Dân Việt

Trung Quốc ngang ngược cấm biển, ngư dân vẫn vươn khơi

Diệu Bình 06/05/2020 09:15 GMT+7
Bất chấp những tuyên bố phi lý của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, hàng ngàn ngư dân miền Trung vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển, giữ ngư trường.

Đang chuẩn bị nhu yếu phẩm cho chuyến ra ngư trường Hoàng Sa sắp tới, ngư dân Đặng Ngọc Cường, chủ tàu cá ĐN 90909 cho biết, ông cùng các thuyền viên kịch liệt phản đối lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông kể từ ngày 1/5/2020 của Trung Quốc.

“Đây là hành động hết sức phi lý, tất cả ngư dân tại đây đều rất bức xúc với việc làm này của Trung Quốc. Những năm qua, chúng tôi ra khơi đánh bắt gặp nhiều khó khăn vì tàu thuyền của Việt Nam thường xuyên bị các tàu thuyền lớn của Trung Quốc đánh đuổi, nhưng ngư dân chúng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ không đi biển nữa. Đây không chỉ vì kế sinh nhai mà còn là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, ông Cường thẳng thắn.

Theo ngư dân Cường, quyết định 48 của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa bờ đã giúp bà con yên tâm bám biển hơn.

“Đi biển không phải lúc nào cũng thuận lợi, chuyến biển gặp thời tiết xấu, nhiều thuyền viên lỗ tiền chi phí đến vài chục triệu đồng. Nhờ những chính sách đúng đắn của nhà nước, ngư dân có thêm khoản tiền hỗ trợ nhiên liệu giúp trang trải phần nào để yên tâm ra khơi”, ông Cường nói thêm.

img

Ngư dân khẳng định sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển.

Gần 20 năm vươn khơi bám biển, tàu cá của ngư dân Phan Mun cùng các tàu bạn nhiều lần bị phía Trung Quốc rượt đuổi, cướp phá, đâm chìm,… khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Thế nhưng bà con ngư dân vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển.

Những ngày qua, ông Mun càng thêm phẫn nộ khi Trung Quốc ngang nhiên ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Theo ngư dân Phan Mun, khi đánh bắt ở ngư trường truyền thống, mỗi ngư dân đại diện cho mỗi tàu cá khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

“Ngư dân chúng tôi vẫn vươn khơi bám biển bình thường như những năm trước, mặc kệ họ đe dọa. Biển của mình,  chủ quyền của mình, mình cứ khai thác, đánh bắt”, ông Mun khẳng định.

Về vấn đề này, ngày 4/5, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và Ban đối ngoại trung ương Đảng.

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, Trung Quốc đã có thông báo quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

"Quy chế này xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan. 

Gần đây, Trung Quốc còn ngang nhiên công bố việc thành lập hai cơ quan hành chính trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam", công văn nêu rõ.

Trước hành động phi lý của Trung Quốc, Hội Nghề cá Việt Nam "kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc. Quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình", Hội nghề cá Việt Nam nhấn mạnh.

Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Hội Nghề cá Việt Nam cũng kêu gọi và vận động ngư dân bình tĩnh, yên tâm bám biển đẩy mạnh sản xuất và kiên quyết thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng cho biết, lệnh phi lý này được tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đưa ra. Vừa qua Trung Quốc đã ngang nhiên công bố việc thành lập hai cơ quan hành chính trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta. Như vậy đủ thấy ý đồ thâm độc của Trung Quốc qua việc muốn hợp thức hóa cấp chính quyền đối với cái gọi là "thành phố Tam Sa.

img

 Hội Nghề cá Việt Nam đã kịch liệt phản đối hành động  phi lý và không có giá trị pháp lý của phía Trung Quốc khi ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông kể từ ngày 1/5/2020.

“Trong những năm qua, ngư dân nước ta ra biển vẫn gặp ngư dân họ (ngư dân Trung Quốc) vô tư đánh bắt. Như vậy, họ có tới 2 cái phi lý là vừa ra lệnh cấm đánh bắt vi phạm chủ quyền nước ta, thêm nữa việc ngư dân ta ra khơi gặp ngư dân Trung Quốc trên biển càng cho thấy lệnh cấm này phi lý chồng phi lý, vi phạm chồng vi phạm.

Nói thẳng ra, với ngư dân chúng tôi, nó vô giá trị. Chúng tôi cực lực lên án việc Trung Quốc muốn chiếm đoạt biển Đông. Trong thời gian Trung Quốc đưa ra yêu cầu phi lý, ngư dân của chúng tôi chắc chắn vẫn có mặt trên biển. Chúng tôi tin các cơ quan chấp pháp trên biển của nước ta sẽ đồng hành bảo vệ ngư dân”, Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng nói.

Tương tự, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Đà Nẵng chia sẻ: “Năm nào Trung Quốc cũng đưa ra lệnh cấm phi lý vi phạm nghiêm trọng chủ quyền đất nước ta trên Biển Đông. Mỗi lần như thế, chúng tôi đều thấy được sự quyết tâm của bà con ngư dân trong việc ra khơi vừa để thể hiện chủ quyền của vùng biển thuộc Việt Nam vừa cho thấy lệnh cấm của Trung Quốc là vô giá trị”.