Sự “thờ ơ” trước vẻ hào nhoáng của Thai-League
Đã từ rất lâu, Thai-League là giải bóng đá đi tiên phong về tính chuyên nghiệp tại Đông Nam Á. Giải VĐQG Thái Lan đã có những bước tiến về hình ảnh, chất lượng chuyên môn hướng để tiến gần hơn các nền bóng đá phát triển đi trước ở châu Á nói riêng và thế giới nói chung.
Với sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, LĐBĐ Thái Lan đã quyết định mang tính cách mạng khi thay đổi lịch thi đấu lên tháng 9 hằng năm và kết thúc vào tháng 5 ở năm kế cận. Giống như thời gian tổ chức của các giải bóng đá ở châu Âu đang áp dụng. Một sự chuyển biến được người Thái giải thích là để phù hợp hơn với đặc thù khí hậu nhiệt đới tại Thái Lan.
Thống kê số lượng khán giả đến sân tại Thai-League 2019
Xét về tính chuyên nghiệp trong cách thức tổ chức, và xây dựng hình ảnh thì rõ ràng Thai-League xứng đáng là lá cờ đầu của Đông Nam Á. Tuy nhiên, người Thái làm được vậy chính là nhờ vào việc họ đang có nền tảng nền kinh tế vững mạnh. Điều này có vẻ đang trái ngược với bóng đá Việt Nam. Nếu bóng đá phản ánh một phần xã hội thì quả thật là khó khăn nếu chúng ta cứ cố ép chạy theo Thai-League.
Mặc dù vậy, có một điều mà bóng đá Việt Nam có quyền tự hào hơn so với Thái Lan. Đó chính là tình yêu bóng đá của người hâm mộ. Hay nói cách khác, dù người Thái có làm cho Thai-League trở nên lung linh hơn thì cũng không thể so với Việt Nam về số người quan tâm đến môn thể thao vua.
Cứ lấy con số thống kê về lượng khán giả đến sân theo dõi giữa Thai-League và V.League sẽ thấy sự chưa hiệu quả của giải bóng đá số 1 Thái Lan.
Thống kê số lượng khán giả đến sân của V.League 2019
Tại mùa giải 2019, trung bình mỗi trận đấu ở Thai-League chưa đạt 5000 người/trận, chính xác là 4.450 người/trận (Theo Transfermark). Con số này nếu so với V.League thì còn kém xa, giải đấu có trung bình 8.000 người đến sân mỗi trận. Thống kê của chuyên trang về thống kê bóng đá thế giới đã chỉ rõ con số 30.000 - 40.000 khán giải Thái đến sân mỗi trận mà một số tờ báo đưa ra là không hề chính xác, thậm chí là thổi phồng quá mức.
Số lượng CĐV đến sân mỗi trận ở Thai-League lại càng không thể so với các giải ở Malaysia và Indonesia, những quốc gia có lượng CĐV cuồng nhiệt số 1 Đông Nam Á.
Số tiền bản quyền truyền hình lớn không mang lại lợi ích cho các đội bóng Thái Lan
Mô hình tổ chức càng chuyên nghiệp thì yếu tố bản quyền truyền hình của Thai-League càng có giá trị. Trong nhiều năm qua, True Vision và Siam Sport chính là hai gã khổng lồ thay nhau thao túng bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan.
Tuy nhiên, kể từ khi nền tảng phát sóng trực tuyến trên Internet là Mycujco xuất hiện. Họ đã nhanh chóng khẳng định được thế đứng, khởi đầu cho cuộc chen chân của những bên thứ ba, nhằm phá vỡ câu chuyện vốn dĩ chỉ của riêng Siam Sport và True Vision
Gã khổng lồ DAZN có trụ sở tại London (Anh) sẵn sàng chơi lớn với True Vision và Siam Sport với đề nghị 2 tỷ baht/mùa dành cho gói bản quyền truyền hình kéo dài từ năm 2021-2028. Thậm chí, với quy mô gói bản quyền mở rộng bao trùm cả giải hạng Ba, hạng Tư, các trận đấu thuộc giải futsal thì với số tiền lên đến 16 tỷ baht, DAZN đang hướng đến quyết định độc quyền phát sóng các giải đấu quan trọng nhất của bóng đá xứ chùa vàng.
Hơn phân nửa đội bóng tại Thai-League thua lỗ dù bản quyền truyền hình được đẩy giá rất cao
Áp lực từ DAZN chắc chắn sẽ khiến cho True Vision cảm thấy khó chịu. Họ buộc thay đổi và bắt đấu tính đến những đề nghị mới đủ sức cạnh tranh với DAZN. Điều này vô tình đã gây thuận lợi cho các đội bóng ở Thai League, bởi bản quyền truyền hình tăng có nghĩa là thu nhập của các đội bóng cũng đươc tăng cao lên. Nhưng điều họ phải đánh đổi đó là buộc phải chi ra một khoản kinh phí để cải thiện cơ sở vật chất, truyền thông, đào tạo và đặc biệt là quỹ lương cho các thành viên.
Ông Huỳnh Trí Thiện - Tiến sĩ Quản lý thể thao về bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam và Thái Lan tiết lộ với Báo Bóng Đá, đa phần các CLB Thái Lan hiện không có lãi như người ta nhìn bề ngoài. Việc phải bỏ ra một quỹ lương rất lớn cho các ngôi sao nội và những ngoại binh chất lượng cao đến từ châu Âu, Brazil và ngay cả là các tuyển thủ quốc gia đang chơi ở các đội tuyển thuộc Đông Nam Á khiến nguồn chi cũng gần như ngang ngửa so với nguồn thu.
Thai-League là giải đấu mang màu sắc chuyên nghiệp số 1 tại Đông Nam Á là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên trong vẻ hào nhoáng đó của Thai-League là những thách thức mà những người làm bóng đá Thái khó lòng thay đổi một sớm một chiều.
Nên nhớ, bóng đá không khán giả là bóng đá chết. Vẻ “hào nhoáng” bề ngoài của Thai-League liệu có tồn tại được mãi nếu người hâm mộ tiếp tục thờ ơ? Các CLB tham dự phải gồng gánh, đánh bóng hình ảnh cho giải đấu đến bao giờ trong khi nguồn thu của họ cho đến nay vẫn chưa tương xứng với hình ảnh đẹp của giải đấu?