Ngay sau khi vụ sập công trình xây dựng trong Khu công nghiệp Giang Điền (xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tình Đồng Nai) xảy ra, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng vào cuộc. Lãnh đạo nhiều sở ban ngành của tỉnh cũng kịp thời có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ và điều tra nguyên nhân.
Vụ tai nạn khiến 10 người chết, 17 người khác bị thương. Các nạn nhân bị thương nặng được đưa về Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai để cấp cứu.
Đến 18h30, trước khi 2 chiếc xe cứu thương chở xác các nạn nhân về nhà xác Bệnh viện đa khoa tỉnh, nhiều người nhà của nạn nhân đã đến và thất thần ngồi chờ đợi.
Mang bộ quần áo bạc màu, đôi dép còn dính đầy xi măng, tay cầm chiếc điện thoại cũ, anh Dương Huỳnh Vàng (Trảng Bom, Đồng Nai) kể lại, trước tết, anh và em trai cùng đi làm thợ hồ chung một công trình nhưng sau đó do dịch, em trai anh là Dương Huỳnh Minh Nhựt phải nghỉ việc. Vừa hết dịch, Nhựt từ Tiền Giang lên và xin vào làm chỗ công trình với anh nhưng không được nhận.
Anh Vàng kể tiếp, lúc 15h30, khi anh đang làm hồ thì nhận được điện thoại của em trai nhưng nghe máy lại là giọng của người khác. Qua điện thoại, người ta nói nơi em anh làm bị sập giàn giáo.
"Nghe tin, tôi vội chạy đến hiện trường nhưng không vào được vì công an không cho vào. Nó vừa mới xin đi làm ở công trình trên 3 ngày chứ mấy. Nếu nó xin vào làm cùng công trình với tôi thì đâu có chết đau khổ thế này", anh Vàng ứa nước mắt.
Càng về đêm, người thân của các nạn nhân bắt đầu tập trung đến càng đông, những tiếng gào khóc vang lên thảm thiết. Ngồi lặng một góc, chị Lê Thị Thúy (quê Gia Lai) vừa khóc vừa nói: "Khi tôi đang bán bánh mỳ trên Sài Gòn, người nhà gọi nói anh trai tôi Lý Văn Thụ (SN 1975) bị tai nạn lao động ở Đồng Nai. Nhận được tin sét đánh, tôi liền chạy xuống đây.
Số anh tôi sao khổ quá! Nhà đã nghèo, hai vợ chồng có 3 đứa con, đứa đầu bị bại não nên anh với chị mới đưa nhau xuống Trảng Bom xin việc. Anh đi làm thợ hồ, chị đi làm công nhân, ai ngờ chưa gì đã gặp nạn thế này", chị Thúy nấc nghẹn.
Gần 20h đêm 14/5, không khí đau thương bao trùm trước cổng nhà xác bệnh viện. Những người đến đón nhận xác nạn nhân liên tục gọi điện về quê để báo tin. Những câu nói: "Nó chết rồi! Đang nằm ở nhà xác, chắc khuya người ta mới cho đưa xác về" khiến những người xung quanh không thể cầm lòng.
Trong số đó, hình ảnh của hai mẹ con ngồi bần thần một góc khiến ai nhìn cũng thương cảm. Đó là hai mẹ con chị Lê Thị Mỹ Hạnh (SN 1991, vợ nạn nhân Lý Văn Thụ). Chị Hạnh đưa con gái 12 tuổi bị bãi não đến ngồi chờ nhận xác chồng. Hai mẹ con ngồi khuất trong một góc tối, đứa con gái cứ ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra với gia đình.
Chị Hạnh vừa khóc vừa kể: "Hai vợ chồng nghèo lắm mới xuống đây đi làm thuê. Tôi đi làm công nhân, còn anh đi làm thợ hồ. Chồng tôi mới xin vào làm được có mấy ngày đã bị nạn. Nhà có 3 đứa con, hai đứa nhỏ gửi cho bà nội ở quê nuôi. Hai vợ chồng đưa đứa lớn (12 tuổi) bị bại não xuống Trảng Bom, thuê phòng trọ ở. Hàng ngày, chúng tôi đi làm thì đóng cửa nhốt nó ở trong phòng".
Đang trò chuyện, con của chị Hạnh lại hét lên rồi vùng vằng, chị lấy vội miếng bánh mì đem theo đút vội cho con rồi nói trong nước mắt: "Bình thưởng, buổi trưa, chồng tôi thường về ăn cơm, rồi ngủ để chiều đi làm tiếp, nhưng hôm nay lạ lắm, ăn xong cứ ngồi ôm con bé mãi. Tôi bảo ngủ tý đi rồi đi làm, nắng nóng mà ôm gì nó suốt buổi trưa. Không ngờ, đó lại là lần cuối hai bố con gặp nhau. Giờ chồng tôi mất rồi, 3 mẹ con không biết sống sao nữa".
Đêm càng về khuya, những tiếng khóc cứ rưng rức mãi tại khu nhà xác bệnh viện. Người thân đến đón xác nạn nhân cứ ngồi yên lặng một chỗ quá đau xót và mệt mỏi.
Đến 0h30 ngày 15/5, thi thể 9/10 nạn nhân đã được người thân làm thủ tục nhận và đưa về lo hậu sự. Trong đêm tại nhà xác bệnh viện, 6 chuyến xe lăn bánh tỏa đi các hướng để chở các nạn nhân vụ sập công trình về nhà lo hậu sự. Mỗi chuyến xe rời đi đều để lại phía sau tiếng khóc nức nở và những ánh mắt thất thần của người thân, đồng nghiệp.