Cụ thể, theo thông tin từ VAMA, các doanh nghiệp (DN) thành viên có kế hoạch đầu tư mở rộng nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do, hiện tại, nhiều kỹ sư, chuyên gia nước ngoài và cán bộ tay nghề cao được cử sang nhưng chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam.
Về cơ sở vật chất, hạ tầng, nhiều máy móc, thiết bị để mở rộng nhà máy cũng chưa thể vận chuyển được. Do đó, tiến độ triển khai các dự án cũng có thể kéo dài theo diễn biến dịch bệnh.
Theo VAMA, hiện tại, về linh kiện, vật tư và sản xuất nói chung vẫn có thể đáp ứng cơ bản cho hoạt động sản xuất được duy trì. Tuy nhiên, thời gian tới, dự báo sẽ có nhiều nhà sản xuất linh kiện và nhà sản xuất xe bị ảnh hưởng trực tiếp do nhiều nước đã phong tỏa một hay nhiều khu vực, thậm chí cả quốc gia để đối phó với dịch Covid-19.
"Bởi vậy, nhiều DN có thể buộc phải điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất, thậm chí tính tới việc đóng cửa nhà máy trong một giai đoạn nhất định cho tới khi tìm được nguồn cung thay thế", VAMA dự báo.
Theo thông tin từ Ford Việt Nam, dự án mở rộng nhà máy khởi công cuối năm 2019 của doanh nghiệp này đang gặp khó khăn. Cụ thể, dự án nâng công suất từ 14.000 xe/năm lên 40.000 xe/năm đang đình đốn do nhiều chuyên gia từ nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam. Ngoài ra, các trang thiết bị máy móc cũng đang bị dừng nhập khẩu.
Tình hình trên kéo dà khiến Ford Việt Nam và các nhà máy của Ford trên thế giới đã tính đến việc tạm dừng hoạt động một thời gian và cho lao động nghỉ việc. Cụ thể, ngày 26/3, Ford Việt Nam đã đóng cửa nhà máy lắp ráp tại Hải Dương
Ngày 27/3, Nam Phi đóng cửa nhà máy lắp ráp Silverton (Pretoria) và nhà máy động cơ Struandale (Port Elizabeth). Thái Lan, đóng cửa nhà máy Ford Motor Thái Lan. Trước đó, từ 21/3, Ấn Độ đã đóng cửa các nhà máy lắp ráp Chennai, Sanand, Sannand,…
Một thương hiệu lớn nữa là Mercedes - Benz Việt Nam (MBV) cũng bày tỏ lo lắng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài khiến nhu cầu di chuyển giảm dẫn đến cầu giảm, kéo theo giá xe cũng như doanh số bán hàng có thể giảm theo.
Mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, vào cuối tháng 2/2020, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhiều nhất là từ Hàn Quốc với 1,14 tỷ USD (chiếm 28,5%), Nhật Bản 0,72 tỷ USD (18,04%) và từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (18%).
Theo đại diện Cục Công nghiệp nhận định, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, đến khoảng cuối tháng 3, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ thiếu linh kiện phục vụ sản xuất.
Trước bối cảnh các nhà máy ô tô đồng loạt đóng cửa, hàng trăm nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp phải nghỉ việc, thất nghiệp. Trong báo cáo mới đây gửi Chính phủ và các cơ quan chức năng, VAMA đề xuất giảm 50% thuế suất thuế Giá trị gia tăng, 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô.
Ngoài ra, VAMA cũng đề nghị giãn thời gian nộp thuế Giá trị gia tăng và Thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 3 tới 9/2020; giãn nộp thuế Thu nhập DN đến kỳ quyết toán năm 31/3/2021; giãn thời gian nộp thuế tại khâu nhập khẩu trong năm 2020. Theo giới chuyên môn nhận định, nếu Chính phủ chấp thuận giảm các loại thuế phí theo đề xuất của VAMA, giá ô tô sẽ giảm rất sâu trong thời gian tới.