Như Dân Việt đã đưa tin, Công an huyện Sóc Sơn phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Công an TP.Hà Nội điều tra, làm rõ vụ việc ngang nhiên đốt pháo nổ trong đám cưới xảy ra trên địa bàn xã Phù Lỗ. Cùng ngày, nhà chức trách đã triệu tập một số đối tượng lên trụ sở để xác minh, làm rõ.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, pháo được làm từ các hóa chất có thể gây tổn thương lớn cho sức khỏe cho người sử dụng, những người xung quanh và ảnh hưởng đến môi trường sống, tình hình an ninh trật tự.
Hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử pháo nổ, pháo hoa là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Hiện nay, pháp luật chỉ cho phép sử dụng pháo hoa trong các dịp Lễ, Tết, những kỳ nghỉ quan trọng của đất nước và đều phải được nhà nước cho phép, chính quyền địa phương đứng ra tổ chức.
Chính vì vậy, hành vi đốt pháo, đặc biệt là việc sử dụng pháo có chủ đích là hành vi trái pháp luật, sẽ bị xử lý hành hành chính. Cụ thể, theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội... sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép.
Ngoài ra, theo ông Tuấn Anh, điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định: Những người đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người; đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 0,1 đến 0,5kg đối với thuốc pháo... sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "gây rối trật tự công cộng".
Đối với hành vi mua bán, tàng trữ trái phép các loại pháp nổ có thể bị xử lý hành chính tại điểm d, khoản 4, Điều 10 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Thậm chí, hành vi mua bán, tàng trữ pháo với số lượng lớn cũng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015 về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Mức phạt quy định tại điều này là phạt tù lên đến 10 năm hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm đối với cá nhân phạm tội.
Ngoài việc truy cứu về tội danh sử dụng trái phép pháo nổ như theo quy định trên, cơ quan chức năng cần phải xem xét điều tra làm rõ thêm về việc có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép pháo nổ hay không. Bởi không thể tự nhiên đốt pháo nổ với một số lượng pháo lớn như vậy ở ngay mặt đường lớn nếu không có chuẩn bị trước.
"Mặt khác, nếu cơ quan chức năng xét thấy có dấu hiệu vi phạm thuộc một trong những trường hợp như quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 và theo phần II Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 về việc hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự để mang tính răn đe, giáo dục và từ đó xây dựng được ý thức cộng đồng nhận thức đúng đắn hơn về hành vi trái pháp luật này", ông Tuấn Anh nói.
Trước đó, Dân Việt đã đưa tin, ngày 2/3 trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc một đám cưới ở xã Phù Lỗ đốt pháo ngang nhiên giữa ban ngày. Theo thông tin từ clip được đăng tải, số lượng pháo được đốt trong đám cưới trên địa bàn xã Phù Lỗ này là khá nhiều.
Địa điểm đốt pháo nằm ở ngay sát gần với mặt đường lớn mà không hề gặp sự ngăn cản, xử lý kịp thời của nhà chức trách. Việc ngang nhiên đốt pháo ở đám cưới bất chấp lệnh cấm của Chính phủ đã gây nhiều ý kiến trái chiều ngay sau khi video được đăng tải
Khoản 1 và 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự (nay là điều 318 Bộ luật Hình sự 2015) quy định: Người đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "gây rối trật tự công cộng":
+ Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người.
+ Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy.
+ Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 0,1 đến 0,5kg đối với thuốc pháo.
+ Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
+ Đã bị kết án về tội "gây rối trật tự công cộng" theo mục 1 phần II của Thông tư 06/2008; lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo; cản trở, hành hung người can ngăn.
Điều 318 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về tội "gây rối trật tự công cộng":
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức.
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách.
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng.
d) Xúi giục người khác gây rối.
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng.
e) Tái phạm nguy hiểm.