Với tình yêu bóng đá của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, lò đào tạo HAGL-Arsenal JMG ra đời và lứa cầu thủ đầu tiên đã cung cấp cho HAGL cũng như bóng đá Việt Nam rất nhiều cầu thủ tài năng. Trong vài năm gần đây, ở lứa U23 cũng như đội tuyển, các cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, Văn Toàn, Minh Vương... đều đã tạo được dấu ấn và có vai trò rất nổi bật.
Tại HAGL, dù thế hệ cầu thủ này chưa đủ sức giúp đội bóng cạnh tranh ngôi vô địch V.League, nhưng họ đã trở thành những thương hiệu thực sự trong lòng người hâm mộ. Mặc dù vậy, điều ít ai để ý trước đó là những cầu thủ này đều ký các bản hợp đồng có thời hạn kéo dài đến 8 năm với đội bóng phố núi.
Theo Điều 2, khoản 18 Quy chế tư cách cầu thủ của FIFA: “Thời hạn tối thiểu của hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho tới hết Mùa giải và thời hạn tối đa của hợp đồng là 5 năm. Chỉ được ký hợp đồng có thời hạn khác với quy định này nếu phù hợp với luật pháp quốc gia. Cầu thủ dưới 18 tuổi không được ký hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp có thời hạn dài hơn 3 năm. Bất kỳ điều khoản nào đề cập đến một thời hạn dài hơn đều không được công nhận”.
Theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi bổ sung mới nhất của VFF ban hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ban hành năm 2015, các câu lạc bộ chỉ được ký hợp đồng đào tạo với cầu thủ đến năm 21 tuổi. Khi 18 tuổi, cầu thủ có thể ký hợp đồng chuyên nghiệp, tuỳ thuộc vào thoả thuận với từng câu lạc bộ.
Trong khi đó, Bộ luật Lao động Việt Nam quy định: Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Hợp đồng chuyên nghiệp của cầu thủ Việt Nam chịu được điều chỉnh của Luật lao động và như thế, thời hạn tối đa của hợp đồng chỉ là 3 năm.
Nếu chiếu theo những quy định trên, HAGL đã vi phạm luật khi ký hợp đồng lao động quá dài với các cầu thủ. Công Phượng cùng các đồng đội ở lứa của anh đã ký hợp đồng chuyên nghiệp từ khi 19 tuổi, sau đó được đôn lên đội một và theo hợp đồng đã ký, họ sẽ phải chơi cho HAGL đến gần 30 tuổi mới được chuyển nhượng tự do nếu không còn muốn gắn bó với CLB.
Cựu Giám đốc điều hành của HAGL là ông Huỳnh Mau cho biết, việc CLB và cầu thủ ký hợp đồng dài hạn là do hai bên tự thỏa thuận. Các cầu thủ cũng đồng ý gắn bó và cống hiến cho đội bóng và bất cứ CLB nào muốn mua hay mượn họ đều phải thông qua HAGL.
Thời gian qua, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đã có khoảng thời gian ra nước ngoài chơi bóng và đó đều là những bản hợp đồng cho mượn. Hiện tại, Công Phượng cũng đang đầu quân cho TP.HCM dưới hình thức cho mượn.
Các cầu thủ đều thể hiện mong muốn gắn bó với HAGL lâu dài và không có ý kiến gì về bản hợp đồng 8 năm của họ. Nhưng trên thực tế, HAGL đã vi phạm luật chuyển nhượng của FIFA và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Trước đây, chính VFF cũng đã phải sửa quy chế để không đi ngược quy định của FIFA. Cụ thể, VFF từng có quy định cầu thủ phải chơi cho CLB đào tạo đến năm 25 tuổi mới được tự do chuyển nhượng chứ không phải 23 tuổi, nhưng sau đó đã được sửa lại.
Dù các cầu thủ HAGL đều muốn thể hiện sự tri ân với CLB qua việc đào tạo họ miễn phí trong 7 năm và biến họ thành ngôi sao như hiện nay, nhưng rõ ràng, HAGL đã vi phạm luật. Điều đó đồng nghĩa với việc, đội bóng phố núi hoàn toàn có thể đối diện với án phạt.