Dân Việt

26 ngày không có ca Covid-19, Việt Nam phải "bao đê cho chặt"

Diệu Linh 12/05/2020 20:45 GMT+7
Tính đến 18h ngày 12/5, Việt Nam đã trải qua 26 ngày không phát hiện ca Covid-19 mới tại cộng đồng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa công bố hết dịch Covid-19, vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài.


26 ngày không có ca Covid-19, Việt Nam phải "bao đê cho chặt" - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, đóng góp các sáng kiến, bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: VGP

Chủ động thiết bị chống dịch

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 12/5, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay Việt Nam đã qua 26 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Hoạt động giám sát được triển khai đối với các nhóm nguy cơ như người có triệu chứng cảm, cúm, ho, sốt tại cơ sở y tế; những nơi có đông người lao động; khu vực có nguy cơ dịch tễ…

Hiện mỗi ngày Việt Nam xét nghiệm khoảng gần 2.000 mẫu và đến nay đã có thực hiện xét nghiệm 275.000 mẫu, phát hiện 288 trường hợp nhiễm Covid-19, phần lớn ở trong cơ sở cách ly. Đánh giá dịch tễ học về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện rất thấp.

26 ngày không có ca Covid-19, Việt Nam phải "bao đê cho chặt" - Ảnh 2.

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Ảnh: VGP

Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. 

Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 ở tất cả các tuyến. Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị… trong nước.

Ban Chỉ đạo Quốc gia tập trung hoạt động điều phối các ban ngành, tổ chức, lực lượng chính trị, lực lượng phòng, chống dịch.

Công an, quân đội, bác sĩ phải luôn sẵn sàng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam phải "bao đê cho chặt", nghĩa là phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.

Các lực lượng phòng, chống dịch như y tế, quân đội, công an… không được nghỉ ngơi, luôn trong trạng thái sẵn sàng. Đơn cử, ngành y tế tiếp tục triển khai nghiên cứu về thuốc, vaccine, phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khoẻ điện tử từng người dân… Lực lượng quân đội, công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung.

Tại cuộc làm việc, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia cũng đặc biệt lưu ý trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong thực hiện nghiêm việc cách ly đối với những chuyên gia, lao động kỹ thuật cao tại các cơ sở lưu trú ở địa phương.

Các bộ ngành, địa phương phải thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng, ban hành các bộ tiêu chí an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt hàng ngày… trên tinh thần dịch vẫn còn kéo dài.

WHO muốn chia sẻ kết quả của Việt Nam vơi quốc tế

Tham dự cuộc họp, TS Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp rất nhanh, hiệu quả đã được triển khai thời gian qua. 

26 ngày không có ca Covid-19, Việt Nam phải "bao đê cho chặt" - Ảnh 3.

TS Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP

“Các bạn nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả… Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế”, TS Kidong Park cho biết. 

Chia sẻ cảm giác an toàn khi sống, làm việc tại Việt Nam thời gian qua, TS Kidong Park và nhiều chuyên gia quốc tế cảm ơn và đánh giá cao sự chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin đầy đủ của Việt Nam về mọi hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, kể cả số liệu về số ca nhiễm bệnh, số ca điều trị khỏi, và chưa có ca nào tử vong.

TS. Kidong Park cho biết thêm, vài ngày trước, nhóm chuyên gia của WHO đã tham gia một cuộc họp kỹ thuật thảo luận về cập nhật hướng dẫn quản lý Covid-19, chiến lược xét nghiệm và trường hợp tử vong của bệnh nhân 251. Đây là bệnh nhân Covid-19 từng được công bố khỏi bệnh và xuất viện. Tuy nhiên, ngày 1/5, bệnh nhân này đã tử vong. Kết luận cho biết, bệnh nhân này tử vong do xơ gan giai đoạn cuối. 

“Chúng tôi đã rà soát toàn bộ quá trình nhập viện, điều trị bệnh nhân 251 và xem xét rất kỹ các xét nghiệm làm cho bệnh nhân này với 6 lần liên tiếp âm tính với virus SARS-CoV-2. Chúng tôi tin tưởng kết quả hội chẩn chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam. Các chi tiết đưa ra hoàn toàn logic, không có lý do nào để cho rằng không chính xác. Sự tin tưởng này là kết quả làm quá trình hợp tác, làm việc lâu dài của WHO, các chuyên gia quốc tế với ngành y tế, các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu dự phòng, dịch tễ tại Việt Nam”, TS Kidong Park khẳng định.

Tình hình các bệnh nhân nặng

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam có 288 ca Covid-19, đã 26 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Ngày 12/5, 3 bệnh nhân (tái dương tính) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM): BN151, BN207, BN224. Như vậy, hiện đã có 252 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. 

Về sức khỏe các bệnh nhân, hiện chỉ còn BN91 nguy kịch, đã được chụp CT để đánh giá chức năng phổi, chiều 12/5 được hội chẩn tiếp tục để đánh giá khả năng ghép phổi.

Bệnh nhân 20 đang vẫy chào mọi người từ buồng bệnh chiều 11/5.

Còn về bệnh nhân 20, bệnh nhân điều trị Covid-19 dài nhất tại Việt Nam (hơn 2 tháng) có sự chuyển biến rất tích cực. Bệnh nhân nhập viện từ ngày 7/3, đến nay đã qua hơn 2 tháng điều trị. Trong đó, không ít lần bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch, ngừng tuần hoàn 3 lần, phải đặt ECMO, lọc máu, thở máy.

Hiện người phụ nữ 64 tuổi này ban ngày thở khí phòng, chiều tối thở oxy kính. Bệnh nhân 20 đã nhiều lần âm tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân tự túc ăn cơm, uống nước, được bù nước điện giải, điều trị hỗ trợ.