Hà Nội ngày 6/3/2020
Hà Nội ra thông báo khẩn cấp về ca nhiễm Covid-19 số 17 ở Việt Nam, chấm dứt chuỗi 22 ngày cả nước không ghi nhận bệnh nhân mới. Đây cũng là trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội.
Đó là một cô gái, đã đi một chặng đường dài, từ châu Âu trở về, khai báo y tế không trung thực. Hà Nội không có thời gian để mất. Một cuộc chiến mới bắt đầu.
Chỉ vài giờ sau, mọi ngả đường cô đi qua đều được rà soát, danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp hay dán tiếp với cô gái cũng ngay lập tức được thông tin. Hà Nội gồng mình lên chống dịch.
Ở Pháp, qua người thân cũng như đọc thông tin trên báo chí, chúng tôi được biết trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đã có nhiều tấm gương tốt, hành động đẹp nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng.
Những y tá, bác sĩ đang ngày đêm túc trực đón tiếp, khám, chữa cho bệnh nhân, mang đồ ăn, thực phẩm tới tận tay những người ở khu bị cánh ly. Những cán bộ của từng khu vực kiểm tra, đôn đốc dân cư nâng cao ý thức phòng tránh bệnh dịch.
Từng sân bay, hải cảng hay cửa khẩu biên giới, lúc nào cũng có các "chiến sĩ" âm thầm hoàn thành nhiệm vụ... Đó chính là hình ảnh của một Việt Nam với tinh thần luôn sẵn sàng quyết chiến.
Pháp, 8h00 ngày 9/3/2020
Chương trình thời sự buổi sáng của truyền hình Pháp phát thông báo của Chính phủ: 1209 ca nhiễm Covid-19 với 19 người chết (tính từ đầu mùa dịch). Chính phủ Pháp khuyến cáo dừng mọi hoạt động có sự tập trung của hơn 1000 người.
Nước Pháp bắt đầu xuất hiện những ổ dịch. Một số khu vực dân cư nơi có số người nhiễm cao bị phong tỏa.
Thành phố Besançon - nơi chúng tôi sống, có hơn 120.000 dân trong khu vực nội thành, tính đến chiều 8/3/2020 đã có 10 trường hợp trong một viện dưỡng lão và 9 y tá trong bệnh viện được xác định dương tính với virus corona. Trong đó chỉ có một trường hợp cần thiết phải nhập viện, số còn lại được cách ly tại nơi ở.
Tuy nhiên, cuộc sống ở Pháp vẫn chưa có nhiều xáo trộn.
Một mặt vì người dân Pháp đã quen với dịch, đặc biệt là cúm mùa. Theo số liệu của bộ y tế Pháp, mỗi năm, có từ 2 đến 6 triệu người ở Pháp mắc cúm mùa, làm chết trung bình 10.000 người. Trên toàn cầu, số người chết hàng năm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính trong khoảng từ 290.000 đến 650.000.
Mặt khác, giao thông tự do giữa các nước trong khối cộng đồng châu Âu khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh trở lên khó khăn hơn. Người Pháp hiểu điều này và đã chuẩn bị tâm lý cho việc virus corona phát tán là điều không tránh khỏi.
Không hoang mang, nhưng người Pháp cảnh giác cao độ.
Văn hóa châu Âu gắn liền với ôm hôn, bắt tay mỗi khi gặp mặt. Khi Covid-19 tràn vào châu Âu, văn hóa này đã được để sang một bên. Họ sẵn sằng bỏ qua những cái ôm hôn, bắt tay dù không ốm, thay vào đó là những câu chào bông đùa rất thỏa mái. Cuộc hội ngộ không vì thế mà kém thú vị.
Ở trường học, các con được dậy cách rửa tay và hắt hơi để đảm bảo vệ sinh cho mình và cho người xung quanh.
Tại những nơi có sự ra vào thường xuyên của dân chúng như thư viện, bệnh viện, trụ sở công quyền, ..., đều có nước diệt khuẩn khô được đặt ngay trước cửa ra vào, kèm theo đó là một bản hướng dẫn bằng hình ảnh rất cụ thể những cách phòng chống virus corona đơn giản.
Trên các phương tiện truyền thông, Chính phủ phát đi những lời khuyên bổ ích kèm theo những số điện thoại cần thiết để gọi trong trường hợp khẩn cấp để phòng chống dịch Covid-19.
Tôi thấy rằng, người dân Pháp khá tự tin khi đối phó với Covid-19.
Chống dịch Covid-19 - cuộc chiến không của riêng ai
Dịch Covid-19 đã lan rộng trên thế giới. Do vậy Covid-19 đã trở thành cuộc chiến chung của toàn cầu. Tuy cách thức và tâm thế đối diện với dịch bệnh ở mỗi nơi khác nhau, nhưng chúng ta cùng chung mục tiêu chiến thắng.
Hơn lúc nào hết, vũ khí lợi hại nhất mà chúng ta có lúc này chính là sự đoàn kết. Đoàn kết không có nghĩa là tập trung nhau lại tại một nơi nào đó. Đoàn kết trong lúc này chính là sự chia sẻ, ý thức từng người để phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Đoàn kết là tuân thủ chặt chẽ mọi yêu cầu đặt ra của giới chức từng nước để kiểm soát dịch. Đoàn kết là biết đặt sang một bên những toan tính tích trữ phòng thân. Đó chính là chìa khóa quyết định chiến thắng của chúng ta trong cuộc chiến chống Covid-19 với quy mô toàn cầu này.
Sau cùng, tôi tin chỉ có đoàn kết và sẻ chia mới có thể giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù giấu mặt dù là ở bất cứ mặt trận và thời gian nào.
Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt.
Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội;
Email: bandocdanviet2010@gmail.com;
Điện thoại liên hệ: 0982340700.
Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 5 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 01 giải ba trị giá 2 triệu đồng. Mỗi tháng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn tác phẩm có chất lượng của tháng để trao thưởng 1 triệu đồng/01 giải xuất sắc, 2 giải bài viết chất lượng 500.000 đồng/giải (Tổng giải tác phẩm chất lượng mỗi tháng là 2 triệu đồng).
Các bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt.