Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, từ khi ổ dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển vào ngày 29/5/2019, đến nay dịch xảy ra tại 2.507 hộ dân (chiếm 13,5% số hộ chăn nuôi toàn tỉnh).
Bên cạnh đó, dịch đã xuất hiện tại 85/101 xã, phường, thị trấn (chiếm 84% đơn vị cấp xã) của 9/9 huyện thành phố.
Số lợn bệnh chết do dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy là gần 11.600 con, với tổng trọng lượng trên 746 tấn. Từ ngày 27/3/2020 đến nay, 85 xã có ổ dịch đã qua 30 ngày không phát sinh thêm dịch bệnh. Do đó, có thể khẳng định Cà Mau đã cơ bản chấm dứt dịch tả lợn Châu Phi.
Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tái đàn lợn cũng như tổng kết lại công tác chống dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau, các đại biểu cho rằng bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh là sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo tỉnh và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, các huyện, thành phố.
Từ đó, hầu hết các ổ dịch đều được phát hiện kịp thời, công tác khoanh vùng, xử lý được thực hiện triệt để theo quy định. Cà Mau là một trong những tỉnh, thành có số lượng tiêu hủy lợn do bệnh dịch tả lợn Châu Phi thấp nhất cả nước.
"Tuy nhiên, không vì thế mà ngành chức năng và người dân có thể chủ quan, lơ là trước tình hình trên. Bởi theo Bộ NNPTNT, hiện dịch bệnh lại tái bùng phát lại sau 30 ngày tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, hiện nay giá lợn hơi đang tăng cao, công tác tái đàn nhanh, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn rất hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát và lây lan trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao" - ông Nguyễn Thành Huy - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau thông tin.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, tổng đàn lợn tái đàn đến thời điểm này là 46.000 con. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường đang khan hiếm con giống, giá tăng cao nên việc tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi gặp không ít khó khăn.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chợ truyền thống của tỉnh Cà Mau hiện giá sườn lợn ở mức 130.000-140.000 đồng/kg, thịt ba chỉ ở mức 120.000 đồng/kg, thịt đùi có giá khoảng 110.000-120.000 đồng/kg, trung bình tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg so với thời điểm Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, ông Dương Hữu Tảng - Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho rằng: Dịch tả lợn châu Phi làm giảm 12% tổng đàn, làm mất cân đối cung cầu, giá lợn tăng cao kỷ lục. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp giảm giá lợn hơi xuống dưới 70.000 đồng/kg, nhưng giá lợn hơi vẫn tăng cao.
Vì vậy, theo ông Tảng, thực hiện kế hoạch tái đàn ngay từ bây giờ là rất cần thiết, bởi khi tăng đàn lợn cung cầu cân đối, giá sẽ giảm là tất yếu.
Theo đánh giá của Sở NNPTNT, thực tế tình hình chăn nuôi lợn hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau phần lớn là theo nông hộ nhỏ lẻ, áp dụng kinh nghiệm truyền thống.
Thực tế đó không chỉ gây hạn chế trong việc áp dụng kỹ thuật, khoa học dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm không cao mà còn ảnh hưởng lớn đến khả năng quả lý, ứng phó trước các loại dịch bệnh một khi xảy ra.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: "Dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã bộc lộ nhiều nhược điểm trong cách thức chăn nuôi hiện nay. Trong đó, rõ nhất là việc nhiều địa phương đã lúng túng khi thống kê bước đầu tổng đàn lợn hiện có của địa phương mình. Từ đó, bị động trong triển khai công tác phòng chống dịch".
Từ đó, ông Lê Văn Sử đã chỉ đạo Sở NNPTNT cần nhanh chóng tập trung nghiên cứu sắp xếp lại bố cục kế hoạch, quy hoạch chăn nuôi tập trung. Trong tái đàn cần có đánh giá tình hình để dự báo và đưa ra kế hoạch, chăn nuôi phải đảm bảo an toàn sinh học.
Đối với việc quản lý vận chuyển, giết mổ và kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh cần rà soát lại quy hoạch, bổ sung đầu tư xây dựng điểm giết mổ lợn tại các huyện còn thiếu…