Cụ thể, ngày 12/6/2019, Toà án Nhân dân tỉnh Thái Bình đã tuyên án sơ thẩm đối với 2 bị cáo Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962, Thái Bình), bà Phạm Thị Quyết (SN 1967, Thái Bình).
Cả 2 bị cáo này bị tuyên phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Thẩm phán, chủ toạ phiên toà sơ thẩm xét xử vợ chồng chủ doanh nghiệp Lâm Quyết (TP.Thái Bình) là bà Lương Hải Yến.
Ông Lẫm bị xử phạt 14 năm tù, bà Quyết bị xử phạt 13 năm tù.
Trong phiên phúc thẩm của Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội, HĐXX phúc thẩm nhận định, cáo trạng, bản án sơ thẩm cũng như nội dung kháng cáo, lời khai của các bị cáo, bị hại… cho thấy còn nhiều vấn đề cần thận trọng xem xét, đánh giá.
Theo đó, nhiều chứng cứ quan trọng cần thu thập thêm để xem xét khi quy kết hành vi của các bị cáo.
Đầu tiên, Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ, TP.Thái Bình), Bùi Mạnh Tiến (Tiến "trắng", con nuôi Đường Nhuệ) đều cư trú tại số nhà 366 Lê Quý Đôn, là những đối tượng bị vợ chồng ông Lẫm và những người khác tố cáo có hành vi chiếm đoạt công ty, chiếm đoạt tài sản, tiêu hủy tài sản của Công ty Lâm Quyết.
Các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm đã xác định Đường và Tiến tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng là không phù hợp.
"Trong trường hợp này cần xác định Đường và Tiến là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Đồng thời, cấp sơ thẩm ko xác định tư cách tham gia tố tụng của Công ty TNHH Lâm Quyết cũng là thiếu sót trong việc áp dụng quy định của bộ luật tố tụng hình sự" – HĐXX phúc thẩm nhận định.
Về việc xác định tội danh và khoản tiền bị chiếm đoạt, HĐXX thấy rằng để làm rõ hành vi và chứng minh nững tình tiết liên quan đến các lời khai của bị cáo cần điều tra, làm rõ một số nội dung.
Có sự mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo Lẫm và Quyết về việc trả tiền cho ông Tới.
Trước hết phải điều tra làm rõ, có tài liệu là giấy biên nhận đã ký nhận việc trả tiền giữa vợ chồng ông Lẫm với ông Đỗ Văn Tới với tổng số tiền 900 triệu đồng hay không?
Theo bị cáo Lẫm, bị cáo đã trả toàn bộ số tiền 900 triệu đồng cho ông Tới tại văn phòng Công ty Lâm Quyết. Tuy nhiên, tài liệu này đã bị thất lạc trong quá trình Đường Nhuệ cho người chiếm công ty.
HĐXX phúc thẩm thấy rằng, việc điều tra về nội dung này còn sơ sài, việc quy kết hành vi của các bị cáo còn chưa rõ ràng.
Với nội dung vợ chồng ông Lẫm bỏ trốn, cần phải làm rõ việc bỏ trốn có nhằm mục đích trốn nợ và chiếm đoạt tài sản hay không.
"Theo các bị cáo khai nhận trong quá trình điều tra và đặc biệt tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo thừa nhận có việc bỏ trốn.
Song việc bỏ trốn này là do Đường Nhuệ đe dọa đến tính mạng của vợ chồng ông Lẫm nên các bị cáo phải bỏ trốn khỏi nơi cư trú nhằm đảm bảo an toàn đến tính mạng, không phải lý do trốn vì thoái thác trả nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông Tới" – HĐXX nói.
Liên quan việc xử lý chiếc xe ô tô Camry, biển kiểm soát 17K 9966, Tòa sơ thẩm giao xe cho cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình là không phù hợp.
HĐXX phúc thẩm nhận định, cấp sơ thẩm có sự nhầm lẫn về việc xác định vật chứng của vụ án.
Theo biên bản thu giữ xe ô tô vào khoảng 17h ngày 19/3/2018 của Công an TP.Thái Bình, đây là việc xử lý hành chính về hành vi vi phạm quy định về quản lý phương tiện xe cơ giới, tức phương tiện không đeo biển kiểm soát.
"Trong trường hợp này xác định chiếc xe ô tô nhãn hiệu trên không phải là vật chứng" – Toà phúc thẩm nhìn nhận.
Ngoài ra, theo HĐXX phúc thẩm, bản án sơ thẩm thể hiện có sự lúng túng trong việc xử lý tài sản là chiếc xe ô tô Camry.
Cụ thể, bản án sơ thẩm nhận định Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết đã bán cho ông Phạm Công Tự chiếc xe ô tô Camry 2.0, biển kiểm soát 17K 9966 số tiền 800 triệu đồng. Tiền đã nhận đủ và giao toàn bộ giấy tờ xe ô tô, giấy đăng ký, giấy đăng kiểm.
Tuy nhiên, cũng trong phần nhận định lại xác định chiếc xe này là tài sản đảm bảo cho khoản vay của ông Tới, do đó cần tiếp tục quản lý để đảm bảo nghị án việc xử lý như trên là không rõ ràng và không triệt để.