Dân Việt

Băng nhóm Loan “cá” mở rộng địa bàn, thu tiền bảo kê như thế nào ?

Nha Mẫn 07/05/2020 11:23 GMT+7
Những ngày qua, việc Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá thành công băng nhóm của Loan “cá”, bắt giữ Loan cùng chồng và 8 đàn em khác, khiến cho người dân vô cùng phấn khởi. Hiện đã có gần 40 nạn nhân tìm đến cơ quan công an để tố cáo hành vi của Loan và đồng bọn.

Loan “cá” là ai?

Liên quan đến vụ triệt phá băng nhóm bảo kê Loan "cá", trước những chứng cứ kèm thêm lời khai của các nạn nhân công an đã ra quyết định tạm giữ Loan “cá” (tên thật là Lý Thị Loan), Hoàng Thị Tuyết Nhung, Lê Trung Hiếu, Đặng Thái Quốc, Đỗ Xuân Dũng, Nguyễn Thành Tín, Nguyễn Văn Tuấn (chồng Loan), Nguyễn Thanh Tuân, Trần Công Đại và Vũ Minh Tiến để phục vụ công tác điều tra về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" và "Cho vay nặng lãi".

img

Bà trùm Loan "cá".

Theo cơ quan điều tra, hiện tại theo thực tế số nạn nhân của Loan rất nhiều và phạm vi của nhóm này cũng hoạt động rộng khắp tại nhiều khu vực của TP.Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu… nên công an đang tiến hành mở rộng điều tra vụ án.

Một cán bộ điều tra cho biết để phá chuyên án này, công an đã phải nằm vùng một thời gian dài, theo dõi nhất cử nhất động nhóm của Loan. Trên thực tế nhóm của Loan "cá" hoạt động rất tinh vi, xuất hiện lẻ tẻ và theo hình thức đi dẹp lấn chiếm lòng lề đường để qua mặt cơ quan chức năng. Tuy nhiên thực chất là để đòi tiền của người buôn bán và ép họ phải chung chi đầy đủ.

Loan có biệt danh là Loan “cá”, vì trước đây đối tượng bán cá sỉ ở khu vực chợ Hóa An (chợ đầu mối cá) và khá nổi tiếng vì độ "lỳ". Theo nguồn tin của PV, để giành thị phần đầu mối ở chợ cá lớn nhất TP.Biên Hòa, khoảng 6 năm trước, Loan quy tụ nhiều thanh niên ăn chơi, có tiền án tiền sự, xăm trổ để thị uy đối thủ. Vì vậy "danh tiếng" của Loan ngày càng nổi khắp khu vực Hóa An. Khi đã khẳng định được vị thế, Loan và chồng đứng ra dằn mặt người buôn bán, thu tiền bảo kê người bán hàng rong trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam - đối diện chợ Hóa An.

img

Loan và đàn em bị bắt đã trả lại bình yên cho khu vực chợ. (Ảnh: P.V)

Cũng theo nguồn tin, để được yên chuyện với Loan và đám đàn em, người bán hàng rong cũng tuân thủ nộp tiền đều đặn cho Loan từ 20.000 - 50.000 đồng mỗi ngày. Riêng khu vực này Loan chỉ dám bắt nạt người buôn hàng rong vì vin vào việc lấn chiếm lòng lề đường chứ không dám thu bảo kê hàng quán lớn ven QL1K. Người buôn bán rất e dè sợ hãi Loan cùng đám đàn em xăm trổ nên hầu hết không dám ý kiến, phải đóng tiền cho Loan.

Nếu ai không chịu đóng tiền Loan sẽ cho đàn am phá hàng để dằn mặt, đe dọa. Ngoài ra do quy tụ được số lượng đàn em đông đảo và bặm trợn, Loan hoạt động thêm lĩnh vực cho vay, với mức lãi suất vài chục phần trăm mỗi tháng. Đến hẹn trả lãi hoặc gốc chưa thấy con nợ chi tiền, Loan cùng đàn em mang hàng nóng đến tận nhà đe dọa xử lý con nợ.

Từ thị uy đến chiếm lĩnh

Theo điều tra, sau thời gian dài làm mưa làm gió tại Hóa An, Loan quyết định mở rộng địa bàn để làm ăn. Hơn hai năm trước trong một lần cùng chồng đi "săn địa bàn", Loan phát hiện khu vực gần công ty Changshin Việt Nam khá đông công nhân và người mua bán hàng rong.

Qua tìm hiểu, biết ở đây chưa có "người cầm trịch" nên Loan quyết định về đây mở rộng địa bàn bằng cách thuê mặt bằng mở quán nước, bãi giữ xe cho công nhân Khu công nghiệp Thạnh Phú và Công ty TNHH Changshin. Khi ổn định việc làm ăn, Loan bắt đầu “tấn công” sang mảng bảo kê, thu tiền người buôn bán tại khu vực. Với khoảng 500 người bán hàng quán ổn định và hàng rong thì Loan đã nhanh chóng thu lợi từ bảo kê.

img

Đàn em của Loan cũng đã bị bắt.

Từ những ngày đầu xây dựng "đại bản doanh" mới, nhóm Loan cũng bắt đầu gây chuyện, đụng độ với các băng bảo kê khác để chiếm lĩnh địa bàn. Hậu thuẫn đắc lực cho Loan là Hoàng Thị Tuyết Nhung (35 tuổi, tự Nhung “Khàn”) cũng là một giang hồ có máu mặt từ khu vực Hố Nai, TP.Biên Hòa. Nhờ vào tiếng tăm của Nhung và Loan hợp lại, địa bàn này nhanh chóng được Loan và đàn em thâu tóm.

Hàng ngày đàn em Loan thường chạy xe máy rảo quanh các chợ tự phát nhắc nhở người bán không được lấn chiếm lòng lề đường nhưng thực chất là để thu tiền. Nếu phát hiện người mới đến bán, chúng thu theo ngày với giá 50.000 đồng. Đối với những người bán thường xuyên thì thu 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Đến tháng ai chưa đóng tiền thì lập tức đám đàn em của Loan sẽ kéo tới đập phá hàng hóa, đe dọa.

img

Người buôn bán không cần đóng tiền bảo kê nữa nên thuận lợi buôn bán.

Băng nhóm của Loan “cá” hoạt động bảo kê từ 7h đến 16h mỗi ngày và ai ở đây cũng phải đóng tiền từ quán lớn đến quán bé. Tối đến, những khu vực không còn ai, người của Loan dùng xe tải chở những tấm gỗ pallet đến phân lô 2-6 m2, kẻ vạch sơn và ghi tên cụ thể. Hôm sau, nhóm nói khu vực đó đã có chủ, nếu ai muốn bán thì phải chung chi. Người ta gọi đó là nộp tiền rác, ai cũng phải đóng.

Trao đổi với PV, ông M.N - người bán rau ở khu vực này chia sẻ: Băng nhóm đó bị bắt chúng tôi thật sự thấy nhẹ nhõm vô cùng. Chị K - một người bán nước ngay trước nhà nhưng cũng bị Loan đến thu tiền đòi phải chia sẻ mặt bằng. Nhóm Loan liên tục kéo đến gây khó dễ chuyện làm ăn của chị K khiến chị và gia đình rất bức xúc nhưng không dám lên tiếng vì sợ. Cuối cùng chị phải chấp nhận đóng tiền cho Loan để yên ổn làm ăn.

“Chúng thật sự rất đáng sợ và manh động, mỗi lần kéo hơn chục người đến quán liên tục chửi bới, dọa đánh tôi. Mình yếu thế nên chấp nhận chịu đựng thôi”, chị K vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Phạm Lê Nhân thừa nhận băng giang hồ do vợ chồng Loan "cá" hoạt động trên địa bàn. Trước đó xã cũng đã báo tình hình hoạt động của nhóm này lên huyện và công an để theo dõi, xử lý.