Những vụ cướp có vũ khí, nhất là mục tiêu nhằm vào các tổ chức tín dụng từ trước đến nay chưa khi nào là “bài toán” dễ dàng cho bất cứ lực lượng truy bắt nào. Tuy nhiên, dù có lọc lõi, gian manh và dường như “vô hình”, thì đối tượng gây án cũng sớm bị khuất phục, bắt giữ, bởi ý chí, quyết tâm và bản lĩnh của Công an Hà Nội, và thương hiệu “số 7 Thiền Quang”.
Toan tính lạnh lùng của kẻ 2 năm trốn truy nã
Để có được những giây phút “mừng công” vào chiều 29/4 vừa qua, hàng trăm cán bộ chiến sỹ ở nhiều đơn vị khác nhau, trong đó chủ công là Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội đã phải xuyên đêm, “ăn bờ, ngủ bụi” nhiều ngày đêm.
Tôi nhớ chia sẻ của đại tá Nguyễn Bình - Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, được đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội dặn kỹ với lực lượng truy bắt đối tượng gây án: “Bắt giữ đối tượng nhanh nhất, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân, lực lượng làm nhiệm vụ”.
Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội cùng Đại tá Nguyễn Bình trực tiếp hỏi cung đối tượng tại hồ Đại Lải.
Cần phải lược lại một số tình tiết của vụ án để thấy rằng tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng cũng như sự gian manh, lọc lõi, cáo già của đối tượng gây án, như: bịt mặt, sử dụng súng, bắn nhiều phát vào lực lượng truy đuổi, rồi tẩu thoát rất nhanh. Đặc biệt, trong bối cảnh Thủ đô và cả nước đang gồng mình chống dịch, vụ án đã gây hoang mang lo lắng lớn trong nhân dân, và hệ thống những cơ sở tín dụng.
“Sự lọc lõi, tinh ranh và manh động của đối tượng được thể hiện ở ngay từ trong mục tiêu mà đối tượng chọn để gây án”- chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự kể lại. Đánh giá của vị “thuyền trưởng” ngôi nhà số 7 Thiền Quang rất chính xác, bởi thời điểm xảy ra vụ án, cả nước đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Khi người dân ở nhà thì mục tiêu của đối tượng cần tiền sẽ được chuyển hướng sang những cơ sở kinh doanh tín dụng, ngân hàng.
Nhưng nếu như đối tượng gây án ở trong các quận nội đô, cơ hội cho việc tẩu thoát sẽ gần như bằng không. Việc lựa chọn ngân hàng nằm trên địa bàn Sóc Sơn, nơi giáp ranh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang…được xem là bước lên kế hoạch đầu tiên đầy tính toán của đối tượng.
Đối tượng Trần Hữu Trung (đội mũ đen) khai nhận nơi cất giấu khẩu súng gây án.
Trước khi bịt mặt, ập vào ngân hàng và dùng súng để cướp tài sản, Trần Hữu Trung (SN 1991, HKTT tại tổ 33, khu 5, phường Trưng Vương, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã chuẩn bị rất kỹ những chi tiết cần thiết cho hành trình xóa vết, trốn chạy.
Đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang kín mặt, và Trung còn không quên nhét thêm mấy bộ quần áo dự phòng vào chiếc túi cầm theo. Là đối tượng đang trốn truy nã từ năm 2016, Trung đủ lọc lõi để hiểu rằng, bản án mà y sẽ phải chịu nếu như bị bắt. Bởi vậy, “cướp được tiền và không để bị bắt” là toan tính mà đối tượng đặt ra.
Không giống như những đối tượng “cướp non” khác, cứ thấy mục tiêu là nhắm mắt lao vào, Trung thay biển số xe máy và tăm tia rất kỹ. Khi cảm thấy hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi như đường vắng, nhân viên đang tập trung lo công việc… đối tượng lững thững vào ngân hàng với dáng vẻ của một người “có tiền”.
Sau khi vờ ra ngoài lấy chứng minh nhân dân rồi trở vào khu vực làm thủ tục, đối tượng lạnh lùng yêu cầu nhân viên ngân hàng phải đưa số tiền 900 triệu đồng. Khi gặp sự phản kháng, gã lạnh lùng nổ 2 phát súng thị uy, và ngăn cản ý định truy đuổi của nhân viên bảo vệ.
Lần từng lá cây, rà kỹ “biển hồ” để vạch trần tội lỗi
Có một chi tiết mà lực lượng phá án kể với chúng tôi, đó là sự chuẩn bị của đối tượng Trần Hữu Trung gần như… không thừa bất cứ điều gì, để phục vụ cho quá trình gây án, trốn chạy cơ quan công an. Hai BKS xe máy được thay đổi liên tục để tránh bị lực lượng truy bắt phát hiện. Và khi thấy lực lượng truy bắt gắt gao, đối tượng chui xuống cống ở một khu công nghiệp, nằm im dưới đó và thay quần áo.
Ngay cả chiếc khẩu trang đeo khi gây án cũng được đối tượng thay, trên đường trốn chạy. Sau khi chui lên từ dưới cống, Trung đã có diện mạo hoàn toàn khác so với những hình ảnh mà camera hay nhân chứng giáp mặt ghi nhận trong thời điểm cướp ở ngân hàng.
Nếu không “soi” thật kỹ thì chắc bất kỳ ai cũng chẳng thể nào nhận diện được nam thanh niên với dáng vẻ nom “thư sinh” ấy lại là tên tội phạm vừa dùng súng cướp ngân hàng đang lẩn trốn.
Trước cái uy của cơ quan thực thi pháp luật cũng như những chứng cứ không thể chối cãi, đối tượng Trung đã phải thành khẩn khai báo nơi cất giấu khẩu súng.
Quãng thời gian trốn truy nã khá dài nên đối tượng thừa độ quái để biết phải làm những việc gì lúc đó để có thể thoát khỏi vòng vây mà lực lượng chức năng giăng ra. Như một con cáo gian manh, Trung liên tục di chuyển qua nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian ngắn, là Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Trong những lần di chuyển này, đối tượng đều được sự hỗ trợ, giúp sức của những kẻ có nhân thân phức tạp. Sự giúp sức đó khiến việc rà, nắm di biến động của đối tượng hết sức khó khăn. Ngay cả người yêu của Trung, dù sống như vợ chồng trong thời gian dài cũng không biết được tên tuổi, địa chỉ quê quán thật của đối tượng. “Một con sói sám vô hình đúng nghĩa”, trinh sát hình sự Công an Hà Nội nhận xét về đối tượng.
Nhưng, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Dù lọc lõi, gian manh và lạnh lùng, tính toán kỹ đến đâu, thì dưới con mắt nghiệp vụ sắc sảo, kinh nghiệm đầy mình “đấu” với những tên tội phạm hình sự sừng sỏ nhất trong nhiều năm qua của Cảnh sát hình sự Hà Nội, đặc biệt sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban giám đốc Công an thành phố, Trần Hữu Trung vẫn để lộ những “yếu huyệt” chết người.
Nhận được sự hỗ trợ trách nhiệm của Cục CSHS, lực lượng CSHS Công an các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng… gần như toàn bộ đường rút chạy của kẻ cướp ngân hàng đều bị chặn đứng. Ý đồ vượt biên của Trần Hữu Trung cũng bị Ban chuyên án dập tắt, bởi những trinh sát ngày đêm luồn rừng, ẩn mình mật phục ở các điểm mòn, lối mở giáp biên.
Các thiết bị nghiệp vụ hiện đại được CATP Hà Nội huy động để tham gia xác định vị trí nơi cất giấu khẩu súng của đối tượng.
Ở hướng Nam, toàn bộ cửa ngõ ra vào với Hà Nội đi các tỉnh phía Nam cũng bị chốt chặn. Cùng với những đối tượng giúp sức dần lộ diện và bị bắt giữ, vòng vây ngày càng siết chặt, buộc Trần Hữu Trung phải nhận ra khoảng đất an toàn dưới chân gã nhanh chóng bị thu hẹp. Khi vòng vây mỗi lúc một thít lại, “con sói xám” đó không còn cách nào khác là phải ra đầu thú.
Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó! Ra đầu thú song với bản chất của một tên tội phạm lọc lõi, gan lỳ, mưu mẹo, những lời khai ban đầu của đối tượng lại hết sức nhỏ giọt nhằm đổ lỗi cho khách quan, cho những người khác nhằm giảm nhẹ tội danh.
Cùng với việc chỉ đạo bộ phận làm hồ sơ tập trung củng cố tài liệu, sáng sớm ngày chủ Nhật 26/4, trực tiếp đại tá Nguyễn Thanh Tùng dẫn đầu tổ công tác Phòng Cảnh sát hình sự đã “ốp” đối tượng Trần Hữu Trung từ “ngôi nhà số 7” lên hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc) để tìm, thu giữ khẩu súng mà đối tượng sử dụng để gây án.
Với sự chỉ đạo trực tiếp của đại tá Nguyễn Thanh Tùng và sự hỗ trợ giúp đỡ của các đơn vị, lực lượng từ Bộ đến Công an các tỉnh, thành, chỉ sau vài ngày vụ án xảy ra, đối tượng gây án đã bị xử lý, thu giữ toàn bộ những tang vật có liên quan.
“Bằng mọi giá phải thu được khẩu súng gây án của đối tượng”- đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc giao mệnh lệnh đó với chúng tôi. Chỉ đạo này của đồng chí Phó giám đốc hoàn toàn dễ hiểu, bởi tính chất vật chứng quan trọng, và đặc biệt nếu không thu giữ được khẩu súng đó, để “lạc” ra ngoài thì nguy cơ về án mạng, về cướp bóc từ đây vẫn còn tiềm ẩn.
Việc thu giữ khẩu súng sẽ “triệt nguồn” tội phạm nảy sinh. “Đánh rắn phải đánh dập đầu, khẩu súng gây án của đối tượng phải được tìm thấy và thu giữ”- đại tá Nguyễn Bình nói với chúng tôi.
Từng ngọn cây, bụi cỏ trên đường trốn chạy của đối tượng cũng như bao la mặt hồ được lực lượng truy tìm rà kỹ, không sót chỗ nào. Tôi nhớ ngay tại bờ hồ Đại Lải, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã trực tiếp hỏi cung đối tượng. Những lập luận sắc bén, chứng cứ rõ ràng và cái uy của lực lượng thực thi pháp luật đã bẻ gãy ý chí phản kháng, buộc Trần Hữu Trung cuối cùng phải thành khẩn khai báo nơi cất giấu khẩu súng sau khi gây án...