Dân Việt

Số phận tử tù Hồ Duy Hải sẽ ra sao sau 3 ngày nữa?

Đình Việt 03/05/2020 13:00 GMT+7
Chuyên gia pháp lý cho biết, sau khi phiên giám đốc thẩm xem xét lại vụ án kết thúc thì sẽ có các phán quyết với Hồ Duy Hải.

Như đã thông tin, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên xử giám đốc thẩm xem xét vụ án Hồ Duy Hải bị tuyên tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản, từ ngày 6 - 8/5.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ làm Chủ tọa phiên tòa. Ngoài các thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, đại diện VKSND Tối cao, các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An, TAND Tối cao còn mời luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM) tham gia bào chữa cho Hồ Duy Hải.

img

Mẹ của Hồ Duy Hải tin con mình sẽ được minh oan. Ảnh: Đình Việt

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt được áp dụng khi bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Thủ tục này là hình thức đảm bảo pháp chế XHCN trong tố tụng dân sự.

Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bao gồm: Kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Quay lại vụ việc của Hồ Duy Hải, luật sư Tuấn Anh cho biết, 3 ngày nữa sẽ có hai trường hợp diễn ra. Cụ thể, trong trường hợp Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nhận thấy kháng nghị là có căn cứ, sẽ ban hành bản án giám đốc thẩm theo hướng chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của VKS Tối cao, hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử đối với vụ án này.

Còn trong trường hợp sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án được chuyển lên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nhận thấy kháng nghị của VKSND Tối cao là không có căn cứ pháp luật, việc xét xử vụ án ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã đúng; không có việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không có việc sai phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, dẫn đến xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án, ảnh hưởng đến bản chất vụ án thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm sẽ ban hành bản án theo hướng bác nội dung kháng nghị của VKSND Tối cao, giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên đối với Hồ Duy Hải.

Ngoài ra, vị luật sư còn phân tích thêm, việc ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao làm chủ tọa một phiên tòa là điều khá đặc biệt. Trước đây rất hiếm trường hợp đích thân Chánh án TAND Tối cao đứng ra làm chủ tọa xét xử một vụ án.

img

Hiện trường nơi xảy ra vụ án. Ảnh: Đình Việt

"Theo như quy định, Chánh án TAND có quyền trực tiếp chủ tọa phiên xét xử giám đốc thẩm. Tuy nhiên, ngoài việc tổ chức công tác xét xử, Chánh án TAND Tối cao còn phải thực hiện rất nhiều công việc liên quan đến ngành tòa án theo như quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, nên thông thường, việc đứng ra xét xử thường được phân cho cấp dưới thực hiện" - luật sư Tuấn Anh thông tin.

Theo vị luật sư này, không phải chỉ có cấp TAND Tối cao thì Chánh án mới làm như vậy, mà các cấp tòa án khác, Chánh án cũng chỉ đứng ra phân công công việc trong xét xử, còn việc trực tiếp xét xử thường sẽ được thực hiện bởi các thẩm phán khác.

"Tuy nhiên, vụ án Hồ Duy Hải có thể coi là vụ án có nhiều tình tiết ly kỳ, nghiêm trọng, có khả năng dẫn đến oan sai. Vụ án này cũng từng gây xôn xao và được dư luận hết sức quan tâm. Hơn hết, vụ án này ngoài việc đã trải qua 2 phiên xét xử sơ thẩm và cả xét xử phúc thẩm, bị cáo cũng đã bị tuyên án tử hình tại cả 2 phiên xét xử trên. Có lẽ, chính vì những lý do nêu trên mà đích thân ông Nguyễn Hòa Bình đứng ra trực tiếp làm chủ tọa trong phiên xét xử giám đốc thẩm sắp tới đối với vụ án trên", vị luật sư phân tích.

Trước đó, cuối năm 2019, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử lại, hủy toàn bộ 2 bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND Long An và phúc thẩm năm 2009 của TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội Giết người, Cướp tài sản để điều tra lại, đồng thời tạm đình chỉ thi hành bản án.

VKSND Tối cao cho rằng, tòa hai cấp có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Việc thu thập dấu vết hiện trường, đánh giá các chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ. Nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn.

Những thiếu sót, vi phạm nêu trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị chứng minh của chứng cứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những căn cứ kết luận hành vi phạm tội của bị cáo.