Hàng loạt trụ điện, ngõ phố tại quận Đống Đa, Thanh Xuân tràn làn tờ rơi quảng cáo tín dụng đen, dán khắp nơi sau thời gian dãn cách xã hội.
Lợi dụng việc cần tiền của những người khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đối lượng "tín dụng đen" đã tung ra nhiều chiêu trò khác nhau nhằm thu hút con mồi để kiếm lợi nhuận.
Những tờ giấy còn mới, với lời mời chào "vay nhanh, hỗ trợ tài chính, phí thấp, liên hệ ngay", phía dưới chi chít số điện thoại được dán trên tường, tủ điện.
Kèm theo đó là những dòng chữ quen thuộc "xin đừng bóc tôi, sẽ có lúc bạn cần tôi".
Liên hệ với một số điện thoại 08669xxxx, PV được thông tin, nếu vay 10 triệu đồng được lấy về 8 triệu đồng và phải trả trong vòng 50 ngày, mỗi ngày 200 nghìn đồng, còn vay 20 triệu thì vay trong vòng 100 ngày, nhận về 16 triệu.
Nghĩa là cứ 10 triệu đồng, người vay phải cắt lãi ngay 2 triệu đồng, chiếm 20% số tiền cần vay.
Cứ như thế, càng vay nhiều thì lãi càng nhiều. Để có tiền, người vay cần phải có một số giấy tờ liên quan như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, đăng kí hoặc bằng lái xe.
Nguyễn Văn Mạnh (26 tuổi, quê Thái Bình trú tại Đống Đa, TP.Hà Nội) cho biết, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, từ quê lên nhìn đâu cũng thấy hỗ trợ tài chính vay tiền dán kín trong từng con ngõ.
"Ngày xưa lúc sinh viên tôi cũng dại dột vay một lần. Vay 5 triệu đồng mà nhận được có 4 triệu đồng rồi è cổ trả lãi từng ngày. Không trả kịp, lãi mẹ đẻ lãi con lên gần chục triệu.
Nếu không trả, chúng nó có địa chỉ đến khủng bố ghê lắm. Sau mình đành nói bố mẹ vay tiền rồi trả, từ đó là khiếp luôn", Mạnh kể.
Theo anh Mạnh, thủ tục bên cho vay làm đơn giản, đúng là giải ngân trong ngày thật. Nhưng khi đã vướng vào là không dứt ra được, không trả tiền theo ngày được thì không xong.
Bên cạnh đó, đánh vào tâm lý nhiều người có những khoản vay ngân hàng cần trả nợ, nếu không muốn trở thành nợ xấu hoặc bị nợ xấu không thể vay được vốn, các đường dây cho vay nặng lãi đã tận dụng cơ hội này để kiếm lợi.
Cứ bốc chỗ này trả chỗ kia, đến khi không vay được nữa thì vỡ nợ, bị nhóm người này đòi nợ ráo riết.
Trước đó, nhiều đối tượng đã bị bắt vì tổ chức cho vay nặng lãi, vay tín dụng đen, tuy nhiên đến nay tại một số nơi vẫn còn tái diễn tình trạng này.