Dân Việt

Cần nhiều hơn lời nói để ngăn cản Trung Quốc trên Biển Đông

Vĩnh Nguyên 01/05/2020 06:33 GMT+7
Các chuyên gia Mỹ cho rằng mục tiêu của Trung Quốc trong việc kiểm soát Biển Đông luôn không thay đổi từ trước tới nay, và hành động của họ không thay đổi dù có dịch Covid-19 hay không. Các chuyên gia cho rằng cần tập hợp các nước trong và ngoài khu vực, và phải có hành động mạnh mẽ hơn là các tuyên bố mới có thể ngăn cản tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Trung Quốc sẵn sàng sử dụng bạo lực trên Biển Đông

Nhắc đến vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên Biển Đông đầu tháng Tư vừa qua, nhà phân tích quốc phòng cao cấp Derek Grossman của tập đoàn tư vấn chính sách toàn cầu RAND có trụ sở tại Santa Monica, bang California, Mỹ, cho rằng, đó chỉ là hành động mới nhất trong hàng loạt sự cố rất đáng tiếc mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của Dân Việt qua email, ông cho rằng, vụ đâm chìm tàu đó “nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẵn sàng sử dụng bạo lực để đảm bảo các yêu sách Biển Đông của họ”.

img

Hình ảnh tàu cá QNg 90819TS chìm tại Hoàng Sa được các ngư dân dùng điện thoại ghi lại - Ảnh cắt từ video của ngư dân.  

Lúc 3h sáng ngày 2/4, khi một tàu cá Quảng Ngãi đang hoạt động bình thường trên vùng biển Trường Sa thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Hôm sau Trung Quốc uy hiếp 2 tàu cá Quảng Ngãi khác đến ứng cứu và lai dắt về đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đang kiểm soát, rồi chiều tối cùng ngày mới thả hai tàu này và 8 ngư dân của tàu chìm cho về.

“Tôi hy vọng có giới hạn trong sự hung hăng của Trung Quốc nhưng khó mà nói chắc được” – ông Grossman nhận xét. “Trong quá khứ, Trung Quốc không e ngại khơi mào bạo lực bằng cách đâm các tàu yếu hơn”. Tuy nhiên,  ông cho rằng, gần đây Hải quân Trung Quốc đã tránh can thiệp vào những vụ đối đầu và đó là một dấu hiệu tốt.

Thành lập quận hành chính không có giá trị mở rộng chủ quyền của Trung Quốc

Về việc Trung Quốc tuyên bố thành lập hai quận hành chính để “kiểm soát” Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, mà họ gọi là Nam Sa và Tây Sa, nhà phân tích đầy kinh nghiệm từ Mỹ nhắc lại rằng đó là kế hoạch mà lãnh đạo Trung Quốc đề ra từ 2007, nhưng có vẻ họ đã trì hoãn cho đến khi nào họ cảm thấy thời gian thích hợp. Ông cho rằng, “hành động này chỉ có tính biểu tượng”. Theo ông, quan trọng nhất là “tuyên bố này không mở rộng chủ quyền của Trung Quốc ở bất kỳ đâu”, “không thay đổi bất kỳ hiện trạng nào trên Biển Đông”.

Những hành động hung hăng nói trên của Trung Quốc, cùng một loạt động thái khác trên Biển Đông như đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 08 vào vùng biển của Việt Nam và Malaysia diễn ra trong lúc thế giới đang  tập trung nguồn lực chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên bà Bonnie Glaser, chuyên gia người Mỹ, Giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Washington D.C. cho rằng, chúng diễn ra không phải nhân lúc đại dịch.  

“Những mục tiêu của Trung Quốc là nhất quán. Những mục tiêu đó không thay đổi do hậu quả của đại dịch Covid-19” – bà Glaser trả lời phóng viên Dân Việt.  Bà chỉ rõ âm mưu của Trung Quốc: “Bắc Kinh tìm cách kiểm soát Biển Đông nhiều nhất có thể. Người Trung Quốc phản đối bất cứ bên yêu sách chủ quyền nào đơn phương khoan giếng dầu mới. Họ đòi hỏi phải phát triển dầu khí chung với các công ty nhà nước Trung Quốc”. Bà Glaser cho rằng, các chiến thuật gây áp lực của Trung Quốc với Malaysia trong vài tháng vừa qua trong lúc đại dịch diễn ra, cũng tương tự những chiến thuật mà Trung Quốc đã sử dụng với Việt Nam năm ngoái, khi mà chưa có dịch Covid-19.

Nhà phân tích Grossman cũng không đồng ý với các đánh giá cho rằng Trung Quốc lợi dụng đại dịch và các nước đang xao lãng để họ chiếm ưu thế so với các bên tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông. “Từ nhiều năm trước khi có dịch, Trung Quốc đã chèn ép cũng chính các nước này, bao gồm cả Việt Nam, Philippines, Malaysia (cả Indonesia nữa cho dù nước này không phải bên yêu sách chủ quyền chính thức)” – ông nói. “Nói cách khác, không có gì thực sự thay đổi”. Ông cảnh báo những khả năng có thể diễn ra trên Biển Đông:  “Cho đến lúc nào chúng ta quan sát thấy những gì đó khác hoàn toàn, như là tuyên bố thành lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông (ADIZ), hoặc việc đặt thường xuyên máy bay chiến đấu trên các căn cứ ở Trường Sa thì đó mới là khác biệt”.

Các cường quốc nên diễn tập và tuần tra chung

Cho đến lúc này, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Nhật, Đại sứ EU tại ASEAN đều đã lên án những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong tuyên bố hôm 22/4, khẳng định: “Trung Quốc đang gây sức ép quân sự và cưỡng chế các nước láng giềng trên Biển Đông, thậm chí còn đi xa tới mức đánh chìm tàu cá Việt Nam”. Ông Pompeo nói, “Mỹ phản đối mạnh mẽ sự chèn ép của Trung Quốc và hy vọng các nước khác yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ trách nhiệm của mình”.

Tiếng nói của các nước khác, mà Ngoại trưởng Pompeo nhắc đến, cũng là điều mà các chuyên gia cho rằng sẽ hiệu quả và cần thiết trong lúc này. Chuyên gia Derek Grossman đánh giá, thông điệp từ các nước trong và ngoài khu vực “lần này mạnh mẽ khác thường”.  Để ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc, bà Bonnie Glaser từ CSIS khuyến cáo: “Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philipines và nhiều quốc gia khác bị Trung Quốc chèn ép nên hợp tác cùng nhau để chống lại và phản đối sự đe dọa của Trung Quốc”. Bà cũng cho rằng đồng thời cần tìm kiếm sự hỗ trợ của các cường quốc ngoài Đông Nam Á như Mỹ, Nhật Bản hay Australia.

Phân tích cụ thể hơn, chuyên gia Grossman khẳng định: “Chúng ta cần nhiều hơn lời nói để ngăn cản Trung Quốc trên Biển Đông”. Ông cho rằng phải có “hành động phối hợp của các cường quốc có cùng chính kiến, bao gồm ít nhất là Mỹ, Australia, Nhật Bản, để thuyết phục Trung Quốc lùi lại”.

Ông đề xuất: “Ba nước này có thể tiến hành tuần tra chung hoặc diễn tập chung. Sẽ tốt hơn nếu Ấn Độ cùng ASEAN quyết định tham gia vào các hoạt động kiểu này. Thêm nữa, các cường quốc Châu Âu, cụ thể là Anh, Pháp, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc can dự nhiều hơn vào Biển Đông”.