Cụ thể, sáng 20/3, năm người thân của nữ bệnh nhân thứ 35 nhiễm Covid-19 trốn cách ly về nhà.
Những người này được cách ly ở Trung tâm Y tế quận Hải Châu (Đà Nẵng) vào ngày 10/3 nhưng trốn khu cách ly về nhà nằm trong kiệt 408 (phường Bình Thuận, quận Hải Châu).
Sau khi phát hiện việc trốn cách ly này, xe cấp cứu của Trung tâm Y tế quận Hải Châu đã lập tức về nhà cưỡng chế đi cách ly lại.
Trước đó, nữ bệnh nhân số 35 tên NTTN (29 tuổi) là nhân viên của Điện máy xanh trong lúc làm việc đã tiếp xúc với hai bệnh nhân người Anh (bệnh nhân 22 và 23) nên bị lây bệnh.
Liên quan đến việc trốn cách ly, trao đổi với phóng viên Dân Việt, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, đa số quần chúng nhân dân và cán bộ, nhân viên các cơ quan chức năng đang thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch.
Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp người dân có ý thức kém, cố tình “né”, trốn tránh cách ly, khai báo gian dối thông tin về dịch bệnh gây khó khăn cho công tác phòng và chống dịch bệnh, hoang mang lo lắng cho nhiều người.
"Đây là hành vi rất đáng lên án và cũng cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Dưới góc độ pháp lý, hành vi trốn cách ly là hành vi vi phạm quy định pháp luật về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và quy định về kiểm dịch ý tế biên giới, quy định về các ly y tế.
Đối với dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm A như Covid-19 thì việc cách ly, khoanh vùng là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng và chống lại bệnh dịch nguy hiểm này.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cách ly y tế là biện pháp áp dụng với những người nghi nhiễm hoặc mắc bệnh truyền nhiễm để hạn chế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng đã được quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007", luật sư Cường cho biết.
Theo vị luật sư, khi cá nhân cố tình trốn cách ly liên quan bệnh dịch Covid-19 (thuộc nhóm A các bệnh truyền nhiễm) có thể bị cưỡng chế cách ly và tùy tính chất, mức độ vi phạm mà còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A có thể bị Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đồng thời sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Như vậy, với tất cả những người trốn tránh cách đi trong trường hợp này sẽ bị xử phạt hành chính đồng thời sẽ bị cưỡng chế cách ly theo quy định pháp luật nêu trên.
"Nếu bản thân người trốn cách ly mang mầm bệnh, trong quá trình trốn tránh cách ly mà làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm này ra cộng đồng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 BLHS 2015.
Cơ quan chức năng cần phải xác minh làm rõ thông tin của những người trốn tránh cách ly để áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly, đồng thời xử phạt hành chính theo quy định pháp luật", luật sư Cường phân tích.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy quá trình trốn cách ly những người này đã làm lây lan dịch bệnh (nhận thức rõ hành vi trốn cách ly của mình có thể làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm này nhưng cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả dịch bệnh có thể xảy ra, thực tế dịch bệnh đã bị lây lan từ những người này ra cộng đồng..) thì sau khi chữa khỏi các bệnh, hoặc sau khi cách ly mà không nhiễm bệnh, những người này có thể bị khởi tố về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự điều trên, mức hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.
Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.