Dân Việt

Hàng loạt trường quốc tế bị phụ huynh "tố" vì thu học phí mùa dịch Covid-19

Bạch Dương 12/05/2020 18:45 GMT+7
Đến thời điểm này, hàng loạt trường quốc tế có tiếng tại TP.HCM như trường VAS, VFIS, AIS Saigon, TAS đã đồng loạt bị phụ huynh phản ứng khi yêu cầu thu đủ học phí, dù học sinh chỉ học online ở nhà trong thời gian nghỉ do dịch Covid-19.
Hàng loạt trường quốc tế bị phụ huynh "tố" vì thu học phí mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Phụ huynh Trường AIS phản đối chính sách học phí mùa dịch Covid-19.

"Choáng" vì con ở nhà mà vẫn phải đóng học phí hàng chục triệu đồng

Sau khi gần 200 phụ huynh Trường Quốc tế dân lập Việt Úc (VAS) tập trung tại trường để phản đối chính sách thu học phí trong mùa dịch Covid-19, nhiều phụ huynh cho biết, họ rất "sốc" khi nhận bảng kê tổng hợp và chi tiết học phí học phần 3, học phần 4 mà trường gửi sau buổi tập trung đó.

Theo các phụ huynh, trường thông báo giảm 70% học phí trong mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ bản thông báo này, thực tế phụ huynh phải đóng đến 130% học phí. Một phụ huynh cho biết, con anh đang học lớp 6, ở học phần 3, tổng số học phí niêm yết là hơn 50 triệu đồng. Học sinh học tại trường từ 2/1 - 31/1 (4 tuần học) với học phí đã sử dụng hơn 21 triệu đồng. Trong 4 tuần học online (từ 17/2 - 13/3), số học phí VAS thu là 30% (hơn 6 triệu đồng).

Như vậy, tổng số tiền phụ huynh đóng là hơn 27 triệu đồng, số tiền còn dư lại của học phần 3 là 23 triệu đồng. Số tiền này sẽ được khấu trừ vào học phần 4 hoặc đóng vào năm sau tùy phụ huynh.

Đối với học phần 4, tổng học phí theo niêm yết hơn 50 triệu đồng. Trong đó, học sinh học online 8 tuần (từ ngày 16/3 - 7/5), trường thu 30% là 11,8 triệu đồng. Từ ngày 8/5 - 15/7 (10 tuần), học sinh sẽ đi học bình thường tại trường với số học phí được thu 49,5 triệu đồng. Ngoài ra, trường thu thêm 10 triệu đồng học phí cho thời gian học bù thêm 2 tuần.

Tổng số học phí phụ huynh phải đóng cho học phần 4 là hơn 71 triệu đồng. Cao hơn so với học phí niêm yết khoảng 20 triệu đồng.

Hầu hết các phụ huynh đều "ngã ngửa" khi học phí học phần 4 bỗng dưng tăng đột biến dù trường đã giảm 70% học phí học phần 3. "Điều này càng khiến chúng tôi thất vọng hơn về cách hành xử của nhà trường. Họ nói luôn lắng nghe, cầu thị phụ huynh song hành động lại đi ngược hoàn toàn", một phụ huynh nói.

Trường Việt Úc cũng nhấn mạnh, việc hoàn trả hay chuyển phí chỉ được thực hiện khi phụ huynh hoàn tất các khoản phí cho năm học 2019 - 2020, bao gồm cả các khoản phí dạy học online.

Cùng thời điểm này, các phụ huynh của Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp lên Bộ GDĐT, UBND TP.HCM, Sở GDĐT TP.HCM vì trường từ chối họp phụ huynh công khai để thỏa thuận học phí online, không tổ chức học bù thỏa đáng nhưng cũng không xem xét hoàn lại học phí cho phụ huynh trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19.

Theo đó, từ ngày 17/2, trường bắt đầu tổ chức dạy học online cho học sinh, tuy nhiên, không phải tất cả môn đều được dạy và thời gian dạy chỉ khoảng 20 phút/tiết. Trong khi đó, phụ huynh đã đóng học phí để con được hưởng giáo dục 40 giờ/tuần và nhiều tiện ích, cơ sở vật chất tại trường. Nhưng khi học online, trẻ chỉ được học khoảng 1,5 - 3 giờ/tuần.

Trước thực tế này, phụ huynh VFIS đề nghị nhà trường xem xét vấn đề dạy bù cho học sinh. Sau đó, nhà trường thông báo sẽ kéo dài năm học thêm 2 tuần so với lịch ban đầu để bù đắp kiến thức thiếu hụt trong quá trình học online. Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng 2 tuần là quá ít để bù đắp lượng kiến thức cho cả 3 tháng nghỉ dịch và tiếp tục gửi kiến nghị đến trường. Nhóm phụ huynh đề nghị thời gian dạy bù ít nhất phải bằng 2/3 thời gian học sinh nghỉ.

Hàng loạt trường quốc tế bị phụ huynh "tố" vì thu học phí mùa dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Đơn kêu cứu của phụ huynh Trường VFIS.

Sau đó, trường ra thông báo sẽ miễn phí khóa hè 3 tuần dành cho các học sinh hiện tại của trường và không đề cập đến việc hoàn phí. Thông báo này tiếp tục gặp phải phản ứng của các phụ huynh. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao VFIS không dạy bù thêm 3 tuần nữa, trong khi trường có đủ nguồn lực để mở khóa hè? Phải chăng trường muốn mở khóa hè để thu tiền từ học sinh bên ngoài mà không muốn dạy bù?

Phụ huynh cho rằng, nếu trường không tổ chức dạy bù một cách thỏa đáng thì phải xác định mức học phí dạy online, trừ vào khoảng học phí đã nộp từ đầu năm, còn lại phải hoàn trả cho phụ huynh. Nhưng trường chỉ đồng ý trả lại tiền ăn và xe đưa rước, không hoàn trả học phí.

Gần 30 phụ huynh có con đang học tại Trường Quốc tế Úc (AIS Saigon) cũng kéo đến trường để phản đối chính sách thu học phí trong thời gian học sinh nghỉ học. Theo các phụ huynh, nhà trường đưa ra chính sách hoàn phí cho học sinh theo tỷ lệ 5% với học sinh trung học, 12% với học sinh tiểu học và 20% với học sinh mầm non trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19. Theo tính toán này của nhà trường, trung bình các phụ huynh được hoàn từ 10-20 triệu đồng cho mỗi học sinh. Theo các phụ huynh, việc này không phù hợp trong khi mức đóng của các phụ huynh trường này dao động từ 419 triệu đồng đến 646 triệu đồng mỗi năm.

Các phụ huynh yêu cầu, nếu trường không thể hoàn học phí phù hợp, phụ huynh đề nghị học sinh được học bù trên tinh thần đúng và đủ so với thời gian nghỉ học để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Mới đây nhất, phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ (TAS) nhận được thông báo yêu cầu đóng học phí cho năm học 2020 - 2021. Trường giữ nguyên mức học phí như năm học hiện tại với điều kiện phụ huynh đóng trước ngày 30/5. Ngoài ra, nhà trường yêu cầu phụ huynh phải đóng tiền giữ chỗ trước 24/4 (20 triệu đồng/học sinh).

Phụ huynh cho rằng, đây là "tối hậu thư vô cảm, vô tâm" của nhà trường ngay giữa đại dịch. Nhất là khi trường không hề đề cập đến việc giảm trừ học phí cho thời gian nghỉ dịch học online. Tiền học phí của Trường TAS mức thấp nhất là gần 290 triệu đồng và mức cao nhất là 632 triệu đồng/năm tùy bậc học, chưa tính tiền ăn uống, đưa đón, phí nhập học.

Tính thời gian hơn 3 tháng nghỉ học, học online không hiệu quả, phụ huynh vẫn bị tính từ 100 đến trên 200 triệu đồng học phí như đi học bình thường. Quá bức xúc, gần 200 phụ huynh ký vào thư phản ánh thì trường thông báo lại, sẽ mức giảm từ 3 - 15% học phí năm học mới tùy bậc học với điều kiện phụ huynh phải hoàn tất học phí trước ngày 15/6. Và trường vẫn không có thông tin gì về việc hoàn, giảm học phí trong thời gian nghỉ học, học online.

Hàng loạt trường quốc tế bị phụ huynh "tố" vì thu học phí mùa dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Phụ huynh Trường TAS bức xúc trước việc thu học phí mùa dịch Covid-19.

Nhà trường né tránh

Sau khi phụ huynh đứng phản đối ở cổng trường, đại diện Trường Quốc tế Úc AIS ra gặp và cho biết, trường chỉ tiếp 15 phụ huynh, từ chối cho báo chí tham gia. Sau hơn 1 giờ làm việc, anh Phạm Đức Cường - đại diện phụ huynh cho biết, cuộc họp có sự tham dự của hiệu trưởng nhà trường, tuy nhiên vị này không có quyền quyết định mà chỉ lắng nghe ý kiến của phụ huynh để chuyển lên ban lãnh đạo. "Cuộc họp hoàn toàn không mang lại kết quả, không có biên bản và chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối", anh Cường nói.

Ban giám hiệu Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan VFIS phân trần, việc học online giữa giáo viên và học sinh diễn ra đều đặn theo thời khóa biểu. Trừ các môn hoạt động ngoài trời, Giáo dục thể chất, Thủ công, Mỹ thuật, Âm nhạc bị thiếu hụt, các môn khác đều được học đủ theo thời khóa biểu bình thường. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tham gia chỉ đạt 60-70% tùy lớp.

Lãnh đạo trường này cho rằng, thời gian 2 tuần dạy bù đã được tính toán rất kỹ lưỡng dựa trên thời gian của giáo viên và sự phát triển của học sinh. Phía nhà trường cho biết, khóa hè sẽ được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ngoài được dạy kỹ năng, vui chơi, học sinh sẽ được ôn lại Toán, Khoa học và có sự kết nối với chương trình hiện tại.

Theo nhà trường, phụ huynh yêu cầu bù 2/3 thời gian là không thể do Bộ GDĐT yêu cầu kết thúc năm học trước 15/7. Với sự nỗ lực từ đội ngũ giáo viên như trên, không có lý do gì để cắt giảm lương của họ. Ngoài ra, trường còn duy trì lương cho nhân viên khác để vận hành trường. Việc in ấn tài liệu cũng tốn chi phí. Trường chỉ tiết kiệm chút chi phí điện nước, nhưng không đáng là bao nếu tính trên trung bình số học sinh. Do đó, trường không thể hoàn trả lại học phí.

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, các khoản thu ở trường tư thục được quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định 86 về cơ chế thu, quản lý học phí. "Học phí thu theo thỏa thuận. Các trường tư thục cung cấp dịch vụ giáo dục. Phụ huynh đồng ý thì bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ. Nếu không, họ có thể tìm trường khác. Sở không can thiệp được", ông Nam cho hay.