Dân Việt

Chuyến bay đưa công dân từ tâm dịch Covid-19 về nước: Ai là người cần "đặc cách"?

Hoàng Hưng 13/05/2020 13:00 GMT+7
Gần đây, Chính phủ Việt Nam có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để thu xếp những chuyến bay “thương mại đặc biệt”, đưa công dân Việt Nam từ vùng tâm dịch Covid-19 ở khắp các nước trở về quê hương.

Là một trong số người đã được đưa về nước thành công trong chuyến bay "lịch sử" ngày 7/5 vừa qua từ San Francisco (Mỹ) về Vân Đồn (Quảng Ninh) trên máy bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines, đang thi hành cách ly theo quy định trong một doanh trại quân đội tại Thanh Hoá, và có lẽ là người cao tuổi nhất trong số đó (78 tuổi), tôi xin chân thành cảm tạ các cơ quan trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ, Vietnam Airlines (VNA), phi hành đoàn và tập thể cán bộ, chiến sĩ khu cách ly thuộc Sư đoàn 390 đã tận tình giúp đỡ chúng tôi trong những ngày khó khăn vừa qua, thể hiện đúng câu châm ngôn "vì nhân dân phục vụ".

CÓ “ĐẶC QUYỀN”, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ, KHÔNG SÒNG PHẲNG TRONG CÁC CHUYẾN “GIẢI CỨU CÔNG DÂN” VỀ NƯỚC TỪ CÁC TÂM DỊCH?  - Ảnh 1.

Ông Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco lên tận máy bay tiễn đưa đồng bào về nước. (Ảnh: NVCC)

Cũng đã có những ý kiến trên mạng chất vấn về giá tiền vé quá cao (gấp 4 giá bình thường, như từ Mỹ là 2.000 USD, từ Nga là 1.300 USD…), tôi đã hơn một lần phản hồi ý kiến ấy, rằng "trong nỗi khao khát trở về quê hương, về được là mừng rồi, tổ chức cho về được là nhân đạo rồi". Và xét cho cùng, đây là một dịch vụ trên cơ sở thuận mua vừa bán, minh bạch, sòng phẳng. 

Tuy nhiên, trong chuyện này tính chất "độc quyền" của nhà cung cấp dịch vụ, khiến người mua không có chọn lựa khác. Nhưng khi đại dịch Covid-19 giống hệt cuộc "chiến tranh thế giới", việc độc quyền là có thể hiểu. Vậy tốt nhất VNA nên giải thích một cách thuyết phục cho công luận rõ về cơ sở tính giá vé của mình.

Một vấn đề khác tôi tình cờ biết được trong chuyến bay, lại hoàn toàn không minh bạch, rõ ràng, chính là việc phân bố điểm cách ly cho người về trên chuyến bay này.

Vì hai vợ chồng tôi đều cao tuổi và có bệnh nền, nguy cơ nhiễm chéo từ chỗ đông người rất cao, nên trước khi bay về, tôi đã liên lạc hỏi cơ quan Tổng lãnh sự quán Việt Nam (TLSQVN) về chuyện này. 

Bản thân tôi tha thiết muốn xin được cách ly có thu phí tại những cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn… mà báo chí trong nước đã quảng cáo. Nhưng TLSQVN, vốn rất chu đáo săn sóc trường hợp của chúng tôi vì thông cảm hoàn cảnh già yếu, cho biết vấn đề này do trong nước quyết định. Vì thế, tôi tin tưởng ở sự sắp đặt có lý có tình của cơ quan có trách nhiệm như đã thể hiện từ khi nhận đăng ký của tôi.

CÓ “ĐẶC QUYỀN”, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ, KHÔNG SÒNG PHẲNG TRONG CÁC CHUYẾN “GIẢI CỨU CÔNG DÂN” VỀ NƯỚC TỪ CÁC TÂM DỊCH?  - Ảnh 2.

Chúng tôi được nhân viên NVA dìu xuống thang máy bay. (Ảnh: Tuấn Mark)

Thế nhưng, khi lên máy bay, tôi hơi ngạc nhiên vì thấy đã có một khoang riêng phía trên đầu, từ hàng ghế số 1 đến 20, được dành riêng cho khoảng vài chục khách, phần lớn là các em du học sinh trẻ. Đến sân bay Vân Đồn, số này cũng được thông báo ra trước tiên, một lúc lâu sau mới đến số khách bình thường như chúng tôi. 

Sau khi xong thủ tục khai báo và nhập cảnh, chúng tôi được đưa lên các xe bus để phân về 3 khu cách ly tại các doanh trại quân đội khác nhau. Và lúc này, tôi mới được biết số các em ở khoang "đặc cách" đã được về "cách ly" tại một số khách sạn ở Hạ Long (Quảng Ninh) (?)

Đến đây tôi thấy khá bất ngờ và không bình thường! Vì sao những người cần "đặc cách" nhất trong chuyến bay là khoảng 10 người cao tuổi và 1 cháu bé 3 tháng tuổi lại không được "đặc cách" như số các cháu, các em thanh niên kia?

CÓ “ĐẶC QUYỀN”, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ, KHÔNG SÒNG PHẲNG TRONG CÁC CHUYẾN “GIẢI CỨU CÔNG DÂN” VỀ NƯỚC TỪ CÁC TÂM DỊCH?  - Ảnh 3.

Bữa ăn 6 món khá tươm tất và chu đáo ở khu cách ly quân đội. (Ảnh: NVCC)

Có điều này cũng cần phải nói rõ: Cách ly trong doanh trại quân đội không phải là chuyện gì quá khó khăn, nhất là với tôi, nguyên là giáo văn văn hoá quân đội từ 60 năm trước. Và thực tế, mấy ngày trong doanh trại với tôi rất vui, thoải mái, ăn uống dư thừa (so với sức ăn của mình), được các chiến sỹ bộ đội tôn trọng, chăm sóc, thậm chí có cả phần "đặc cách" đối với người cao tuổi

Nhưng sinh hoạt chung với 160 người về từ trung tâm dịch lớn nhất thế giới, chung nhà vệ sinh, nhà tắm… là nỗi lo canh cánh của người cao tuổi mang mấy bệnh nền (huyết áp, tiểu đường, hen suyễn) như chúng tôi. Chính vì "tự biết thân biết phận" nên suốt 4 tháng trời ở Mỹ, chúng tôi tự nguyện "shelter-in-place" (không ra khỏi nhà), nhờ thế mà an toàn! Cũng vì thế nên có nguyện vọng khi về Việt Nam được cách ly tự túc để tránh đông người.

Khi trao đổi với bạn bè quen biết, một số người cũng có thắc mắc tương tự: Có người đã về trước, có người có con nhỏ sắp về, cũng tìm hỏi khắp nơi xem làm sao có thể đăng ký để được cách ly tự túc, tự trả tiền, nhưng không có câu trả lời nào thỏa đáng! 

Như vậy, phải chăng có một số người nào đó đã được "đặc cách" mà "người ngoài" như chúng tôi không thể biết? Từ đó cũng sẽ có câu hỏi: Vậy số các cháu thanh niên kia liệu có phải trả tiền vé khác "người ngoài" (cao hơn, hay có khi lại… thấp hơn)?

Chuyện này có vẻ nhỏ so với việc chúng ta đã (và sẽ) đưa cả chục ngàn công dân Việt Nam về nước. Nhưng một việc làm không minh bạch, rõ ràng (dù có thể là nhỏ thôi), cũng sẽ phần nào làm tổn hại tới hình ảnh, uy tín mà chúng ta đã có được trong cuộc chiến chống Covid-19. Và thậm chí còn là mảnh đất tươi tốt cho tệ độc quyền, đặc quyền, đặc lợi phát triển!

Chúng tôi chờ đợi các cơ quan hữu trách giải trình.

LTS: Sau khi nhận được thông tin từ phía bạn đọc Hoàng Hưng, Tòa soạn đã cho phóng viên liên hệ với các cơ quan hữu trách để có được thông tin hồi âm một các xác đáng nhất gửi tới bạn đọc Hoàng Hưng nói riêng và bạn đọc nói chung. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bản tin tiếp theo.