Lưu Phong (?-220) là tướng nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là con nuôi Lưu Bị (hoàng đế sáng lập nước Thục Hán).
Lưu Phong vốn có tên là Khấu Phong, mẹ ông họ Lưu, dòng dõi hoàng tộc nhà Hán, em gái Lưu Bật, quan trấn thủ Phàn Thành, người quận Trường Sa.
Năm 200, Lưu Bị giao tranh với Tào Tháo ở Từ Châu bị lạc hết vợ con, chạy về phía nam theo Lưu Biểu. Khi Lưu Bị được Từ Thứ giúp đánh bại quân đội của Tào Nhân, lúc ấy Khấu Phong khoảng hơn 10 tuổi. Lưu Bị gặp Khấu Phong tỏ ra quý mến và nhận ông làm con nuôi. Từ đó ông mang tên là Lưu Phong.
Lưu Phong lớn lên có sức khỏe, học võ nghệ. Năm 214, ông theo Trương Phi, Triệu Vân vào Ích Châu giúp Lưu Bị đánh Lưu Chương. Do tham gia chiến trận có công, Lưu Phong được phong làm Phó quân trung lang tướng.
Sau đó, Lưu Phong theo lệnh Lưu Bị mang quân từ Hán Trung men theo sông Hán Thủy thuận dòng đến quận Thượng Dung hội binh với Mạnh Đạt cùng đánh Thái thú Thân Đam của Lưu Chương. Lưu Phong được giao làm tổng chỉ huy. Thân Đam đầu hàng, Lưu Phong được Lưu Bị phong làm Phó quân tướng quân, trấn thủ quận Phòng Lăng (mới đặt thuộc Kinh Châu, giáp Ích Châu).
Năm 219, Quan Vũ bắc phạt, tấn công Phàn Thành, giành chiến thắng trước quân của Tào Nhân. Tuy nhiên Phàn Thành vẫn còn nằm trong tay quân Tào, Quan Vũ xua quân vây thành, tình hình nghiêm trọng đến nỗi Tào Tháo muốn bỏ quốc đô Hứa Xương chạy về phía bắc.
Điển Lược viết: Vũ vây Phàn Thành, sai sứ đến xin Quyền xuất binh giúp đỡ, song Quyền chẳng vội vã tiến binh, chỉ phái quan chủ bạ đến báo cho Vũ biết. Vũ giận vì đợi lâu, lại bởi lúc ấy mới bắt được bọn Vu Cấm, bèn mắng rằng: "Tặc tử sao dám vậy, ví như lấy xong Phàn Thành, ta chẳng thể diệt hắn ư!" Quyền nghe nói vậy, biết Vũ coi rẻ mình, mới vờ viết thư tạ lỗi, hứa sẽ xuất binh giúp Vũ.
Tuy nhiên, Tôn Quyền, bực mình vì những hành động khiêu khích của Quan Vũ trước đó (bao gồm cả việc cướp lấy lương thực của Tôn Quyền để dùng cho chiến dịch bắc phạt), nắm lấy cơ hội này, sai Lã Mông cất quân dùng kế áo trắng qua đò mà đánh vào Kinh Châu. Hai tướng My Phương và Phó Sĩ Nhân bất bình với Quan Vũ, bèn dâng Giang Lăng và thành Công An cho Tôn Quyền. Quan Vũ hạ lệnh giải vây Phàn Thành rút lui về Kinh Châu, mới biết Giang Lăng và Công An đã mất, phải chạy về Mạch Thành (Phía đông nam đường từ Hồ Bắc tới Đương Dương).
Sau khi thất thế trước Tôn Quyền, Quan Vũ đã yêu cầu thêm viện binh, tuy nhiên hai tướng Thục Hán trú đóng ở gần ông khi đó là Mạnh Đạt và Lưu Phong đều án binh bất động.
Tháng Chạp năm 219, Tôn Quyền sai người dụ hàng Quan Vũ. Quan Vũ giả vờ đầu hàng, nhưng lại dẫn 10 kỵ quân chạy tới Lâm Thư nằm ở tây bắc Tương Dương thì bị tướng Ngô là Chu Nhiên và Phan Chương bắt mang về. Từ đó Đông Ngô khống chế toàn bộ phía nam sông Trường Giang, gồm Kinh Châu và Dương Châu.
Cuối cùng tới năm 220, Tôn Quyền giết chết Quan Vũ, sai người mang đầu ông đến Lạc Dương nộp cho Tào Tháo. Tào Tháo hậu táng cho Quan Vũ, lại phong Tôn Quyền làm Phiêu kị tướng quân, Kinh châu mục, tước Nam Xương hầu, nhằm làm Lưu Bị thù hận Tôn Quyền.
Sau cái chết của Quan Vũ, Lưu Bị đã vô cùng oán hận con nuôi Lưu Phong và tướng Mạnh Đạt ở Phòng Lăng vì không đáp ứng yêu cầu xuất quân trợ chiến của Quan Vũ khiến Quan Vũ phải đơn độc chiến đấu với quân Tào rồi đến quân Ngô nên ra lệnh triệu tập 2 người.
Khoảng cuối tháng 8 đến cuối tháng 9/220, Mạnh Đạt sợ hãi quay đầu hàng Tào, anh em Thân Đam, Thân Nghi ở Tây Thành và Thượng Dung cũng hàng Tào.
Cùng lúc ở Lạc Dương, Tào Tháo qua đời, Tào Phi lên nối ngôi Ngụy vương, tiếp nhận sự đầu hàng của Mạnh Đạt và Thân Đam.
Lưu Phong ở Phòng Lăng không theo hai người hàng Ngụy, bị Thân Đam và Từ Hoảng theo lệnh Tào Phi mang quân tới đánh. Lưu Phong thua trận bỏ chạy về Thành Đô, Lưu Bị lập tức sai người bắt giữ. Gia Cát Lượng khuyên Lưu Bị nên giết Lưu Phong, Lưu Bị nghe theo và mang Lưu Phong ra xử tử.
Việc Gia Cát Lượng khuyên Lưu Bị giết Lưu Phong, có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau của các sử gia. Trần Thọ trong Tam quốc chí cho rằng vì Gia Cát Lượng lo cho tương lai Thục Hán có sự tranh chấp ngôi thừa kế Lưu Bị giữa Lưu Phong (con nuôi) đã trưởng thành và thái tử Lưu Thiện (con đẻ) còn nhỏ. Các sử gia hiện đại không đồng tình với Trần Thọ, cho rằng ngôi thái tử của Lưu Thiện đã lập nên đó không phải sự lo lắng của Gia Cát Lượng, mà Gia Cát Lượng muốn trị tội Lưu Phong vì không nghe lệnh Quan Vũ, khiến Thục Hán đã mất Kinh Châu sau đó lại làm mất quận Phòng Lăng.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung, chân dung Lưu Phong được mô tả gần sát với sử sách. Ông xuất hiện từ hồi 36 được Lưu Bị nhận làm con nuôi đến hồi 79 thì bị Lưu Bị xử tử.