Thạc sĩ Tài chia sẻ: "Tôi là người có chút kiến thức về pháp luật tố tụng hình sự (TTHS). Tôi đã 16 năm kinh qua công tác thực tế. Khi biết thông tin việc Viện trưởng Viện KSND Tối cao kháng nghị vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, tôi nghĩ rằng HĐTP TAND Tối cao sẽ hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm, để trả về cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. Mặc dù tôi không được đọc hồ sơ, nhưng qua theo dõi vụ án từ 2014 đến nay thì những vi phạm tố tụng mà báo chí đăng tải là có thật. Khi có sự vi phạm như vậy phải hủy án để điều tra lại thì mới thuyết phục".
Khi HĐTP tuyên án "bác toàn bộ kháng nghị" của Viện VKSND Tối cao, ông thấy thế nào?
- Tôi rất thất vọng với phán quyết đó của HĐTP giám đốc thẩm. Bởi vì quá trình khám nghiệm hiện trường và điều tra có quá nhiều sai phạm. Và, những sai phạm ấy là không thể chấp nhận được trong hoạt động tố tụng, kể cả ở những vụ án ít nghiêm trọng. Huống gì đây là vụ giết 2 mạng người, vụ án đặc biệt nghiêm trọng…
Theo tôi, khi hoạt động tố tụng có sai phạm nghiêm trọng như vậy thì cho dù bị cáo có thái độ tâm lý trong khai báo thế nào đi nữa, Hội đồng xét xử cũng phải hủy án. Không thể cho lý do rằng hủy án rồi cũng không khắc phục được những vi phạm nên cho qua. Làm như vậy là tạo tiền lệ xấu, sau này thực tiễn hoạt động điều tra cứ xuê xoa, thoải mái, miễn sao bị cáo nhận tội là được. Và, một hậu quả nữa không thể đo lường được, là làm mất đi sự nghiêm minh của pháp luật TTHS.
Qua các thông tin báo chí đăng tải cho thấy quá trình điều tra vụ án có nhiều sai phạm, ý kiến của ông như thế nào về vấn đề trên?
- Rõ ràng, quá trình điều tra có những sai phạm "chết người", bây giờ mà nói vì sao lại như vậy thì tôi cũng không biết giải thích như thế nào.
Cái sai lầm đầu tiên là không thu giữ cái thớt và không truy tìm kỹ để thu giữ con dao. Người có nghiệp vụ nhạy bén khi đến hiện trường và nhìn những vết thương trên cơ thể nạn nhân là sẽ hình dung được ngay là nạn nhân bị giết bằng vật sắc nhọn (đa phần là dao), những vết tổn thương khác cũng sẽ cho điều tra viên nhận định hung thủ có dùng thêm vật cứng (vật tày) trong lúc giết người.
Khi đó, đòi hỏi Hội đồng khám nghiệm hiện trường phải kiểm tra tỉ mỉ mọi ngõ ngách nơi đó, phải ghi nhận và thu giữ tất cả đồ vật, kể cả có mẫu tàn thuốc lá cũng phải thu giữ. Thực tế làm cho quá trình xử lý vụ án rắc rối như vậy là xuất phát từ thiếu sót cơ bản đầu tiên này.
Vấn đề không thể chấp nhận thứ hai, là mẫu máu và vân tay. Không có lý do gì mà CQĐT không ra quyết định trưng cầu giám định ngay đối với mẫu máu nghi là của hung thủ tại hiện trường. Rồi mẫu vân tay, điều bắt buộc là phải thu tất cả mẫu vân tay của đối tượng nghi vấn để so sánh và từ đó CQĐT loại dần đối tượng tình nghi. Nhưng, họ lại không thu vân tay của ai ngoài Hồ Duy Hải. Khi kết luận mẫu vân tay của bị cáo không trùng khớp thì họ cũng cho qua. Thật tình tôi không hiểu.
Về hung khí gây án trong vụ án này là con dao và cái thớt, có thông tin là do CQĐT nhờ người mua ở chợ khi tiến hành thực nghiệm hiện trường, ông ý kiến như thế nào?
- Như tôi đã nói, khi khám nghiệm hiện trường và điều tra, CQĐT phải thu cho được hung khí gây án. Khi không thu giữ được thì trên cơ sở mô tả của người phạm tội và nhân chứng (nếu có), CQĐT hoàn toàn có quyền cho nghi can và nhân chứng nhận dạng vật cùng loại.
Việc đi mua dao, thớt hay mang đồ ở nhà đến để làm vật cho nhận dạng là không sai. Vấn đề này sai ở chỗ là chỉ đưa ra 1 con dao, 1 cái thớt (quy định là phải từ 3 đồ vật trở lên) cho bị cáo nhận dạng, từ đó dẫn đến quá trình nhận dạng không đúng thủ tục, làm biên bản nhận dạng không có giá trị gì cả.
Nhân chứng Đinh Vũ Thường là nhân chứng duy nhất của vụ án, nhưng người này cho biết không được triệu tập trong các phiên xét xử; có những tình tiết mâu thuẫn trong lời khai do cơ quan cảnh sát điều tra cung cấp và luật sư cung cấp, rất trái ngược nhau… Ông nhìn nhận và đánh giá như thế nào về nhân chứng này trong vụ án?
- Theo thông tin công khai trên báo chí mấy ngày qua thì quá trình điều tra, CQĐT chưa khai thác tốt những thông tin mà nhân chứng này có được. Đây cũng là một sai phạm nghiêm trọng nữa. Khi xảy vụ án giết người, nếu có người biết thông tin liên quan hoặc nhìn thấy hung thủ là một điều rất may mắn cho CQĐT.
Từ lời khai và sự xác nhận của nhân chứng về hung thủ sẽ góp phần cho việc chứng minh người phạm tội rất thuận lợi. Tôi có cảm giác như CQĐT có gì đó qua loa khi khai thác vấn đề rất quan trọng này.
Xin cảm ơn ông!