Dân Việt

Báo Anh: Việt Nam "đè bẹp" dịch Covid-19

Nguyễn Thái - Guardian 06/05/2020 13:55 GMT+7
Các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và việc lấy mẫu xét nghiệm rộng rãi giúp Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 nhưng thách thức về kinh tế cũng đã xuất hiện.

Tờ Guardian của Anh hôm 6/5 nhận định, Việt Nam không chỉ làm phẳng đường cong dịch Covid-19 mà thậm chí còn làm tốt hơn - "đè bẹp" nó. Việt Nam không có ca tử vong trong tổng số 271 ca nhiễm Covid-19 và 2 tuần qua không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Ngày 23/4, Việt Nam đã nới lỏng tình trạng cách ly toàn xã hội ở các thành phố lớn và cuộc sống dần trở lại bình thường. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều quốc gia khác trên thế giới đang phải chật vật phong tỏa chống dịch.

Ông Kidong Park, đại diện của Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đã dành những lời khen ngợi lớn cho nỗ lực chống dịch của quốc gia Đông Nam Á.

img

Nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam được WHO ghi nhận và khen ngợi. Ảnh: Reuters

Việc cách ly tập trung hàng chục nghìn người và lần dấu người tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19 triệt để giúp Việt Nam tránh được khủng hoảng dịch bệnh đang khiến Mỹ và các nước châu Âu phải chao đảo.

Sau khi lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 213.000 người, Việt Nam có tỷ lệ xét nghiệm trên mỗi ca mắc cao nhất thế giới. Một chiến dịch truyền thông công cộng sáng tạo bao gồm các bài hát, tranh cổ động... góp phần lớn vào thành công trong kiểm soát đại dịch nhưng yếu tố quyết định thành công là việc đưa ra hành động sớm. Minh chứng thành công của điều này đã từng có trong quá khứ khi Việt Nam từng kiểm soát tốt dịch SARS năm 2003.  

Việt Nam ghi nhận 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên hồi cuối tháng 1/2020. Ngày 1/2, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã tạm ngừng toàn bộ chuyến bay tới đảo Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc đại lục và đóng cửa biên giới ít ngày sau đó.

Sau khi một đợt bùng phát mới xuất hiện vào tháng 3, toàn bộ chuyến bay quốc tế đã bị tạm ngừng và cách ly toàn xã hội được áp dụng bắt đầu từ 1/4. Trong khi các quốc gia khác chần chừ áp dụng các biện pháp phong tỏa để giải quyết khủng hoảng dịch bệnh, Việt Nam nhanh nhạy và kịp thời hơn.

Tuy nhiên, làn sóng bùng phát thứ 2 đã xuất hiện ở Nhật Bản và Hong Kong. Để giảm thiểu nguy cơ bùng phát mới tại Việt Nam, việc đeo khẩu trang nơi công cộng đã trở thành yêu cầu bắt buộc, tụ tập đông người cũng bị cấm, các lễ hội, nghi thức tôn giáo và sự kiện thể thao đều phải tạm ngừng.

Ông Kidong Park, đại diện WHO ở Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục về dịch Covid-19 ở cấp độ cộng đồng, cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tại các cơ sở y tế, văn phòng, trường học và các địa điểm công cộng khác.

Người đại diện WHO ở Việt Nam còn cảnh báo hậu quả kinh tế và điều này có thể ảnh hưởng tới quyết định của chính phủ về việc chấm dứt cách ly toàn xã hội ngày 23/4.

"Cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn và nguy cơ về đợt bùng phát tiếp theo luôn hiện hữu vì dịch bệnh vẫn hoành hành trên toàn cầu. Việt Nam vẫn cần phải cảnh giác", ông Park cảnh báo.

Nhiều dịch vụ, cửa hàng không thiết yếu như quán bar, karaoke... vẫn phải đóng cửa. Những ràng buộc đã được dỡ bỏ đối với các cửa hàng, khách sạn và nhà hàng nhưng với một quốc gia mà du lịch đóng góp 6% GDP, tương lai còn nhiều thách thức nhất là khi thời gian mở cửa biên giới chưa thể xác định do diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp, tờ báo Anh nhận định.

Một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế công bố hồi tháng 3 cho biết nhiều người Việt Nam có thể bị mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập trong quý 2 của năm 2020. Quỹ tiền tệ quốc tế dự đoán mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 là 2,7%, giảm 7% so với năm 2019.

Đầu tháng 4, chính phủ Việt Nam công bố gói hỗ trợ 2,5 tỷ USD cho người nghèo. Các "ATM gạo" và "cửa hàng 0 đồng" được mở ra ở các thành phố chính nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch Covid-19. Nhưng tất cả chỉ là biện pháp hỗ trợ trước mắt.

Nguyen Van Trang, một nhà kinh tế ở Hà Nội, cho biết con đường phía trước dường như vẫn rất khó khăn. "Các quyết về thời điểm và cách thức mở cửa đất nước trở lại không phải chuyện dễ dàng", Trang chia sẻ. Tuy nhiên, nhà kinh tế này nhấn mạnh, bất chấp nguy cơ bên ngoài, Việt Nam đã bắt đầu khôi phục sản xuất, dịch vụ và bán lẻ trong nước. "Khả năng phục hồi trong nước là rất lớn. Phần lớn người dân đã trải qua thời điểm khó khăn trong cuộc chiến chống dịch nên việc phục hồi trở lại cũng sẽ diễn ra nhanh chóng", Trang nói.

Dù tương lai có thế nào, Việt Nam, quốc gia với 96 triệu dân, dường như đã kiểm soát được dịch Covid-19, theo Guardian. Tính tới 6/5, Singapore có 19.410 ca nhiễm Covid-19 và đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á về số ca nhiễm. Đứng sau Singapore là Indonesia với hơn 12.000 ca nhiễm. Indonesia vẫn là quốc gia có số người tử vong vì Covid-19 nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á với 872 ca. Khi Việt Nam chấm dứt cách ly toàn xã hội, không chỉ các nước trong khu vực mà cả thế giới đều dõi theo, tờ báo Anh nhận định.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.