Dân Việt

Tâm sự của các "ép" trong khu cách ly dịch Covid-19

Phương Hà 12/03/2020 10:17 GMT+7
"Thế này chẳng khác gì treo lệnh truy nã" - một F3 đang cách ly dịch Covid-19 tại gia đình, nhắn tin cho tôi khi danh sách gia đình họ được dán công khai trên bảng tin ở chân cầu thang khu tập thể.

Giám sát chống dịch Covid-19: Thiếu tế nhị!

Khi bản thân mình là F2, tôi có dịp nhắn tin trao đổi thông tin với nhiều người cùng là "ép" như mình. Mỗi người một câu chuyện khi phải đi cách ly dịch Covid-19, bi có, hài có và cũng không thiếu tình thương yêu. 

Tôi được nghe những câu chuyện hàng xóm nhắn tin, gọi điện hỏi han gia đình có người bị cách ly. Thậm chí, thành lập phân công nhau cung cấp thực phẩm, đi chợ hộ gia đình, mỗi chiều đúng giờ giao hẹn sẽ vứt rác giúp gia đình cách ly. 

Thế nhưng, trong câu chuyện cách ly phòng dịch Covid-19, cũng không thiếu những "sáng tạo" ảnh hưởng đến tâm lý người cách ly và gây hoang mang cho người dân. 

"Thế này chẳng khác gì treo lệnh truy nã" - một F3 nhắn tin cho tôi khi danh sách gia đình họ được dán công khai trên bảng tin ở chân cầu thang khu tập thể. Danh sách những người trong gia đình được thông báo "thuộc diện cách ly phải giám sát". 

Nhưng trên thực tế, quy trình cách ly không hướng dẫn như vậy. Những người thuộc diện F3 do liên quan đến dịch Covid-19 được khuyến cáo tự cách ly ở nhà và hạn chế tiếp xúc. 

“Soi”quy trình khép kín cách ly phòng chống dịch Covid-19 không một kẽ hở - Ảnh 1.

Quà của Hội chữ Thập đỏ Quận gửi thăm trường hợp F2 cách ly dịch Covid-19 tại nơi cư trú.

Hài hước hơn, cũng chính F3 này nhận được quà của Hội chữ Thập đỏ Quận Ba Đình gồm: Khẩu trang, mỳ tôm, dầu ăn và nước rửa tay.

Một cô bạn khác của tôi, cũng thuộc diện F2 nói như sắp khóc khi mô tả "người ta lấy cả xích để khóa cổng". 

Chưa hết, việc "tích cực" phòng chống dịch Covid-19 khiến phường Tân Dân, Thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đưa cả trường hợp F4 vào danh sách phải cách ly tại nơi cư trú. Điều này khiến cho các trường hợp F4 ở những nơi khác cảm thấy "hoang mang" không biết liệu có đến lượt mình hay không?

Rõ ràng, "chống dịch phải như chống giặc" chưa bao giờ đúng đến thế xét về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Việt Nam đang là quốc gia được cả Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao năng lực y tế và công tác kiểm soát dịch Covid-19.

Đây không phải lần đầu tiên VN triển khai phòng chống dịch "tạo được ấn tượng tốt". Nhớ từ năm 2003, khi dịch SARS bùng phát tại 26 quốc gia, VN cũng là quốc gia đầu tiên khống chế được dịch bệnh.

Sự quyết liệt mới mang lại thành công nhưng không cần thiết phải có những "sáng tạo" khiến việc chống dịch Covid-19 "lãng phí không cần thiết, thậm chí gây hoang mang cho người dân". 

Quy trình giám sát người cách ly: Đúng, nhưng phải trúng!

Khi là một F2, tôi có thời gian để tìm hiểu quỹ hơn về quy trình thực hiện cách ly. Nhưng tôi càng tìm hiểu càng hoang mang khi tìm câu trả lời: "Cần làm gì, làm như thế nào" để phòng chống dịch đúng người, đúng việc.

Các địa phương đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch đúng như tinh thần của Ban chỉ đạo. Quy trình phòng chống dịch, mọi công đoạn chặt chẽ từ khâu lập danh sách người cần cách ly, đến khâu chuyển đổi hình thức cách ly từ tập trung sang tại nơi cư trú, cũng như tổ chức giám sát tại nơi cư trú.

“Soi”quy trình khép kín cách ly phòng chống dịch Covid-19 không một kẽ hở - Ảnh 2.

Danh sách F3 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bị dán công khai trên bảng tin chân cầu thang.

Sau thông báo đến Sở Y tế, Sở Y tế sẽ báo về Phường. Phường sẽ kết hợp với tổ dân phố, dân phòng, y tế để ra quyết định và đưa quyết định đến nơi cư trú của các F thuộc diện cách ly. Sau đó sẽ tiến hành phun khử trùng cả trong và ngoài nhà. 

Những người thuộc diện cần cách ly bắt buộc sẽ được tập trung đến cơ sở y tế, còn ở địa phương toàn bộ gia đình thuộc các "ép thấp hơn" vẫn sẽ được giám sát chặt chẽ.

Cụ thể, quyết định cách ly và danh sách người cách ly được dán tại nơi công cộng; Đọc danh sách người cách ly cần giám sát không để đi khỏi nơi cư trú; Chụp ảnh những người trong gia đình đưa cho tổ dân phố đẩy lên group dân cư trên mạng xã hội (thường do cư dân tự phát thực hiện). 

Quy trình "đưa, rước" người trong diện cách ly, có phần "trống dong, cờ mở" khiến không một F1 nào có thể lọt qua được con mắt giám sát của xã hội. Kèm theo đó, gia đình họ thuộc diện tự cách ly tại gia đình sẽ được giám sát chặt chẽ, không khác gì ở nơi cách ly tập trung. 

Tâm sự của các "ép" trong khu cách ly dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Chúng tôi là trường hợp thuộc diện F2, được xe y tế chở đến khu vực cách ly chờ xét nghiệm. Nhưng ngay sau đó, đã có ảnh xuất hiện trên mạng xã hội với những ngôn từ "Toang rồi ..."

Một tin vui cho những người thuộc diện cách ly, thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội mới đây, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội ngoài việc chi trả kinh phí cho việc xét nghiệm đối với các trường hợp F1, F2 còn hỗ trợ cho tất cả các trường hợp cách ly tại nhà hay bệnh viện 100.000 đồng/ngày.

Rõ ràng, bên cạnh việc cần phải dành nhiều nguồn lực cho quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh càng sớm càng tốt, càng phải xóa bỏ tâm lý đang coi những người có "nguy cơ" như con bệnh truyền nhiễm. 

Điều này, để tránh sự lãng phí và những sáng tạo không cần thiết khiến tình hình dịch bệnh vốn chưa phức tạp, trở nên phức tạp và gây hoang mang trong cộng đồng.

Virus corona có thể lây từ người này sang người kia phải thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh:

Thứ nhất, từ việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Con đường lây lan chỉ khi giọt bắn, bắn trực tiếp từ người bệnh sang người tiếp xúc. Khả năng lây lan phụ thuộc vào việc giọt bắn đi tới đâu. Virus này không đủ nhẹ để bay. Chỉ khi nào giọt bắn tiếp xúc trực tiếp với bạn thì mới có khả năng lây nhiễm. Vì vậy đeo khẩu trang có thể cản được giọt bắn.

Thứ hai, nếu chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ cũng mới có khả năng lây nhiễm.