệt vua Lý Thái Tổ thì không đúng, bởi cũng có sự khác nhau về khuôn mặt, cử chỉ. Với vua Lý Thái Tông gương mặt sẽ thể hiện sự nghiêm minh, đồng thời hành động một tay áp cuốn hình thư vào trái tim, tay kia giơ tay như đang xử án sẽ khác với vua Lý Thái Tổ".
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cho hay, người thiết kế tòa nhà Tòa án nhân dân Tối cao là kiến trúc sư người Đức, đã tư vấn cho ông nên làm bức tượng cao 8m để thể hiện sự uy quyền của pháp luật, để khi người dân bước vào sẽ cảm nhận được sự uy nghi, hoành tráng của bức tượng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Cường cho rằng điều đó không phù hợp với văn hoá Việt Nam, nên bức tượng sẽ thu nhỏ với độ cao chỉ còn 3m và thay vì được đặt tại khu vực Quảng trường Công lý tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mới (số 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội) như ban đầu thì bức tượng sẽ được đặt trong toà nhà.