Dân Việt

Vụ Hồ Duy Hải: 6 điểm nhấn trong phiên giám đốc thẩm trước khi tòa phán quyết

PVCT 08/05/2020 13:47 GMT+7
Theo chương trình dự kiến, chiều nay (8/5), Hội đồng giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải sẽ ra quyết định sau 3 ngày xét xử. Diễn biến của phiên giám đốc thẩm này có những điểm nhấn rất đáng chú ý.

1. Điều tra viên thừa nhận sai sót: Tại phiên giám đốc thẩm, khi trả lời câu hỏi tại sao khám nghiệm hiện trường không thu được vật chứng cái thớt (dụng cụ gây án theo lời khai của Hồ Duy Hải), đại diện Cơ quan điều tra nói: "Do sơ suất của điều tra viên trong khám nghiệm hiện trường, nhận định của điều tra viên còn hạn chế, chưa xác định rõ dấu vết, nhận định khả năng hung khí gây ra là dao nên trong quá trình khám nghiệm không chú tâm vào hung khí là thớt. Đây là thiếu sót của cơ quan điều tra, xin nhận khuyết điểm này".

Đại diện Cơ quan điều tra cũng lý giải, việc mua dao, thớt không phải xác định công cụ gây án mà mua để nhận dạng. Theo Cơ quan điều tra, sau khi bị bắt, Hồ Duy Hải khai rửa sạch dao và giấu vào vách tường. Khi bàn giao lại hiện trường, Bưu điện cho người dọn dẹp; nhân chứng thu được dao nhưng sau đó đem đốt bỏ. "Đó là sơ suất của Cơ quan điều tra", vị đại diện thừa nhận.

Vụ Hồ Duy Hải, những điểm nhấn trong phiên giám đốc thẩm trước khi tòa quyết định - Ảnh 1.

Hội đồng giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải (ảnh Báo Công lý).

2. Một chi tiết khác là kết luận về thời gian Hồ Duy Hải có mặt ở bưu điện đều từ những chứng cứ gián tiếp. Theo đại diện Viện KSNDTC, ngoài dữ liệu của bưu điện có cuộc điện thoại của Hải nhưng là từ buổi trưa (lúc 11h25 ngày 13/1/2008), không có ý nghĩa chứng minh gì.

Trong khi lời khai của nhân chứng chỉ nói nhìn thấy có một thanh niên, cũng chỉ nói về khoảng thời gian là "khoảng 19h nhìn thấy"; thấy "có ánh đèn màu sáng" nhưng cũng không có căn cứ chứng minh đấy là điện thoại. Người bán hoa quả gần bưu điện cũng chỉ xác nhận có chị V. đến mua hoa quả, còn không xác nhận được người đưa tiền cho V. mua hoa quả là Hải.

Đại diện Viện KSNDTC đề nghị cần thực nghiệm lại hiện trường vụ án. Trong đó tính cả thời gian Hải có mặt ở tiệm cầm đồ, đi trả xe... rồi từ đó đến bưu điện.

Vụ Hồ Duy Hải, những điểm nhấn trong phiên giám đốc thẩm trước khi tòa quyết định - Ảnh 2.

Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải (ảnh Báo Công lý).

3. Tại phiên giám đốc thẩm có 3 tài liệu quan trọng của các cơ quan tố tụng Trung ương được công bố. Thứ nhất là Bản phúc cung của Viện KSNDTC thẩm tra vụ án trước khi trình Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải.

Thứ 2 là Báo cáo của liên ngành tư pháp Trung ương (khi Chủ tịch nước yêu cầu xem xét lại vụ án này vì có đơn kêu oan, liên ngành Tư pháp Trung ương đã thành lập Tổ thẩm định để thẩm tra).

Thứ 3 là Báo cáo thẩm định độc lập của Bộ Công an về vụ án Hồ Duy Hải sau khi Viện KSNDTC kháng nghị.

Tại bản phúc cung ngày 27/9/2011 được lấy tại Trại tạm giam tỉnh Long An. Thành phần tham gia lấy lời khai gồm: Đỗ Xuân Tựu, Phó vụ trưởng Vụ III – Viện KSNDTC; Lê Ngọc Khánh, Kiểm sát viên; Lê Ái Dân, VKSND tỉnh Long An.

Tại Bản phúc cung này Hải khai rất rõ ràng từng chi tiết hành vi gây án. Hải cũng khẳng định suốt quá trình điều tra, hỏi cung không bị bức cung, nhục hình mà tự nguyện khai nhận hành vi của mình. Cuối bản phúc cung Hải nói "việc phạm tội do con gây ra, con chỉ xin được giảm nhẹ hình phạt".

Trong bản báo cáo độc lập của Bộ Công an cho rằng, quá trình điều tra ban đầu có một số vi phạm thiếu sót. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra đã cố gắng khắc phục, thu thập các chứng cứ để chứng minh các tình tiết xác định sự thật của vụ án. Vì vậy, những vi phạm thiếu sót đó không làm thay đổi bản chất của vụ án.

Vụ Hồ Duy Hải, những điểm nhấn trong phiên giám đốc thẩm trước khi tòa quyết định - Ảnh 3.

Cơ quan điều tra giải trình những nội dung trong vụ án (ảnh Báo Công lý).

4. Một vấn đề nữa được nêu ra trong phiên giám đốc thẩm là dấu vân tay thu được tại hiện trường có phải của Hồ Duy Hải không?

Tại Bút lục 53 nêu rõ, Bản kết luật giám định số 158/KL-P21 ngày 11/4/2008 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận: các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải.

Lý giải về vấn đề này, đại diện Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An khẳng định việc thu giữ dấu vân tay và khám nghiệm hiện trường vụ án được tiến hành theo đúng quy định. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An cho biết, đã tiến hành lấy mẫu vân tay tại hiện trường vụ án và khu vực nhà vệ sinh. Kết quả không thu được dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Điều này phù hợp với lời khai của Hải tại các lời khai trước đó. Cụ thể, tại các biên bản hỏi cung, Hải khai nhận, sau khi giết hai nạn nhân đã ra nhà vệ sinh rửa tay và dao nên dấu vân tay không lưu lại tại đây.

Vụ Hồ Duy Hải: Buộc tội phải dựa vào nguyên tắc cơ bản của luật hình sự

Ngoài ra, Cơ quan điều tra thu thập 144 vân tay, trong đó 119 vân tay liên quan đến vụ án, ngoài ra còn giám định 25 vân tay các thành phần tham gia tiến hành khám nghiệm hiện trường để giám định.

5. Tại phiên giám đốc thẩm, Chủ tọa phiên tòa cho biết, luật sư Trần Hồng Phong (người bào chữa cho Hồ Duy Hải) có đơn tố giác hai đối tượng Nguyễn Văn N và Nguyễn Mi S liên quan đến vụ án. Đề nghị Điều tra viên làm rõ dựa vào căn cứ nào để loại trừ Nguyễn Văn N và Nguyễn Mi S?

Điều tra viên cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan Công an tiến hành bảo vệ hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập các tài liệu liên quan đến vụ án.

Nguyễn Văn N và Nguyễn Mi S là hai nhân vật bị tình nghi, tuy nhiên quá trình giám định dấu vân tay nhưng kết quả không trùng khớp với dấu vân tay tại hiện trường. Ngoài ra, tại thời điểm xảy ra vụ án, cả hai người này đều có bằng chứng ngoại phạm.

6. Tại phiên giám đốc thẩm, đại diện Viện KSNDTC cho rằng nội dung kháng nghị đã chỉ rõ các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.

Vì sao Hội đồng giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải có tới 17 thành viên?

Khi đối đáp về vấn đề một thành viên Hội đồng Thẩm phán nêu ra, đó là giả sử Hội đồng chấp nhận hủy bản án đó đi thì những nội dung này có khắc phục được không? 

Đại diện Viện KSND Tối cao đã nói: "Trước hết, chúng ta phải thống nhất với nhau rằng đây là những vi phạm nghiêm trọng. Nếu hủy bản án, có điều tra lại được hay không là việc của cơ quan điều tra. Bởi vì thời gian từ năm 2008 đến nay rồi, vật chứng, dấu vết đó có còn hay không, có làm được không, đó là việc của cơ quan điều tra".

Vị đại diện Viện KSNDTC cũng nhấn mạnh kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan. Kháng nghị đề nghị hủy bản án, điều tra lại để làm rõ những vấn đề về thủ tục điều tra, tố tụng.

Theo thông báo của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, đúng 15h30 chiều 8/5, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ công bố quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.