Dân Việt

Phụ huynh vụ gian lận điểm thi THPT ở Hòa Bình: 'Con tôi bị ai đó tự nâng điểm'

13/05/2020 17:28 GMT+7
Nhiều phụ huynh của thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018 ở tỉnh Hòa Bình nói họ không nhờ ai nâng điểm cho con. Khi cơ quan công an thông báo, họ mới biết thí sinh bị sửa điểm.

Chiều 13/5, hơn 20 phụ huynh được tòa gửi giấy triệu tập nhưng chỉ có 4 người đến tham gia xét hỏi trong vụ nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 ở tỉnh Hòa Bình.

Khác với cáo trạng quy kết, các bậc cha mẹ học sinh đều phủ nhận đã nhờ bị cáo nâng điểm cho thí sinh. Phụ huynh cũng phản bác lời khai của 2 bị cáo liên quan hành vi Đưa và nhận hối lộ.

Đề nghị làm rõ ai tự nâng điểm cho thí sinh

Theo cáo trạng, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp và cá nhân để cấu kết, can thiệp nâng điểm cho 65 thí sinh. Trong số này có một thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi năm 2017.

Riêng Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Hiệu phó Trường nội trú huyện Lạc Thủy) và Hồ Chúc (cựu giáo viên Trường THPT Thanh Hà) còn liên quan việc đưa và nhận 300 triệu từ phía phụ huynh thí sinh để cám ơn việc nâng điểm.

Phụ huynh vụ gian lận điểm thi THPT ở Hòa Bình: 'Con tôi bị ai đó tự nâng điểm' - Ảnh 1.

Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn. Ảnh: Hoàng Lam.

Trả lời HĐXX, bà Trần Thị Thúy Phương (phụ huynh thí sinh) phản bác cáo trạng quy kết gia đình bà đã nhờ bị cáo Lê Thị Hồng (cựu Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ) nâng điểm cho con.

Theo vị phụ huynh, gia đình bà không có nhu cầu nhờ ai xem điểm, nâng điểm, mua điểm hay xin điểm cho người thân. Tuy nhiên, con bà Phương vẫn được nâng điểm và sau này gia đình mới biết điều đó.

Người phụ nữ nói rằng con bà "bị nâng điểm" nên đề nghị cơ quan chức năng "thu thập chứng cứ, làm rõ ai đã tự nâng điểm, nâng điểm vì mục đích gì". Bà Phương còn cho biết bản thân đang bị kỷ luật vì có con được nâng điểm nên rất bức xúc. Bà mong sớm được trả lại danh dự.

Một phụ huynh khác có mặt tại tòa là bà Nguyễn Thị Liễu (chị của vợ bị cáo Nguyễn Quang Vinh) cũng được tham gia xét hỏi. Giống như mẹ của thí sinh trước đó, bà Liễu phủ nhận cáo buộc.

Người phụ nữ này thừa nhận bà có con trai dự thi THPT quốc gia năm 2018. Nhưng gia đình tin tưởng cháu học tốt và thi đạt kết quả mong muốn. Do đó, khi biết thí sinh này được nâng điểm, bà không tin vào điều đó.

"Tôi không nhờ bất cứ ai xem hay nâng điểm cho cháu, đề nghị tòa làm rõ", vị phụ huynh thứ 2 quả quyết.

Tranh cãi số tiền nhận hối lộ

Một nội dung khác được HĐXX tập trung xét hỏi phụ huynh để làm rõ là hành vi Đưa và nhận hối lộ số tiền 300 triệu liên quan 2 bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn và Hồ Chúc.

Theo cáo buộc, sau khi nhờ Đỗ Mạnh Tuấn nâng điểm cho 2 thí sinh, Hồ Chúc đã hẹn Tuấn tại quán cà phê rồi đưa số tiền 300 triệu đồng. Ông ta nói đó là quà cám ơn của gia đình thí sinh. Bị cáo Tuấn khai sau đó đã đưa số tiền này cho vợ cất giữ.

Tại phiên tòa chiều 13/5, bị cáo Chúc khai có quan hệ anh em, đồng nghiệp với Đỗ Mạnh Tuấn. Ngày 20/6/2018, Chúc gặp Tuấn để nhờ giúp đỡ "2 đứa cháu dự thi năm 2018". Sau khi Tuấn đồng ý, Chúc đã ghi thông tin và số báo danh của 2 thí sinh ra mảnh giấy.

Theo lời khai của Hồ Chúc, tối 11/7/2018, Trần Thị Liên và Hà Thị Liễu, phụ huynh của 2 thí sinh trên, đến nhà và đưa cho Chúc bọc nylon màu đen, nói là quà cám ơn anh em. Chúc không hỏi, cũng không kiểm tra bên trong có gì.

Tối 12/7, Chúc hẹn Đỗ Mạnh Tuấn ra quán cà phê, đưa bọc nylon của 2 phụ huynh rồi sau đó ra về. "Bị cáo không biết 2 phụ huynh gửi bao nhiêu tiền. Khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết trong bọc nylon đó có 300 triệu", Chúc khai.

Đối chất tại tòa, Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận đã cầm túi quà của Chúc. Nhưng 2-3 ngày sau đó mới mở ra xem thì thấy bên trong có 300 triệu đồng. Bị cáo mô tả có 6 tập tiền polymer mệnh giá 500.000 đồng.

Tuy nhiên, khi HĐXX yêu cầu đối chứng, chị Hải Yến (vợ bị cáo Tuấn) lại khai rằng bản thân không nhận số tiền đó từ chồng để cất giữ hộ, như Tuấn khai vào ngày 12/5. Đỗ Mạnh Tuấn sau đó đối chất với vợ liền thay đổi lời khai khi nói rằng bị cáo không đưa túi tiền cho chị Yến.

Phụ huynh vụ gian lận điểm thi THPT ở Hòa Bình: 'Con tôi bị ai đó tự nâng điểm' - Ảnh 2.

Những người tham gia tố tụng đăng ký thủ tục để vào dự tòa. Ảnh: Hoàng Lam.

Tiếp tục xét hỏi, HĐXX yêu cầu 2 người có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án là Trần Thị Liên và Hà Thị Liễu trình bày sau khi bị cáo Hồ Chúc khai họ đã đến nhà để đưa túi quà có 300 triệu đồng.

Trả lời chủ tọa, bà Liên phủ nhận lời khai của Hồ Chúc. Nữ phụ huynh cho rằng chỉ nhờ Hồ Chúc "khi nào có điểm thì xem giúp", không nhờ nâng điểm. Còn việc bị cáo khai bà cùng bà Liễu đến đưa tiền là không đúng.

"Mãi sau này, cơ quan điều tra thông báo tôi mới biết con của tôi được nâng điểm", bà Liên trình bày.

"Chị nghĩ sao về việc con chị tự nhiên được nâng điểm dù không họ hàng, thân thiết với bị cáo?", trả lời chủ tọa, người phụ nữ nói bà tự tin về kiến thức của con nên không biết thí sinh này được nâng điểm.

Tiếp đó, bà Liễu cũng đồng quan điểm khi phủ nhận lời khai của Hồ Chúc. Vị phụ huynh thứ 2 trình bày do dạy cùng trường với ông Chúc nên có lần trong giờ ra chơi, bà đã nhờ bị cáo xem giúp điểm thi sau khi có điểm.

"Không có chuyện tôi và chị Liên đến nhà đưa tiền như lời khai của bị cáo Chúc", phụ huynh thí sinh khẳng định.

Theo cáo trạng, Nguyễn Quang Vinh đã chỉ đạo, thống nhất với Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn can thiệp bài thi trắc nghiệm nhằm nâng điểm thi cho các thí sinh. Thông qua các mối quan hệ, Đỗ Mạnh Tuấn trực tiếp nhận sửa điểm cho 35 thí sinh. Nguyễn Quang Vinh nhờ Đỗ Mạnh Tuấn nâng điểm thi cho 29 thí sinh. Thí sinh còn lại được nâng điểm trong kỳ thi năm 2017.

Cơ quan tố tụng xác định sau khi nâng điểm, Đỗ Mạnh Tuấn đã được Hồ Chúc cám ơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, Tuấn còn khai được ông Khương Ngọc Chất đưa 500 triệu, Đào Ngọc Thuật đưa 250 triệu vì đã nâng điểm cho các thí sinh. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra không đủ căn cứ kết luận phạm tội đưa và nhận hối lộ đối giữa nhóm Chất, Thuật và Tuấn.