Vương Ấu Bình tham gia cách mạng năm 1931, là một sĩ quan từng làm lãnh đạo ở một cơ quan chính trị của quân đội. Sau khi nước Trung Hoa mới được thành lập, ông sang Bộ Ngoại giao công tác, từng làm Đại sứ tại Rumania, Na Uy và Campuchia. Do là một vị tướng có nhiều kinh nghiệm chiến trường, nên người ta gọi ông là "Đại sứ tướng quân".
Đêm 23/4/1963, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Ấu Bình đang đi khảo sát tại một huyện tỉnh Hà Nam thì nhận được điện thoại với nội dung: vào trưa ngày 24/4, phải về Bắc Kinh ngay và mang theo tư trang để đi nước ngoài.
3h chiều, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa xe đến tận Hà Nam đón Vương Ấu Bình chạy thẳng đến Trung Nam Hải và Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Thượng Côn nhanh chóng gặp và thông báo rằng: "Đồng chí Vương Ấu Bình, có một nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp muốn đồng chí hoàn thành, nhiệm vụ này sẽ do đồng chí Chu Thủ tướng trực tiếp giao".
Sau đó, Dương Thượng Côn đưa cho Vương Ấu Bình xem bức điện khẩn do Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia là Trần Thúc Lượng gửi gấp về với nội dung: các thế lực thù địch đang có âm mưu ám sát Lưu Thiếu Kỳ khi ông đến thăm Campuchia. Trên bức điện còn có cả chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai cử Vương Ấu Bình đến Campuchia trước để bảo đảm an toàn cho chuyến thăm của Lưu Chủ tịch.
"Kế hoạch gió thu" nhằm vào Lưu Thiếu Kỳ
Âm mưu ám sát Lưu Thiếu Kỳ tại Campuchia do một Hoa kiều sống tại Campuchia tên là Tiêu Thành tiết lộ với Sứ quán Trung Quốc. Tiêu Thành vốn là người Quảng Đông, sau đó cùng gia đình chuyển đến ở Phnôm Pênh. Tại Phnôm Pênh, Tiêu Thành và con trai là Tiêu Quảng đã lọt vào tầm ngắm của đặc vụ Đài Loan và họ tìm cách đưa hai cha con vào bẫy để mua chuộc, sử dụng.
Nhưng hai cha con họ Tiêu luôn có tình cảm sâu nặng với đất nước, không muốn làm kẻ phản bội, vì vậy đã thông báo việc này với Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnôm Pênh. Đại sứ quán TQ đã khuyên giải và thuyết phục cha con họ Tiêu hợp tác và cả hai đã trở thành nội ứng của TQ cài cắm vào Cơ quan Đặc vụ Đài Loan có chi nhánh tại Campuchia. Nhờ thế sứ quán Trung Quốc kịp thời có được tin tình báo quan trọng về việc các đặc vụ Mỹ và Quốc dân đảng có âm mưu ám sát Lưu Thiếu Kỳ tại thủ đô Phnôm Pênh nhân dịp Chủ tịch sang thăm Campuchia theo lời mời của Quốc vương Norodom Sihanouk.
Người thực hiện "Kế hoạch gió thu" này tên là Trương Tuyết Chi, vốn là một điệp viên cốt cán của Cơ quan Đặc vụ Đài Loan, từng trực tiếp chỉ huy bắt giữ một điệp viên Nhật Bản sau khi cuộc kháng chiến chống Nhật kết thúc. Trước khi cho Trương Tuyết Chi đi thực hiện nhiệm vụ, Tưởng Kinh Quốc đã thay mặt Tưởng Giới Thạch khen ngợi và khích lệ.
Bom và kíp nổ được bí mật vận chuyển đến Phnôm pênh
Ngày 7/4/1963, một số thành viên nòng cốt của Ban chỉ đạo công tác an ninh trung ương Trung Quốc đã bay tới Phnôm Pênh để phối hợp với phía Campuchia phá án.
Ngày 17/4/1963, phía Trung Quốc được thông báo là một trạm liên lạc tại Campuchia đã nhận vài lá thư lạ mà Đài Loan gửi cho các điệp viên của mình cài cắm tại Phnôm Pênh và đã cử người đến gặp Tiêu Thành nhận những bức thư đó. Sau khi bóc thư, phát hiện có 8 lá thư trong số những bức thư trên có vết hằn, chứng tỏ Đặc vụ Đài Loan đã sử dụng kỹ thuật viết mật mã. Nhưng do thiếu trang thiết bị cần thiết, những bức thư chưa được giải mã.
Tối 19/4/1963, Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia đã thông báo sự việc với Quốc vương Xihanúc. Sau khi biết tin, Quốc vương đã cử tổ điều tra đặc biệt đi thu thập thông tin để nhanh chóng phá án. Vào chiều hôm sau, Quốc vương Norodom Sihanouk gặp Đại sứ Trung Quốc Trần Thúc Lượng, đưa ra kiến nghị là phía Trung Quốc nên lùi ngày thăm Campuchia của Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ.
Thế nhưng, Mao Trạch Đông chỉ thị cứ tiến hành chuyến thăm theo thời gian đã định và bằng mọi giá phải tiến hành phá án trước chuyến thăm. Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ cũng cho biết không muốn lùi thời gian chuyến thăm. Thủ tướng Chu Ân Lai chỉ đạo Đại sứ quán Trung Quốc cứ chuẩn bị chuyến thăm như kế hoạch và phái cựu Đại sứ Vương Ấu Bình với tư cách cố vấn ngoại giao gấp rút đến Campuchia để hỗ trợ phá án.
Sáng 27/4/1963, Vương Ấu Bình và người của Bộ Công an Trung Quốc đáp chuyên cơ đến Côn Minh gặp Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ. Hai người đã báo cáo với Chủ tịch về tình hình an ninh trong thời gian thăm Campuchia. Lưu Thiếu Kỳ chỉ thị cần thông báo cho phía Campuchia bố trí các nhóm quần chúng ra đón chào với quy mô nhỏ và trong thời gian thăm nên giảm bớt các hoạt động ở bên ngoài các cơ quan nhà nước Campuchia. Chủ tịch Lưu nhấn mạnh các lực lượng bảo đảm an ninh của Trung Quốc phải dựa vào phía Campuchia và phải tin tưởng, tôn trọng họ.
Ngay trưa hôm đó, Vương Ấu Bình và người của Bộ Công an Trung Quốc đã đáp chuyên cơ đến Phnôm Pênh và 6h tối hôm đó, phía Campuchia cử đại diện đến Đại sứ quán Trung Quốc phối hợp bàn bạc. Sau khi nghe Đại sứ quán Trung Quốc báo cáo tình hình, đại diện của Quốc vương Xihanúc đã cùng phía Trung Quốc bàn bạc rất kỹ lưỡng về phương án bảo vệ an toàn chuyến thăm.
Cùng thời gian này, các nhân viên kỹ thuật của Trung Quốc được cử đến Campuchia đã giải mã được các bức thư mật của đặc vụ Đài Loan và đã tìm ra được danh tính và kế hoạch cùng bản đồ hành động của đặc vụ Đài Loan.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung Quốc và Campuchia, một mẻ lưới lớn đã được giăng ra. Ngày 28/4/1963, Campuchia tuyên bố tình trạng giới nghiêm ở Phnôm Pênh, sau đó thực hiện hành động đồng bộ trong cả nước để truy bắt các điệp viên cài cắm của Đài Loan. Cảnh sát Campuchia đã bắt giữ được 46 đặc vụ của Đài Loan trong đó có Trương Tuyết Chi, đồng thời thu giữ được nhiều bức thư và một gói thuốc độc.
Từ lời khai của các đặc vụ sau khi bị bắt giữ, cảnh sát Campuchia đã phong tỏa tuyến đường cao tốc dài khoảng 15km từ khu vực sân bay quốc tế Pochentong đến trung tâm Phnôm Pênh và phát hiện ra một chiếc thùng lớn nằm cách mặt đất 15m ở ngay dưới một ngôi nhà nhỏ bên đường. Mở chiếc thùng này đã phát hiện và thu giữ được 2 thùng nhỏ chứa thuốc nổ TNT, một cuộn dây kích nổ vô tuyến điện và một dụng cụ đào hầm, 6 quả lựu đạn.
Theo lời khai của những kẻ bị bắt giữ thì chúng được lệnh phải bí mật phục kích ở vị trí mà xe ôtô của Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đi qua và cho nổ thùng thuốc nổ để phá hủy xe và ám sát Lưu Thiếu Kỳ. Nếu như việc cho nổ trên không thành thì sẽ sử dụng phương án dùng lựu đạn ném thẳng vào xe của Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ.
Chiều ngày 30/4, đại diện Campuchia đã gặp Đại sứ Trung Quốc thông báo tình hình phá án và mời Vương Ấu Bình và Trần Thúc Lượng tới quan sát khối thuốc nổ TNT, lựu đạn, kíp nổ và một số dụng cụ gây án mà phía Campuchia thu giữ được.
Ngày 1/5, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ chỉ thị cho Vương Ấu Bình và Trần Thúc Lượng thông báo tới Quốc vương Norodom Sihanouk về việc sẽ tiến hành chuyến thăm theo đúng như lịch trình trước đó.