Tính đến cuối ngày 23/3, giá USD mua vào và bán ra niêm yết tại các ngân hàng và trên thị trường tự do tiếp tục tăng mạnh. Theo đó, giá bán ra USD tại các ngân hàng đã lên 23.760 đồng, trong khi trên "chợ đen" lên 23.900 đồng/USD.
Cụ thể, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết giá USD ở mức: 23.570 đồng/USD (mua vào) – 23.760 đồng/USD (bán ra), tăng hơn 200 đồng/USD so với phiên liền trước. BIDV là 23.570-23.730 đồng, Techcombank niêm yết 23.565 - 23.725 đồng.
So với cuối năm 2019, tỷ giá VND/USD đã tăng hơn 2%.
Lý giải về biến động của tỷ giá trong hơn 1 tuần qua, TS Cấn Văn Lực cho rằng, tỷ giá quy đổi USD tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng từ giá loại tiền tệ này trên thế giới, trong khi đó, thanh khoản USD trong nước vẫn ổn định.
Theo đó, so với đầu năm, tỷ giá VND/USD tăng trên 2%, trong khi sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã lên mức cao nhất 3 năm, tăng từ 95 điểm lên hơn 100 điểm.
Cũng theo ông Lực, giá USD thế giới đang tăng mạnh do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Khi dịch bệnh Covid-19 căng thẳng nhà đầu tư thường tìm đến các tài sản an toàn hơn, và USD vẫn hay được đánh giá là một kênh trú ẩn như vậy", ông nói.
Đồng quan điểm, bà Trần Hải Yến, chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cho biết do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đồng tiền trên thế giới biến động, đồng tiền của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng mất giá. Cùng với xu hướng đó, tỷ giá VND/USD không phải là ngoại lệ khi trong thời gian qua chịu tác động từ thị trường quốc tế và diễn biến của dịch Covid-19.
Đồng thời, động thái giảm lãi suất điều hành trong tuần trước của Ngân hàng Nhà nước cũng là một phần tác động dẫn tới sự biến thiên nhanh của tỷ giá VND/USD trong những ngày gần đây.
Một chuyên gia kinh tế khác thì cho rằng, tỷ giá VND/USD leo thang chủ yếu là do tính chất đầu cơ trên thị trường. Bởi xét về các yếu tố kinh tế có thể tác động tới sự vận động của tỷ giá đều không tạo áp lực lớn cho thị trường ngoại hối.
Đơn cử như cầu ngoại tệ, nhập khẩu cũng không đáng lo ngại trong khi đó Việt Nam vẫn đang là nước xuất siêu. Hay như các quỹ đầu tư ngoại rút vốn trong thời gian vừa qua khỏi Việt nam (khoảng 500 triệu USD) chưa đủ lớn để làm tỷ giá tăng đột biến…
"Yếu tố kinh tế lúc này tác động không đáng kể tới tỷ giá. Trong khi đó, thị trường chợ đen từ rất lâu đã mất đi tính chỉ báo giá cả ngoại tệ nên yếu tố tâm lý cũng không tác động một cách đáng kể làm tỷ giá biến thiên một cách đột ngột. Như vậy, chỉ còn yếu tố dự báo và thu gom đón chờ "đánh quả" trong tương lai gần khi Ngân hàng Nhà nước buộc phải điều chỉnh tỷ giá khi VND đã lên giá một cách tương đối trong thời gian qua", vị chuyên gia này cho hay.
Vị này cũng thừa nhận, sau dịch Covid-19, để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, tỷ giá được xem là một trong những công cụ hỗ trợ cần dùng. Tuy nhiên, cần lưu ý "cuộc chơi" tỷ giá vẫn nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước, biên độ giao động bao nhiêu cơ quan này thừa sức tác động. "Người nhiều tiền thu gom USD trong thời điểm hiện nay cũng giống như "chơi dao", cận thận đứt tay", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, sự biến thiên này của tỷ giá VND/USD chỉ là tín hiệu ngắn hạn vì thực tế khi dịch bệnh Covid-19 đi xuống, nền kinh tế trở lại bình thường thì niềm tin của nhà đầu tư sẽ trở lại.
Khi đó, các thị trường hàng hóa sẽ tăng lên như giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, bất động sản... nhà đầu tư rút tiền khỏi các kênh trú ẩn để đổ vào các tài sản rủi ro và đồng USD không còn là nơi trú ẩn nữa, tỷ giá sẽ ổn định trở lại.
Thực chất, nếu để ý kỹ tác động tỷ giá ở các nước mạnh hơn là do nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp thiếu niềm tin về khả năng kiểm soát dịch bệnh sớm của quốc gia họ.
Theo dự báo của Công ty chứng khoán Bảo Việt, mức mất giá của đồng nội tệ trong năm nay chỉ vào khoảng 3%.
"Có thể sẽ có những thời điểm tỷ giá VND/USD sẽ biến động lên tới 4%, nhưng đó là chỉ là yếu tố thời điểm. Tuy nhiên, cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn ổn, và tỷ giá năm nay có thể tăng khoảng 3%. Để nói là VND mất giá mạnh trong năm nay thì khả năng này rất là thấp bởi Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực để can thiệp", bà Trần Hải Yến (BVSC) nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Chế biến và XNK (Aprocimex), cho rằng hiện tỷ giá VND/USD đã biến động lên tới 2%, điều này sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, ông Lý tin tưởng, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp kịp thời khi tỷ giá biến động quá mạnh. "Chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong mấy năm nay đều tương đối ổn. Đối với doanh nghiệp đã là tốt rồi", ông Lý cho hay.