Tôi thực sự xúc động, biết ơn!
Ngày 14/5, bệnh nhân Lê Tuyết Hằng (64 tuổi), đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, bác của bệnh nhân số 17 (bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội) đã có thể nói từng câu ngắn, chia sẻ về tình hình sức khỏe của mình.
Bà Hằng cho biết, buổi trưa, bà đã ăn được một bát cơm và canh. Bà cũng đã tập đi các bước ngắn khoảng 10-20m, ăn ngủ bình thường. "Sức khỏe của tôi hồi phục 60-70%, chỉ còn mệt, vận động còn yếu".
Bà nhớ lại: "Tôi thực sự sợ hãi khi một ngày tỉnh dậy thấy máy móc vây kín quanh mình, người gắn đủ các loại dây. Tôi không nói được, cũng không nhúc nhích được. Cũng may, các bác sĩ giải thích, an ủi, động viên tôi bình tĩnh và yên tâm điều trị nên tôi cũng bắt đầu an tâm hơn, cùng nỗ lực chống chọi lại bệnh tật".
CLIP: Bệnh nhân 19 được theo dõi chặt chẽ từng giây, từng phút. (Ngọc Hải)
Do Covid-19 là bệnh lây truyền nên người nhà không được vào viện chăm sóc bệnh nhân, suốt gần 2 tháng, hết dùng máy thở, dùng ECMO, từ việc điều trị, ăn uống, tắm rửa, vệ sinh của bà Hằng đều dựa vào các y bác sĩ. Hàng ngày, các y bác sĩ sẽ gọi điện thông báo tình hình sức khỏe của bệnh nhân Hằng cho người nhà.
Các bác sĩ thay bỉm, lau rửa cho bà, đút thức ăn, nước uống cho bà hàng ngày…, làm những việc khiến bà cảm động đến tận đáy lòng. Lúc nào cũng có người ở bên cạnh bà, không chỉ điều trị, chăm sóc mà còn động viên để bà không sợ hãi. Họ phải mặc những bộ đồ phòng hộ kín mít, ngột ngạt để ở bên cạnh bà suốt 24/24h khiến mỗi lần tỉnh dậy, bà đều thấy an tâm hơn.
Bà Hằng rơm rớm nước mắt nói lời cảm ơn chân thành: "Tôi thực sự cảm ơn các y bác sĩ, điều dưỡng, cảm ơn bệnh viện, cảm ơn sự động viên quan tâm của Chính phủ, của người dân cả nước. Tôi sẽ nỗ lực, cố gắng để phục hồi sớm nhất".
Sự phục hồi kỳ diệu
Bà Hằng là bệnh nhân Covid-19 số 19 (theo danh sách của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 là số 19; còn trong hồ sơ bệnh án của Bệnh viện là bệnh nhân 20). Đây là bác ruột của bệnh nhân số 17 nhập viện từ ngày 6/3 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Bà Hằng là người cao tuổi, có bệnh lý nền về huyết áp, tiền đình nên được bệnh viện theo dõi rất chặt chẽ. Đến ngày 15/3, bà Hằng có các triệu chứng khó thở, có tổn thương phổi nên được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực để điều trị.
Bệnh diễn tiến xấu rất nhanh, đến ngày 19/3, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, oxy hóa máu tụt nhiều. Các bác sĩ đã khẩn cấp hội chẩn với Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19 của Việt Nam để được triển khai kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), hỗ trợ chức năng của phổi. Đây là phương pháp điều trị hiện đại nhất hiện nay.
Gần 1 tháng, bệnh nhân đã sống với sự hỗ trợ của tim phổi nhân tạo và từng bước phục hồi các chức năng của cơ thể, sức khỏe dần ổn định. Sau khi đã nhiều lần đánh giá sức khỏe bệnh nhân với sự cố vấn của nhiều chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam, Hội đồng chuyên môn đã quyết định cai máy ECMO và ngày 4/4, đã rút máy ECMO.
Các bác sĩ đã vô cùng vui mừng về sự phục hồi của bệnh nhân. Bất ngờ, đến rạng sáng 8/4, bệnh nhân bị ngưng tuần hoàn. Các bác sĩ đã phải cấp cứu hồi sức trong suốt hơn 40 phút, liên tục cả chục bác sĩ, điều dưỡng ép tim cho bệnh nhân.
"Tôi đã từng cấp cứu ép tim cho nhiều bệnh nhân ngưng tim, ngưng tuần hoàn. Nhưng bệnh nhân bị ngưng tim lâu, cấp cứu thành công và hiện đã phục hồi tốt, tỉnh táo, không có tổn thương não như bệnh nhân 19 là rất hiếm gặp. Phải nói là cực kỳ may mắn", bác sĩ Mạc Duy Hưng (Khoa Hồi sức tích cực) cho biết.
Kể thêm, bác sĩ Hưng cho biết đây là bệnh mới, quá trình điều trị cho bệnh nhân dài, bệnh nhân có các triệu chứng nặng nên các bác sĩ rất căng thẳng, luôn phải theo dõi sát, không có lúc nào được thả lỏng.
"Vào thời điểm mà ai cũng vui mừng vì bệnh nhân đã hồi phục rất tốt thì đột ngột bệnh nhân rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn. Tôi đã cùng tham gia ép tim cho bệnh nhân. Đó là thời khắc cực kỳ căng thẳng, lo lắng.Mọi người đã nghĩ đến khả năng xấu nhất xảy ra. Nhưng với tinh thần còn nước còn tát, chúng tôi đã nỗ lực hết sức và rất may mắn, bệnh nhân đã hồi phục dần dần với sự "nín thở" của chúng tôi", bác sĩ Hưng kể thêm.
Bác sĩ Hưng cho biết, hiện tại, sức khỏe bệnh nhân cải thiện rất nhiều. Bệnh nhân đã vượt qua được nguy hiểm, ăn uống tốt, tỉnh táo, giao tiếp tốt, không sốt. Hiện tại, bệnh nhân chủ yếu là luyện tập, cố gắng hồi phục các chức năng của cơ thể để có thể sớm được ra viện.