Bởi vì nhắc đến tên ông, người ta nhớ ngay đến "Thu, hát cho người", "Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang", "Điệu buồn phương Nam"… và đặc biệt là những bài bình thú vị, hóm hỉnh của ông về tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung.
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn tỏ lòng thương tiếc khi nói về đàn anh đồng hương của mình: "Anh Vũ Đức Sao Biển là một nhà báo, một nhạc sĩ có những đóng góp cho âm nhạc Việt Nam, dù không học bài bản, chuyên nghiệp. Những tác phẩm của anh thường đậm tính dân ca của mỗi vùng đất".
Còn nghệ sĩ Xuân Hương nhớ mãi những kỷ niệm về anh Đồ Bì (bút danh của Vũ Đức Sao Biển), người gắn bó với chị qua nhiều tiểu phẩm hài và những tác phẩm đa dạng đủ thể loại của ông.
"Có những người mà khi hát lên bài hát của họ, chỉ cần bài hay là mình thích, mình hát, cho dù chưa biết tường tận về tác phẩm hay nhạc sĩ đó. Vũ Đức Sao Biển là người như vậy. Tôi rất thích hát bài Thu, hát cho người", chị cho biết.
Ấn tượng của nghệ sĩ Xuân Hương khi lần đầu gặp nhạc sĩ ngoài đời là trông ông hoàn toàn khác với những gì chị nghĩ. "Ẩn đằng sau nụ cười hiền từ, đôn hậu khiến ai cũng "lầm" là một sự "nổi loạn" rất đáng yêu được thể hiện trong chữ nghĩa của ông. Đọc truyện của ông, tôi cứ cười mãi, cứ nghĩ ngoài đời ông phải hóm hỉnh, cà tưng ghê lắm! Ai ngờ ổng hiền khô, ít nói", nghệ sĩ chia sẻ.
Trên trang cá nhân, nghệ sĩ Xuân Hương viết những dòng chân tình đưa tiễn nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: "Em "quen" anh từ năm 1984 qua báo Tuổi Trẻ Cười (TTC) từ những số đầu tiên, lúc đó em đang học ở Moscow. Em đã cười ngặt nghẽo với những bài viết của các bậc tiền bối - trong đó có anh. Rồi từ đó em luôn đọc ngấu nghiến báo TTC mỗi khi có dịp.
Em cũng không ngờ mình lại có vinh hạnh được nằm trong đám hậu duệ của các bậc cha chú và bậc đàn anh để rồi được gặp và được nói chuyện với anh. Thật ra, em được làm việc với anh ở báo Pháp luật khi anh còn làm ở đó trong những chương trình sự kiện của báo. Em đã rất mê đọc những bài viết về những cuộc xử kiện cười ra nước mắt trên báo Pháp luật. Hơn thế nữa, anh còn viết tiểu phẩm định rằng hai anh em sẽ cùng gặp nhau trong một "vụ án" trên sân khấu qua tiểu phẩm của anh. Hai anh em đã tập với nhau, cùng nói bằng giọng Nẫu của quê hương anh, cùng phân tích từng câu, từng chữ anh thể hiện, rồi hai anh em cười giòn tan không dứt.
Hôm nay anh đã không còn đùa với mọi người trên TTC nữa. Anh đã bay về nơi bình yên nhất ở chốn xa xôi. Em chỉ nói tạm biệt anh chứ không phải là vĩnh biệt".
Nói về người đồng nghiệp của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên xúc động: "Những ca khúc của anh mang hơi thở của nhiều vùng miền. Là người con của đất Quảng Nam, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển rất đa tài trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, từ sáng tác nhạc, viết văn, viết báo, nghiên cứu biên khảo, dịch thuật…
Những năm tháng sống ở Bạc Liêu đã cho Vũ Đức Sao Biển nhiều kỷ niệm và cảm xúc, sau này anh đã viết một loạt ca khúc về quê hương Bạc Liêu mang âm hưởng dân ca Nam bộ, đậm đà chất liệu từ bài "Dạ cổ Hoài lang" nổi tiếng của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Nhiều ca khúc đã đi vào lòng người như: Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Điệu buồn Phương Nam, Đau xót lý chim quyên, Trở lại Bạc Liêu… bên cạnh bài hát nổi tiếng nhất của anh, viết năm 1968: Thu, hát cho người."
Những ca khúc của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thường dạt dào cảm xúc. Ông quan niệm: "Tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong mọi sáng tác âm nhạc là cảm xúc phải trung thực", "Sáng tác là tạo ra cái mới, phải làm ra cái mới tinh tuyền chứ không thể lặp lại chính mình".
Người ta còn nhớ mãi câu hát của ông viết cho người con gái đi qua đời ông với mối tình sâu nặng: "Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa/Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ" (Thu, hát cho người).
Nói như Vũ Đức Sao Biển: "Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người/Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi". Thôi ông đi, như cánh hạc về trời!".