Dân Việt

Sau loạt bài của Dân Việt: Lập chốt giám sát “địa ngục" chim trời Thạnh Hóa

Doãn Anh –  Hoàng Văn 07/05/2020 05:58 GMT+7
Gần 2 tháng sau phản ánh của Dân Việt về tình trạng buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm ở chợ chim Thạnh Hóa (Thạnh Hóa, Long An), sau khi Cục kiểm lâm đã trực tiếp vào bắt giữ, Bộ NNPTNT và tỉnh Long An đã ban hành văn bản chị đạo, nhiều chuyên gia, tổ chức bảo tồn đã lên tiếng… Tỉnh Long An cũng đã có đề án lắp camera theo dõi hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại khu chợ tai tiếng!

img

Cá thể rái cá lông mượt, thuộc nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm IB, được nuôi nhốt trái phép tại ki ốt bán hàng Yên Tâm.

Đối tượng đang bị điều tra ngang nhiên tiếp tục vi phạm

Ngày 28/4/2020 Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An đã ban hành Văn bản số 193/CCKL-TCHCTH gửi Báo NTNN và các đơn vị liên quan để cung cấp thông tin liên quan về việc buôn bán động vật hoang dã tại điểm bán Nông sản Thạnh Hóa.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An cho biết, từ năm 2014 - 2019 đơn vị và cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 583 đợt tại điểm bán Nông sản Thạnh Hóa, phát hiện xử lý 61 vụ, tịch thu 812kg động vật, tái thả tự nhiên hơn 6.000 cá thể, trong đó có nhiều loại động vật nguy cấp, quý hiếm bị buôn bán trái phép như: Cu li, trăn, rắn ráo trâu, rùa răng, rùa ba gờ, chim công, cắt, rùa núi vàng…

Tuy nhiên báo cáo không nêu rõ đã có đối tượng buôn bán nào bị xử lý hình sự, hoặc hành chính.

img

Những cá thể cú quý hiếm thuộc nhóm IIB được nuôi nhốt tại ki ốt bán hàng Diễm My

Trao đổi với PV ngày 23/4, ông Lê Hồng Vương, Hạt phó Hạt kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa – Tân Thạnh cho biết: “Ngày 21/4 đoàn liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra Chợ nông sản Thạnh Hóa, phần lớn các ki ốt bán hàng đều xuất trình giấy tờ nguồn gốc xuất xứ động vật hoang dã”.

Tuy nhiên, ki ốt Yên Tâm chính là nơi phóng viên Dân Việt phát hiện nuôi nhốt cá thể rái cá lông mượt, già đẫy nhỏ, và nhiều rùa, rắn… quý hiếm, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra đã chửi bới, khóa cửa ki ốt và thả động vật sang ki ốt vô chủ bên cạnh. Phải rất vất vả đoàn công tác mới thu giữ được tang vật. Hiện vụ việc đang được giao cho Công an huyện Thạnh Hóa mở rộng điều tra, giám định cá thể rái cá và củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.

Tương tự, ki ốt của Diễm My bị tịch thu 3 cá thể cú quý hiếm nhưng khi kiểm lâm lập biên bản chủ cơ sở này không nhận, không ký biên bản, không chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính. Hiện hồ sơ vụ việc đã được chuyển giao cho UBND huyện Thạnh Hóa ra quyết định cưỡng chế.

Một tháng kiểm tra 5 lần, phát hiện 7 vụ vi phạm

Trước đó, tại một báo cáo vào tháng 4/2020, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã phối hợp với đoàn liên ngành huyện Thạnh Hóa tổ chức tuyên truyền, vận động 21 hộ ký cam kết không mua, bán động vật hoang dã trái quy định pháp luật.

Từ ngày 21/3 – 21/4 đoàn liên ngành cũng đã tiến hành 5 lượt kiểm tra, xử lý 7 vụ vi phạm với số lượng 9kg rắn, 30 cá thể cò, 2 cá thể chim cú lợn, 1 cá thể chim bìm bịp, 1 cá thể chim trích cồ và 4 cá thể gà nước, 20 chim cu. Tất cả số động vật trên đã được thả về môi trường tự nhiên.

Sở NNPTNT tỉnh Long An cho rằng công tác kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng của đoàn kiểm tra mỏng; các đối tượng biết rõ từng thành viên tham gia đoàn công tác, do đó cho người cảnh giới, canh gác.

Khi thấy lực lượng đoàn kiểm tra, những người này đã báo động cho các đối tượng mua bán động vật hoang dã để tẩu tán, cất giấu, chỉ trưng bày các loại có nguồn gốc hợp pháp nên tình trạng buôn bán động vật hoang dã quý hiếm vẫn xảy ra.

img

Chim Yểng (nhồng) loài chim cảnh thuộc nhóm IIB có hàng trăm cá thể được bày bán tại chợ chim Thạnh Hóa thời điểm Phóng viên điều tra giữa tháng 3/2020

Các đối tượng buôn bán còn hăm dọa, thậm chí có thái độ bất hợp tác, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ, gây khó khăn cho đoàn công tác.

Các đối tượng mua, bán động vật hoang dã thường để hàng hóa phía trước gian hàng của họ, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện thì chối bỏ, không nhận là chủ sở nhằm tránh trách nhiệm. Do đó lực chức năng không xác định được chủ sở hữu.

Đề nghị Cục Kiểm lâm và Kiểm lâm vùng 3 tiếp tục hỗ trợ Long An

Sở NNPTNT Long An cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm cùng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hoạt động mua, bán, tàng trữ, chế biến, kinh doanh trái phép động vật hoang dã tại chợ nông sản Thạnh Hóa.

img

Cơ quan chức năng kiểm tra các ki ốt bán động vật hoang dã tại chợ chim Thạnh Hóa.

Cùng với đó, tăng cường quản lý hoạt động gây nuôi, xử lý nghiêm các hành vi nuôi nhốt, mua, bán, tàng trữ các loài động vật hoang dã không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định pháp luật.

Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa triển khai kế hoạch lắp đặt camera tại các tuyến đường trong chợ nông sản Thạnh Hóa để chủ động theo dõi các hoạt động mua bán động vật hoang dã trái phép.

Đặc biệt là nghiên cứu lập chốt kiểm tra chợ nông sản; theo dõi, kiểm soát các phương tiện vào chợ để cung cấp nguồn hàng động vật hoang dã cho các cơ sở...

Sở này cũng đề nghị Cục Kiểm lâm có văn bản hướng dẫn việc quản lý các loài chim cảnh, chim kiểng, tạo điều kiện để Chi cục Kiểm lâm Long An theo dõi, quản lý và xử lý các đối tương buôn bán trái phép trên địa bàn; đề nghị Chi cục Kiểm lâm vùng III tiếp tục hỗ trợ thực hiện kiểm tra, xử lý tình trạng kinh doanh, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Long An.

Trước đó, ngày 15/3, từ thông tin phản ánh của Dân Việt, Đội đặc nhiệm Cục Kiểm lâm phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng 3 và cơ quan chức năng huyện Thạnh Hóa đã tổ chức cuộc truy quét tại chợ nông sản Thạnh Hóa. Qua kiểm tra, đoàn đã tịch thu 1 cá thể rái cá lông mượt nặng 8kg; 2 cá thể rắn hổ đất 5kg; 3 cá thể cú; 1 cá thể rắn ráo trâu 1,6kg; 1 cá thể chồn đèn trọng lượng 0,5kg; và 30kg rắn thường

Sau đó 3 cá thể cú đã được Hạt kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa – Tân Thạnh tiến hành thả về tự nhiên. Toàn bộ tang vật thuộc nhóm IB và IIB đã được đoàn công tác lập biên bản và bàn giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn để chăm sóc, phục vụ cho công tác điều tra tiếp theo của cơ quan chức năng. Động vật thông thường được tiêu hủy theo quy định của pháp luật.