Dân Việt

Cựu thù trong "chiến tranh Việt Nam" - đối tác trong cuộc chiến Covid-19

Mỹ Hằng 03/05/2020 10:04 GMT+7
Dịp này khác với mọi năm, báo chí Mỹ nhắc tới cuộc chiến mà người Mỹ gọi là “chiến tranh Việt Nam” một cách khá đặc biệt.

Năm nay, "chiến tranh Việt Nam" được nhắc đến lại gắn liền với đại dịch Covid-19, khi mà báo chí thế giới, đúng dịp kỷ niệm này, hôm 28.4, ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ là khoảng 58.365 nghìn người, và so sánh con số đó đã vượt xa số quân nhân Mỹ tử trận trong cuộc chiến kết thúc 45 năm trước - 58.209 người. Chỉ 2 ngày sau đó, số người tử vong ở Mỹ vượt quá 60.000 người, báo chí lại so sánh con số đó vượt qua số lính Mỹ chết và mất tích ở Việt Nam (khoảng 60000 người). Quan hệ Việt - Mỹ, một lần nữa, lại được nhắc đến đầy biểu tượng.

Những con số  làm tôi nhớ tới Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, hay Bức tường Chiến tranh Việt Nam tại thủ đô Washington D.C., trên đó ghi tên hơn 58.000 lính Mỹ tử trận. Năm 2004, trong chuyến đi công tác đầu tiên đến Mỹ, tôi phải tìm tới ngay địa danh nổi tiếng ấy. Đó là một chiều mưa ảm đạm, một ngày bình thường, nhưng ở bức tường vẫn thấy rải rác những bó hoa, một vài kỷ vật. Suốt nhiều năm, kể từ khi bức tường được khánh thành năm 1982, chưa bao giờ dưới chân bức tường thiếu hoa, các bức ảnh, các kỷ vật mà người Mỹ mang tới để tưởng nhớ người thân của họ đã chết trong chiến tranh Việt Nam. Cả một bảo tàng kỷ vật từ Bức tường Chiến tranh đã được thành lập. 

Hồi đó, nhìn Bức tường Chiến tranh bằng đá hoa cương đen bóng, dài hàng chục mét, khắc chi chít những cái tên, tôi thật sự bàng hoàng. Cả một cuộc chiến 20 năm đầy những đạn bom, tang thương, nơi hàng triệu người Việt hy sinh, nước Mỹ mất đi hàng chục nghìn sinh mạng, giờ được họ tưởng niệm thật giản dị. Cũng lặng lẽ như nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở Việt Nam. Nhưng đằng sau sự giản dị đó là những vết thương tưởng không gì chữa lành với nước Mỹ. Cuộc chiến Việt Nam đã khoét sâu vào ký ức người Mỹ, gây ra hội chứng chiến tranh ở những cựu chiến binh, làm tổn thương, chia rẽ nước Mỹ đến hàng chục năm sau. Khi Bill Clinton ra tranh cử tổng thống năm 1992, người ta vẫn khoét sâu việc ông từng trốn đăng lính để tham chiến ở Việt Nam.

Tôi gặp ở Bức tường Chiến tranh một cựu chiến binh Mỹ thuộc tổ chức Veterans for Peace - Cựu Chiến binh vì Hòa bình. Chúng tôi nói chuyện với nhau vài câu và chính ông nói cho tôi biết về bảo tàng bộ sưu tập kỷ vật Bức tường Chiến tranh ấy, mà giờ ông làm việc ở đó. Tôi nhìn trên bức tường đá đen loang loáng nước mưa. Đằng sau những cái tên khắc trên đá là bóng chúng tôi đứng đó, người cựu chiến binh cao lớn từ cuộc chiến tranh, và tôi, một người lớn lên không biết mùi bom đạn. Chúng tôi mỗi người chỉ là những hạt cát nhỏ xíu ở đất nước mình, nhưng vào lúc đó, tôi thấy tôi và người cựu chiến binh đó, là sự đối lập của hai thế hệ, hai đất nước, nhưng thật kỳ lạ, chúng tôi đã gặp nhau ở đài tưởng niệm đó và cùng nghĩ về cuộc chiến đã đi qua.

Quan hệ Việt - Mỹ đã thay đổi rất nhiều kể từ cuộc chiến tranh, để tôi có thể đến nước Mỹ, và để người cựu chiến binh đó có thể đứng nói chuyện với tôi về ký ức chiến tranh mà không bị ký ức đó dằn vặt. Thật ra chúng tôi không có nhiều thời gian nói chuyện, nhưng trong công việc của mình, tôi đã gặp nhiều cựu chiến binh, đã nghe nhiều người kể rằng họ từng bị ám ảnh tiếng bom rơi, đạn nổ, ám ảnh mùi máu và thuốc súng trong giấc ngủ đến hàng chục năm sau, đến khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, khi họ quay trở lại đất nước tưởng như toàn ký ức cay đắng, và chỉ khi thấy một Việt Nam thay đổi, phát triển, họ mới tìm thấy sự hòa giải với chính quá khứ của mình, tìm thấy sự bình yên.

img

Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam tháng 7/1995. Đứng sau ông là hai Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain - những người đi đầu thúc đẩy bình thường hóa quan hệ.

Đi đầu trong cuộc hòa giải với Việt Nam, không phải là Tổng thống George Bush cha -  người ký quyết định bình thường hóa năm 1991, và Bill Clinton – người thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Mà chính là những cựu chiến binh Mỹ. Chính những người từng cầm súng ở chiến trường Việt Nam năm xưa đã là người đi đầu hưởng ứng những nỗ lực ngoại giao tế nhị của Việt Nam từ khi cuộc chiến kết thúc mới được vài năm để bình thường hóa với cựu thù, cho dù, dễ hiểu, những nỗ lực đó cũng chia rẽ và gặp phải sự phản đối mạnh mẽ ngay trong nội bộ Việt Nam.  

Nếu không có những cựu chiến binh Mỹ can đảm ấy, mà nổi bật là bộ đôi Thượng nghị sĩ John Kerry - John McCain, thì hẳn tiến trình bình thường hóa sẽ kéo dài hơn nhiều. Đường lối đối ngoại của Việt Nam sau đổi mới : “Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, cùng phương châm trong quan hệ với Mỹ: “Vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai” đã đặt nền móng để Việt Nam chìa bàn tay hữu nghị, và phía Mỹ hưởng ứng, để tạo thành cái bắt tay bền chặt lúc này, sau 25 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm kết thúc chiến tranh và Việt Nam thống nhất đất nước.

Những cựu chiến binh Mỹ đã góp phần rất lớn vào nhịp cầu hòa bình giữa hai nước. Họ trở lại Việt Nam thăm chiến trường xưa, làm các công việc nhân đạo và tái thiết, đầu tư làm ăn, giảng dạy, làm việc tại Việt Nam. Suốt những năm 1990 và thập kỳ đầu của thế kỷ 21, rất nhiều cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam làm việc trong chính quyền, là nghị sĩ Quốc hội Mỹ, đã thúc đẩy để quan hệ Việt – Mỹ phát triển bùng nổ như ngày nay, vượt qua nhiều rào cản, kể cả những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ như người Mỹ mất tích, chất độc da cam, khác biệt về quan điểm, thể chế.

Nếu trở lại thời điểm 25 năm trước, thật khó hình dung rằng tất cả các tổng thống Mỹ từ đó đến nay đều đã đến thăm Việt Nam, kể cả 2 chuyến thăm của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Thật khó hình dung Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lại đặt chân tới Nhà Trắng trong chuyến thăm chính thức nước Mỹ năm 2015, và trong tuyên bố chung khi đó, hai bên đã cam kết tôn trọng thể chế, tôn trọng các khác biệt của nhau, với những cam kết hướng về tương lai.

Những hợp đồng mua bán máy bay, hợp đồng làm ăn giữa hai nước những năm qua cũng thật khó hình dung khi trở lại thời điểm 20 – 25 năm trước. Kim ngạch thương mại hai chiều lên tới hơn 60 tỉ USD năm 2018, so với 450 triệu USD khi hai nước ký Hiệp định Thương mại Song phương năm 2000. Mỹ trở thành nhà đầu tư lớn thứ 11 ở Việt Nam.  Trong dịch Covid-19, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành nhà sản xuất đồ bảo hộ cá nhân cho Mỹ với hợp đồng khoảng 4,5 triệu bộ và giành được lời cảm ơn của Tổng thống Mỹ. Về giáo dục, Mỹ là một trong những điểm đến hàng đầu của sinh viên Việt Nam du học.

Cũng dường như là chuyện viễn tưởng khi năm 2016 Mỹ đồng ý bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, lần đầu tiên sau hơn 40 năm, không ngừng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng, hải quân. Y tế cũng là lĩnh vực hợp tác sâu sắc giữa hai nước suốt 25 năm qua, cho dù it được chú ý hơn, để trong dịch Covid-19 này, Mỹ là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong chống dịch.

“Trong quá khứ, chúng ta từng là đối thủ trên chiến trường. Mặc dù còn tồn tại nhiều thách thức trong mối quan hệ của chúng ta, song hai nước có thể thảo luận một cách trung thực khi xảy ra bất đồng, chính là sự xác nhận về tiềm năng hợp tác của chúng ta”, – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam đầu năm 2020. “Chúng tôi muốn tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam vững mạnh và độc lập cũng như một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng”.  Ý nghĩa to lớn tiềm ẩn trong từng phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ xác nhận Quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước đã vượt lên tầm đối tác song phương, như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá, là có ý nghĩa to lớn với hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực.

Và vì thế, sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, việc ít nhắc tới cuộc chiến tranh Việt Nam theo cách gợi nhớ những ký ức cũ, co thể cũng là một dấu mốc mới, không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh. Một cựu chiến binh Mỹ, mới đây, đã đóng góp 20 triệu đồng cho tỉnh Yên Bái chống Covid-19. Điều đó một lần nữa nhấn mạnh, hai nước đã thực sự sang trang, vượt qua những cay đắng, để tạo dựng quan hệ rất tự nhiên giữa người dân hai nước.